Doanh nhân Xứ Lạng: Đổi mới để thành công
(LSO) – Hòa cùng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, đội ngũ doanh nhân Xứ Lạng đã chủ động học hỏi, nâng cao kỹ năng, trình độ quản trị doanh nghiệp, tiên phong đổi mới hình thức sản xuất kinh doanh để khẳng định vị trí trên mặt trận kinh tế, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và đất nước.
Thương trường như chiến trường, luôn có sự cạnh tranh khốc liệt, để chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình vượt qua sóng gió, đòi hỏi người doanh nhân phải có tầm nhìn xa, tiên liệu, quyết đoán, dám đổi mới.
Điển hình như thành công của Công ty Cổ phần Sao Vàng – đơn vị tiên phong thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông công cộng. Nhận định nhu cầu về dịch vụ vận tải hành khách trong tương lai, năm 2007, công ty đã xây dựng Bến xe Phía Bắc hiện đại, đồng bộ. Đến năm 2010, bến xe đạt tiêu chuẩn loại II theo quy định của Bộ Giao thông – Vận tải với quy mô 25.000 m2, đủ khả năng tiếp nhận 300 đầu xe và đầy đủ khu vực dịch vụ đi kèm đáp ứng nhu cầu hành khách và lái xe.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng bằng khen cho doanh nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất sắc
Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Vàng chia sẻ: “Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư nâng cấp Bến xe Phía Bắc lên loại I với mục tiêu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách nội địa và hướng đến liên vận, đón – tiếp nhận hàng hóa, hành khách quốc tế đến Lạng Sơn và ngược lại”.
Hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, vốn là lĩnh vực “mũi nhọn” của Lạng Sơn đó là Công ty TNHH Xuân Cương. Doanh nhân Nguyễn Hồng Cương đã thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Bãi xe Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị trở thành một hệ thống kho bãi đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng cho việc lưu trữ cũng như tạm nhập tái xuất các loại hàng hóa, thiết bị máy công nghiệp qua địa bàn Lạng Sơn.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, doanh nhân Huỳnh Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Long đã khẳng định được giá trị của “Sao Vàng đất Việt” với sản phẩm máy bơm nước. Công ty đã chủ động nghiên cứu, tiên đoán nhu cầu thị trường để sản xuất thành công các loại máy bơm như: BM22, GAM20, GAM35… Và mục tiêu lớn của công ty là đến năm 2020 tự sản xuất được 100% linh phụ kiện để lắp rắp sản phẩm, mở rộng thị trường ở tất cả các nước khu vực Đông Nam Á.
Sang tải hàng hóa tại Bãi xe Xuân Cương tại khu vựa Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
Có thể khẳng định, đến nay, doanh nhân Xứ Lạng đã đạt được nhiều thành công trên tất cả các lĩnh vực và đang không ngừng đổi mới, sáng tạo để đạt những kết quả lớn hơn. Đội ngũ doanh nhân ngày một tăng cả về chất và lượng. Từ 500 doanh nghiệp vào năm 2012, đến nay, Lạng Sơn có gần 3.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký kinh doanh gần 24 nghìn tỷ đồng. Sự phát triển của cộng đồng doanh nhân – doanh nghiệp đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của tỉnh ổn định khoảng 8 – 9% giai đoạn 2012 – 2018.
Thành công trên thương trường, đội ngũ doanh nhân Xứ Lạng không quên trách nhiệm xã hội. Từ năm 2012 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân Lạng Sơn đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Trong đó, riêng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã huy động các hội viên tham gia ủng hộ xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình an sinh xã hội, ủng hộ các quỹ: vì người nghèo, khuyến học, chương trình biển đảo quê hương… hơn 60 tỷ đồng.
Có thể kể đến các doanh nghiệp tiêu biểu trong công tác an sinh xã hội như: Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lạng Sơn; Công ty TNHH Bảo Long; Vietinbank Lạng Sơn; Vietcombank Lạng Sơn… Theo ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lạng Sơn, giờ đây, doanh nghiệp Lạng Sơn ngày một ý thức rõ trách nhiệm khi tham gia các chương trình an sinh xã hội cũng như ý nghĩa to lớn mà các chương trình, hoạt động được triển khai đem lại cho cộng đồng.
Đồng thời, doanh nghiệp – doanh nhân Lạng Sơn thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước, trong 5 năm gần đây, mỗi năm, khối doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước bình quân trên 500 tỷ đồng/năm. Đồng thời tạo viêc làm cho hơn 50.000 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 4,5 – 6 triệu đồng/người/tháng cùng với các chính sách, chế độ theo quy định.
Ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đánh giá: Doanh nhân Lạng Sơn đã trưởng thành từng ngày. Họ đã chủ động tìm hiểu, đầu tư sáng tạo ra sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Quá trình tạo ra sản phẩm mới, khai thác thị trường mới đã là mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi doanh nhân đã ý thức được trách nhiệm, vai trò đối với cộng đồng, xã hội. Điều này khẳng định sự thành công và nét văn hóa doanh nhân Lạng Sơn.
ANH DŨNG
Ý kiến ()