Độc đáo đặc sản nem nướng Hữu Lũng
(LSO) – Nói đến nem nướng, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến sản phẩm đặc sản của huyện Hữu Lũng. Trước đây, sản phẩm này chỉ được làm vào dịp tết hoặc khi gia đình có cỗ. Giờ đây, với hương vị đặc trưng riêng có, nem nướng Hữu Lũng đã trở thành món ăn đặc sản, thứ quà không thể thiếu của mỗi du khách có dịp ghé qua.
Chúng tôi đến gia đình bà Mai Thị Loan, thôn Rừng Dong, xã Đồng Tân, một trong những hộ tiên phong trong việc sản xuất và đưa sản phẩm nem nướng truyền thống ra thị trường. Tết Nguyên đán năm nay, gia đình bà rất phấn khởi bởi sản phẩm nem nướng của gia đình đã được xếp hạng OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), do đó số lượng khách đặt hàng tăng hơn khoảng 20% so với mọi năm. Bà Loan cho biết: “Làm nem nướng là nghề truyền thống của gia đình, tuy nhiên trước đây chỉ làm để ăn, khoảng chục năm trở lại đây, gia đình tôi bắt đầu làm để bán. Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi làm được khoảng 100 chiếc nem, dịp tết, mỗi ngày làm được 400 đến 500 chiếc, nhưng cũng không đủ bán, khách muốn mua đều phải đặt hàng trước”.
Người dân xã Đồng Tân đóng hộp sản phẩm nem nướng để gửi cho khách hàng
Không chỉ gia đình bà Loan, hiện trên địa bàn huyện Hữu Lũng có khoảng 100 hộ tại 9 xã, thị trấn làm nem nướng để bán. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, hầu như gia đình nào trong huyện cũng làm hoặc mua nem nướng để cúng gia tiên, đãi khách, làm quà…
Nem nướng được làm từ các nguyên liệu gồm: thịt lợn, bì lợn, muối tinh, thính, bột ngọt… và được gói bằng nhiều lớp lá chuối. Sau khi gói được khoảng 2 đến 3 ngày thì nem bắt đầu lên men, có vị hơi chua, đó là lúc nem có thể ăn. Món nem được nướng trên than, khi ăn dùng kèm với lá ổi, đinh lăng, sung và ớt. Để có những chiếc nem nướng thơm ngon, hương vị đậm đà, người làm nem phải lựa chọn nguyên liệu và các bước làm phải tỉ mỉ, cẩn thận.
Chị Lý Thị Nê, thôn Diễn, xã Yên Thịnh, người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề làm nem nướng cho biết: Thịt làm nem phải là thịt mông dai và mua lúc lợn mới mổ, còn hồng tươi, mang về thái bằng dao sắc, mỏng hoặc cho vào máy thái thịt. Bì lợn cũng được luộc sơ, thái thật mỏng. Sau đó, thịt, bì đều được ướp với gia vị mắm, muối, hạt tiêu khoảng 30 phút rồi trộn đều với bột thính. Nem nướng Hữu Lũng có vị thơm, ngậy riêng chính là nhờ bột thính. Thính được làm từ gạo bao thai pha với gạo nếp thơm, rửa sạch, phơi cho khô nước. Sau đó, đem rang đều tay, đến khi vừa đủ độ vàng, giòn, có mùi thơm nức thì đem xay nhỏ thành bột. Đặc biệt, lượng thính phải cho vừa đủ để đảm bảo quả nem không bị khô quá mà cũng không bị dính. Một chiếc nem thường được làm từ khoảng 2 đến 3 lạng thịt, gói bởi 3 lớp lá chuối, bên ngoài buộc lạt tre hoặc dây tơ dứa.
Hiện nay, ở huyện Hữu Lũng, nem được làm quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là từ tháng 9 âm lịch đến tết. Bởi vào mùa này có nhiều đám cưới, không chỉ người dân trên địa bàn huyện mà nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh… cũng đặt mua với số lượng lớn để ăn, làm quà biếu. Đối với người dân trên địa bàn huyện, trong các mâm cỗ ngày lễ, ngày cưới và ngày tết không thể thiếu món nem nướng. Đây không chỉ là món ăn truyền thống mà còn là một nét đẹp văn hoá ẩm thực của người dân, món ăn đặc trưng cho thành quả lao động, cầu may mắn, mùa màng bội thu trong năm mới.
Bên cạnh đó, nghề làm nem nướng còn đem lại thu nhập khá cao cho người dân. Nếu tính bình quân mỗi ngày làm được 100 chiếc nem, 1 tháng khoảng 3.000 chiếc nem, với giá trung bình 20.000 đồng đến 25.000 đồng/chiếc, thu nhập của các hộ sản xuất được trên 60 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí, người dân có lãi từ 9 đến 11 triệu đồng/tháng.
Năm 2020, sản phẩm nem nướng Hữu Lũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, đó là tiền đề để sản phẩm này “bay cao, bay xa” hơn nữa trên thị trường. Ông Nông Khắc Tạo, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện nay, nem nướng Hữu Lũng đã trở thành món ăn ưa thích của nhiều người ở các vùng lân cận và du khách gần xa. Thời gian tới, phòng sẽ tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất liên kết thành lập hợp tác xã, hướng đến đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị… giúp quảng bá, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm.
Ý kiến ()