Độc đáo kinh trên lá buông của đồng bào Khmer Nam Bộ
Những bộ kinh viết trên lá buông có tuổi đời hàng trăm năm của đồng bào Khmer Nam Bộ hiện được lưu giữ nhiều nhất tại các ngôi chùa ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang. Ðây là một trong những di sản văn hóa độc đáo thể hiện sự khéo léo, sáng tạo và tri thức của người Khmer, cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và du lịch.
Trưng bày kinh lá buông tại chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. |
Kinh được viết trên lá cây buông bằng nghệ thuật viết tay chữ Khmer cổ, mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo Nam tông, gắn chặt với niềm tin tôn giáo trong đời sống của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ. Nội dung kinh lá buông là triết lý về đời sống văn hóa, tinh thần và những chuẩn mực đạo đức của Phật giáo.
Nghệ thuật chế tác kinh trên lá
Kinh viết trên lá buông hay còn gọi là Sas-tra Slâc Rit là loại thư tịch cổ, quý hiếm, ghi chép bằng chữ Pali hoặc chữ Khmer cổ, được các vị cao tăng đạo hạnh cao thâm ở các chùa Khmer thực hiện.
Theo các tài liệu nghiên cứu, từ khi có chữ viết hoàn chỉnh, người Khmer đã dùng nhiều nguyên liệu để lưu giữ thông tin văn bản, như: bia đá, giấy, lá các loài cây… Trong đó, lá cây buông là loại nguyên liệu độc đáo được các nhà sư lựa chọn để làm sách. “Trong hành trình sáng tạo nên cuốn kinh lá buông thiêng liêng ấy, tất yếu, người Khmer không thể thiếu các nghi thức tôn giáo”, TS Bùi Thị Ánh Vân, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- Ðại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.
Còn theo Thượng tọa, TS Thích Nguyên Thành, Phó Trưởng ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, kinh lá buông du nhập vào tỉnh An Giang cách đây khoảng 800 năm. Phật giáo Nam tông Khmer đã tiếp nối truyền thống viết kinh trên lá buông từ 700 năm trước.
Kinh được viết trên lá cây buông bằng nghệ thuật viết tay chữ Khmer cổ, mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo Nam tông, gắn chặt với niềm tin tôn giáo trong đời sống của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ. Nội dung kinh lá buông là triết lý về đời sống văn hóa, tinh thần và những chuẩn mực đạo đức của Phật giáo.
Theo Hòa thượng Chau Ty, sãi cả chùa Soài So, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, trước kia do điều kiện thiếu thốn, không có nhiều giấy nên các nhà sư nghĩ đến việc trưng dụng lá cây buông làm chất liệu để viết kinh lưu giữ và truyền đạo. Ðể có được những tấm lá viết kinh, các nhà sư phải chuẩn bị hết sức công phu.
Ðầu tiên phải chọn lựa những cây buông có lá to, dài. Khi đọt lá non vừa nhú ra, các sư phải quấn kín bằng vải để tấm lá giữ được mầu trắng, sạch sẽ, không bị côn trùng cắn phá. Công việc này phải được thực hiện thường xuyên và chỉ đến khi tấm lá dài hơn 2m mới thu hoạch bằng cách chặt khỏi thân cây đem về chùa. Kế đến là công đoạn phân loại và chọn kích cỡ lá cho phù hợp với lá kinh. “Thông thường kinh lá dài cỡ 6 tấc (60cm), rộng chừng 6 phân (6cm). Sau khi phơi khô sẽ bào phẳng mặt lá rồi ngâm vào dung dịch bảo quản để tăng độ bền, không bị rách, hư. Hoàn thành tất cả các công đoạn này có khi phải mất đến hàng tháng trời”, Hòa thượng Chau Ty nói.
Chuẩn bị nguyên liệu đã công phu như thế, công đoạn viết chữ lên lá buông còn kỳ công gấp bội. Vẫn theo Hòa thượng Chau Ty, hiện vùng Bảy Núi (bao gồm hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên) có hơn 60 ngôi chùa Khmer với hàng trăm vị sư, achar (thầy cúng, người có uy tín trong cộng đồng Khmer), nhưng chỉ còn ông là truyền nhân đời thứ chín, cũng là người duy nhất biết ghi chép kinh trên lá buông. Kinh lá được viết bằng loại bút có ngòi sắt nhọn gọi là Ðék-cha. Thân bút bằng gỗ được tiện, chau chuốt sao cho vừa vặn với tay người cầm, còn ngòi bút là đoạn thép được gắn chặt vào thân gỗ và mài giũa thật sắc bén.
“Cách viết chữ lên lá kinh cũng rất đặc biệt. Tay phải cầm bút còn tay trái giữ lá, nhưng đầu bút phải tựa lên ngón cái của bàn tay kia. Khi viết, ngón tay cái sẽ điều khiển đầu bút. Cái khó nhất là sự kết hợp thật nhịp nhàng, đều đặn giữa hai tay và nét viết phải có cùng một độ sâu. Nói là viết chứ thực ra chẳng khác gì điêu khắc, khắc họa những con chữ lên tấm lá”, Hòa thượng Chau Ty vừa thị phạm vừa giải thích.
