Độc đáo đại lễ lẩu Then thăng sắc của người Tày Xứ Lạng
– Then là tín ngưỡng dân gian lâu đời của đồng bào Tày, Nùng xứ Lạng. Năm 2019, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong tín ngưỡng này, chứa đựng nhiều nghi lễ đặc sắc, trong đó có đại lễ lẩu Then thăng sắc. Đây là nghi lễ quan trọng, đánh dấu sự “trưởng thành” về cấp bậc và uy tín của mỗi thầy Then với cộng đồng. Những hình ảnh dưới đây được ghi lại tại đại lễ của thầy Then Lã Viết Mạnh, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn.
Lễ cấp sắc, thăng sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng mang tính giáo dục cao, đã đi vào đời sống tinh thần của cộng đồng, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ, giữ gìn, bảo tồn những yếu tố truyền thống của dân tộc. Đây cũng là nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn. Những người trẻ như thầy Then Lã Viết Mạnh chính là thế hệ kế cận, đóng góp vào bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này không bị mai một.
HOÀNG HIẾU – TUYẾT MAI
Đại lễ lẩu Then thăng sắc được tiến hành trong 3 ngày và tùy theo khả năng và điều kiện của từng thầy Then mà 3 năm thực hiện 1 lần. Trước 7 hoặc 21 ngày diễn ra đại lễ, thầy Then Mạnh cùng các đồng môn phải ăn chay, giữ tâm hồn thanh bạch để "gặp" thần linh.
Trong đại lễ lẩu Then thăng sắc, không gian hành lễ và lễ vật đóng vai trò quan trọng. Trước khi buổi lễ diễn ra, các lễ vật như hoa quả, bánh kẹo... đã được gia đình và những người phụ lễ chuẩn bị kỹ lưỡng.
Sau khi mọi điều kiện chuẩn bị đầy đủ, thầy Then Lã Viết Mạnh cùng các đồng môn trong dòng then của mình thực hiện nghi thức “phát tàng” (dọn đường). Đây được coi là sự khởi đầu của đại lễ lẩu Then thăng sắc, các thầy then sẽ khởi động binh mã "dọn đường" để đoàn quan binh dễ dàng thuận lợi trong quá trình di chuyển lên các cung, cửa.
Khi thực hành nghi lễ, người hát Then không thể thiếu các dụng cụ như đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt.... Đàn tính được coi là nhạc cụ mang “hồn” dân tộc, là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh...
Sang ngày thứ 2 của đại lễ, ngay từ 4 giờ sáng, các thầy Tào đã có mặt và thực hiện các nghi thức cúng. Trong ảnh là nghi thức thầy Tào cầm chén nước, lá đào, cây thân thảo giải hết các uế tạp để mọi thứ thanh sạch.
Những vật thiêng của nghề Then như: Quẻ xin âm dương, kiếm, quạt, chuông, mũ, áo, đàn tính... sẽ được thầy Tào cấp cho thầy Then Mạnh trong buổi lễ thăng sắc để từ đó đi cầu an, cầu phúc cho người dân.
Sau hơn 2 tiếng thực hiện các nghi lễ, thầy Tào đọc và giao tờ Sắc đã viết sẵn cho thầy then Mạnh
Trong ảnh là nghi thức thầy Tào ban mũ Then mới cho Thầy Then Mạnh. Theo quan niệm, người thầy khi bắt đầu làm then, ngoài đàn tính, chùm xóc nhạc để hành nghề thì họ sẽ được cấp cho một chiếc mũ Then. Những dải tua dài gắn sau mũ là dấu hiệu để phân biệt thứ bậc cao hay thấp của thầy then. Những đồ vật này chỉ được sử dụng cho các kỳ lẩu then, đón tướng, các nghi lễ nhỏ không được phép dùng.
Trong lần thăng sắc này, thầy Mạnh được cấp mũ có 11 dải tua, đánh dấu sự “trưởng thành” về cấp bậc, uy tín của Then Mạnh với cộng đồng, đồng thời đây cũng là dịp giúp thầy then lan tỏa giá trị của di sản vang xa. Được biết, đối với dòng then của thầy Mạnh, cấp bậc cao nhất là 15 dải tua mũ.
Sau khi Thầy Tào hoàn tất các thủ tục thăng sắc, gia đình và người thân lần lượt chúc mừng thầy Mạnh bằng cách buộc những dải khăn đỏ, cắm những cành hoa (tèo hồng co bjoóc) lên mũ.
Buổi tối ngày thứ 2 diễn ra đại lễ, thầy then Mạnh thực hiện nghi thức “Tẳng tưởng” (đón tướng) xuống chứng lễ và ban phát tài lộc cho gia chủ. Theo quan niệm, trong tín ngưỡng Then có rất nhiều vị tướng cai quản ở nhiều cung cửa khác nhau.
Trong nghi thức đón tướng, các thầy then sẽ dâng lễ vật lên và cầu mong những điều tốt lành
Ngày thứ ba, đại lễ Lẩu Then Thăng sắc kết thúc trong điệu múa chầu vui tươi của các thầy then và mọi người đến dự lễ thể hiện.
Ý kiến ()