LSO-“Doanh nhân mạnh thì quốc gia hưng thịnh”, câu nói của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại cuộc gặp mặt các doanh nhân Việt Nam 2004 đến nay vẫn được nhắc đến nhiều mỗi dịp 13/10 - Ngày Doanh nhân Việt Nam. 8 chữ ngắn gọn ấy mang trong mình thông điệp sâu sắc về niềm tin mãnh liệt và trách nhiệm lớn lao. Doanh nhân tin vào sự thành công của chính mình, nêu cao trách nhiệm của mình với đất nước. Đảng và nhà nước đặt niềm tin vào đội ngũ doanh nhân, đồng thời cũng khẳng định trách nhiệm dìu dắt, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để giới doanh nhân phát triển không ngừng. Đã 6 năm qua kể từ ngày thông điệp ấy được chuyển tải và thực hiện, đã 6 năm kể từ lần đầu tiên giới doanh nhân có ngày một ngày riêng, đã 6 năm cùng giữ vững niềm tin, sẻ chia trách nhiệm. 6 năm để thấy rằng: Câu nói ấy, thông điệp ấy, sẽ chẳng bao giờ phai cũ. Nếu ai đã từng đọc “Thương học phương châm” của Lương Văn Can- Nhà chí sĩ yêu nước,...
LSO-“Doanh nhân mạnh thì quốc gia hưng thịnh”, câu nói của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại cuộc gặp mặt các doanh nhân Việt Nam 2004 đến nay vẫn được nhắc đến nhiều mỗi dịp 13/10 – Ngày Doanh nhân Việt Nam. 8 chữ ngắn gọn ấy mang trong mình thông điệp sâu sắc về niềm tin mãnh liệt và trách nhiệm lớn lao.
Doanh nhân tin vào sự thành công của chính mình, nêu cao trách nhiệm của mình với đất nước. Đảng và nhà nước đặt niềm tin vào đội ngũ doanh nhân, đồng thời cũng khẳng định trách nhiệm dìu dắt, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để giới doanh nhân phát triển không ngừng. Đã 6 năm qua kể từ ngày thông điệp ấy được chuyển tải và thực hiện, đã 6 năm kể từ lần đầu tiên giới doanh nhân có ngày một ngày riêng, đã 6 năm cùng giữ vững niềm tin, sẻ chia trách nhiệm. 6 năm để thấy rằng: Câu nói ấy, thông điệp ấy, sẽ chẳng bao giờ phai cũ.
Nếu ai đã từng đọc “Thương học phương châm” của Lương Văn Can- Nhà chí sĩ yêu nước, người thầy của giới doanh thương Việt Nam, hẳn không thể quên được ông đã chỉ ra “10 điểm không” của thương nhân Việt Nam khiến cho thương mại nói riêng và kinh tế nước ta nói chung thời ấy không phát triển. “Không có thương phẩm, không có thương hội, không có tín thực, không có kiên tâm, không có nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao thiệp, không biết tiết kiệm và không nội hóa.” Danh sách 10 không ra đời cách đây đã gần trăm năm nhưng nó vẫn tồn tại như những điều tối kị để giới doanh nhân tự răn mình không bao giờ phạm phải. Ngày hôm nay, soi lại mình trong bản danh sách ấy, giới doanh nhân có thể tự hào vì rất nhiều điều đã thay đổi. Doanh nghiệp và doanh nhân Việt đã và đang trở thành trụ cột của nền kinh tế, là động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình hội nhập của cả nước. Danh sách 10 không ấy vẫn còn là những điều răn nhưng không còn là bản chất và là hình ảnh của giới doanh nhân Việt nữa.
|
Nhà máy xi măng Đông Bành – Điểm nhấn của công nghiệp Lạng Sơn |
Đối với Lạng Sơn, con số trên 1500 doanh nghiệp với lượng vốn đăng ký hơn 5000 tỉ đồng đã phần nào phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của khối doanh nghiệp trong những năm gần đây. Trong sự phát triển ấy, có hình bóng của nhiều doanh nhân nỗ lực vượt khó vươn lên, có chất keo của những mối giao thương bền chặt, có niềm tin được đền đáp xứng đáng và có những trách nhiệm được thực hiện đầy đủ. Tại cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố và các doanh nhân, doanh nghiệp nhân dịp 13/10, cả hội trường đã bật cười khi chị Nguyễn Kim Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Viên, kết thúc bài tham luận chỉ mong muốn có mỗi một điều: Các cơ quan chức năng sửa lại hệ thống cống thoát nước đường Lê Đại Hành, nơi đóng đô của nhà hàng Thảo Viên, để mỗi khi mưa ngập không còn tình trạng khách bên này “sông”, chủ bên kia “sông” nhìn thấy nhau mà không sang được. Khi tôi hỏi sao mơ ước giản dị thế, chị chỉ cười: “Giản dị thôi, nhưng đối với Thảo Viên, đó là sự sống còn của cả một doanh nghiệp, lúc nước ngập, nhìn khách đứng tần ngần bên kia đường, anh em chỉ muốn sang “cõng thượng đế” vào thôi”. Chị Thảo rất tin tưởng rằng, các cơ quan chức năng hiểu sâu sắc những khó khăn rất thực tế ấy của doanh nghiệp và sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp chia sẻ khó khăn, thách thức. Một câu chuyện với những nụ cười nhưng để lại nhiều suy ngẫm, những suy ngẫm về niềm tin và sự gửi gắm niềm tin, về trách nhiệm và việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm.
Tôi còn nhớ mãi vào khoảng giữa năm 2009, tại cuộc gặp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn trong giai đoạn nền kinh tế mang nhiều biến động và tiềm ẩn những rủi ro cao đối với các doanh nghiệp. Khi ấy, đồng chí Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: “Tỉnh không thờ ơ trước những khó khăn của doanh nghiệp và sẽ cùng doanh nghiệp chia sẻ, gánh vác khó khăn. Khối doanh nghiệp lớn mạnh cũng là tỉnh đang phát triển rất mạnh mẽ”. Đến thời điểm này, khó khăn thách thức đang lùi dần, cánh cửa của cơ hội phát triển lại rộng mở, có thể nhận thấy rằng: Câu nói ấy của đồng chí Chủ tịch không chỉ là lời động viên trong lúc khó khăn, đó còn là sự khẳng định trách nhiệm và sự cam kết thực hiện đến cùng trách nhiệm.
Ông Nguyễn Huy Bản, Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Lạng Sơn đã nói với tôi rằng: Khái niệm niềm tin và trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và phát triển doanh nghiệp chưa bao giờ chia tách. Phải có niềm tin mới có động lực để thực hiện trọn vẹn trách nhiệm, và phải làm tròn trách nhiệm mới giữ vững được niềm tin.
Gặp những Doanh nhân trong ngày 13/10, vẫn thấy trên vai họ gánh vác nhiều trách nhiệm nặng nề nhưng chưa bao giờ tôi thấy trong đôi mắt, trong nụ cười phai nhạt những niềm tin.
Trúc Lam
Ý kiến ()