Do tấm lá nhỏ nên mỗi lá chỉ viết được khoảng 5 hàng, mỗi hàng chừng 20-30 chữ. Chính vì thế, người viết phải biết cách thể hiện nội dung như thế nào cho súc tích và gói gọn trong khuôn khổ tấm lá. Một nội dung được viết trên năm, bảy hoặc mười lá. Người viết phải hết sức tỉ mỉ, kiên trì, chỉ cần viết sai một chữ là lá đó coi như bỏ đi. Người giỏi mỗi ngày cũng chỉ viết được tối đa mười lá. Sau khi công đoạn viết hoàn thành sẽ đến khâu tráng (tẩm) mực lên mặt lá để mực thấm vào những chữ viết đã được khắc sâu. Mực có thể được làm bằng than hoặc mầu đen của trái mặc nưa. Sau khi mực ngấm, rút khô vào thân lá, những con chữ sẽ hiện lên, người viết dùng vải lau lá kinh cho sạch.
“Kể cả việc kết những tấm lá thành một quyển kinh cũng rất công phu. Các trang viết được đánh số thứ tự trên góc hoặc giữa lá kinh để sắp xếp nội dung thành quyển và mở ra xem phải theo một quy tắc riêng. Người không biết cách sẽ dễ lật sai, nội dung lẫn lộn”, Hòa thượng Chau Ty cho biết.
Gìn giữ “báu vật” trong các chùa Khmer
Theo Hòa thượng, TS Danh Lung, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer, kinh lá buông là loại sách cổ quý hiếm của người Khmer, được ghi chép phục vụ mọi sinh hoạt trong đời sống thế tục và tín ngưỡng tôn giáo. Trải qua nhiều thế kỷ, kinh lá buông vẫn tồn tại và được người Khmer xem là “báu vật” linh thiêng, gìn giữ trong các chùa Khmer, trong nhà của các vị achar.
Ðây không chỉ là bộ kinh đặc trưng của Phật giáo Nam tông Khmer, mà còn chứa đựng triết lý sống của người Khmer. Trong cuộc đời mình, người Khmer đến chùa từ rất sớm, không chỉ để học kinh, học chữ mà trên hết là học cách làm người. Tại các chùa Khmer Nam Bộ, hầu như chùa nào cũng có kinh lá buông để các vị sư sãi, achar, phật tử học hành, nghiên cứu.
Cách viết chữ lên lá kinh cũng rất đặc biệt. Tay phải cầm bút còn tay trái giữ lá, nhưng đầu bút phải tựa lên ngón cái của bàn tay kia. Khi viết, ngón tay cái sẽ điều khiển đầu bút. Cái khó nhất là sự kết hợp thật nhịp nhàng, đều đặn giữa hai tay và nét viết phải có cùng một độ sâu. Nói là viết chứ thực ra chẳng khác gì điêu khắc, khắc họa những con chữ lên tấm lá.
Hòa thượng Chau Ty, sãi cả chùa Soài So, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
Một trong những ngôi chùa còn lưu giữ nhiều nhất với hơn 100 bộ kinh lá buông nguyên vẹn là chùa Xvayton ở thị trấn Tri Tôn, tỉnh An Giang. Năm 2006, chùa Xvayton được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Ngôi chùa lưu giữ nhiều bộ kinh lá buông nhất Việt Nam”. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa “Tri thức và kỹ thuật viết chữ kinh lá buông của người Khmer ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên” vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Kinh lá buông là di sản thành văn đầu tiên của Phật giáo Nam tông tại Việt Nam. Hiện nay, hầu hết kinh lá buông được gìn giữ, bảo quản tại các chùa với phương thức rất đơn giản như dùng vải quấn quanh bộ kinh và đặt trong tủ kính. Trải qua nhiều năm tháng cùng với sự tác động của thời gian và môi trường biến đổi, những bộ kinh lá buông cổ xưa đang dần bị hư hại. Ðáng chú ý hơn là những nghệ nhân, các vị cao tăng có thể chế tác kinh lá buông trong cộng đồng Khmer Nam Bộ đều đã tuổi cao, sức yếu.
Theo Ðại đức Thạch Dương Trung, trụ trì chùa Moni Serey Sophol Cosdon, tỉnh Bạc Liêu, các bộ kinh lá buông còn được lưu giữ hiện nay có tuổi đời cao nhất khoảng 3 thế kỷ và nhiều bộ không còn được nguyên vẹn do tác động của thời gian. Những bộ kinh lá cổ này không chỉ đóng vai trò chính trong việc bảo tồn kinh điển Phật giáo mà còn có ý nghĩa gìn giữ truyền thống văn hóa quý báu của các cộng đồng, dân tộc. Vì vậy, bên cạnh phương thức bảo tồn theo cách truyền thống tại các chùa Khmer, cần phải áp dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại để việc gìn giữ kinh lá buông đạt hiệu quả cao hơn.
Theo TS Hồ Văn Tường (Trường đại học Bình Dương), kinh lá buông là kho tàng tri thức dân gian của người Khmer Nam Bộ, chưa được khai thác đầy đủ. Bên cạnh việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ hiện đại để lưu giữ cũng như quảng bá sâu rộng giá trị kinh lá buông, cần lập hồ sơ khoa học về kinh lá buông, trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, tạo sức hút khách du lịch đến với chùa Khmer nhiều hơn, góp phần bảo tồn kinh lá tốt hơn.
Nguồn:https://nhandan.vn/doc-dao-kinh-tren-la-buong-post758100.html
Ý kiến ()