Doanh nhân Việt Nam Bản lĩnh vượt khó
Doanh nhân thời mở cửa được ví như người lính thời bình, lực lượng chủ đạo góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước suy giảm, nhiều doanh nghiệp (DN) đối mặt thách thức hết sức gay gắt, đội ngũ doanh nhân Việt càng thể hiện sức mạnh và bản lĩnh vượt khó.
Doanh nhân thời mở cửa được ví như người lính thời bình, lực lượng chủ đạo góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước suy giảm, nhiều doanh nghiệp (DN) đối mặt thách thức hết sức gay gắt, đội ngũ doanh nhân Việt càng thể hiện sức mạnh và bản lĩnh vượt khó.
Dấu hiệu phục hồi
Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, chín tháng qua, đã có hơn 58 nghìn DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 281 nghìn tỷ đồng. Mặc dù số vốn đăng ký giảm do nền kinh tế khó khăn và khả năng huy động vốn còn thấp của nhà đầu tư, nhưng số DN đăng ký thành lập mới vẫn tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Những DN buộc phải tạm đóng cửa trước đây đã quay trở lại hoạt động ngày càng nhiều: chín tháng đã tăng lên hơn 11 nghìn DN. Theo TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vấn đề hàng tồn kho, khai thác thị trường vẫn là bài toán lớn, thật sự là mối lo ngại của DN. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là các DN đã dự cảm nhiều yếu tố thuận lợi, khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm. Một số chính sách hỗ trợ DN như tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; gia hạn nộp thuế thu nhập DN, VAT, đất đai, tái cấu trúc nợ,… tuy chưa đủ giúp DN vực dậy nhưng bước đầu đã có tác dụng tích cực. Gần 70% số DN được khảo sát cho biết sẽ quyết định giữ nguyên quy mô kinh doanh, 22% có thể mở rộng quy mô. Bởi họ tin tưởng trong thời gian tới, nền kinh tế có triển vọng thuận lợi, thị trường có dấu hiệu phục hồi,…
Thẳng thắn thừa nhận, phần lớn doanh nghiệp trong nước có xuất phát điểm thấp về nhiều điều kiện kinh doanh. Trong quá trình hội nhập, nhiều DN khó thoát cảnh gia công, thực chất là làm thuê cho DN nước ngoài. Trước sự gắt gao, khốc liệt của cơ chế thị trường và sức ép hội nhập quốc tế, nhiều DN đã bộc lộ yếu kém, bất cập. Tầm nhìn hạn hẹp trong chiến lược kinh doanh là nguyên nhân cốt tử khiến DN sa lầy khi phát triển dài hạn. Có DN hoạt động rất thành công ở quy mô nhỏ nhưng thất bại ngay khi bước vào giai đoạn mở rộng. Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Cao Sỹ Kiêm đánh giá: “Trình độ quản trị, kỹ năng nghề nghiệp cũng như kiến thức về thị trường, văn hóa kinh doanh của một số doanh nhân chưa thật sự chuyên nghiệp. Do đó, khả năng cạnh tranh của DN trên thương trường còn hạn chế, tuy đã nỗ lực vươn lên để thích ứng, cố gắng bắt kịp xu thế hội nhập nhưng vẫn ở một khoảng cách khá xa so với các nước. Chúng ta chưa có những nhân tố đầu đàn, mang tính dẫn dắt cho hệ thống DN, doanh nhân Việt Nam. Trước đổi thay nhanh chóng của thị trường hội nhập quốc tế, các phương thức kinh doanh luôn thay đổi, đòi hỏi đội ngũ doanh nhân phải không ngừng sáng tạo, tăng năng lực tư duy, phát huy lòng tự tôn dân tộc, xây dựng niềm tin quyết không “thua chị, kém em”. Chỉ có như vậy mới có quyền hy vọng một ngày không xa đội ngũ doanh nhân, DN Việt Nam sẽ ngang tầm với bạn bè trong cuộc chơi hội nhập quốc tế đầy cơ hội nhưng cũng lắm rủi ro”.
Khát vọng và niềm tin
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hương Sen (Thái Bình) Trần Văn Trà tâm sự: Thử thách cam go, nặng nề nhất là khi công ty quyết định rẽ lối táo bạo sang sản xuất bia, hoàn toàn xa lạ nghề truyền thống. Sản phẩm ra đời, liên tiếp phải hứng chịu tin đồn thất thiệt, nhưng với tinh thần “chỉ tiến không lùi”, toàn thể công ty đã xoay xở hết mình, dần từng bước chiếm lĩnh thị phần. “Bia Ðại Việt” – thương hiệu mới của Hương Sen đã chiếm được cảm tình của nhiều người tiêu dùng. Công ty xác định không đầu tư dàn trải, chỉ tập trung vào ngành nghề thật sự có tiềm năng sinh lợi, quay vòng vốn nhanh. Bí quyết phát triển của Hương Sen không mới, không độc đáo nhưng có lẽ không phải DN nào cũng làm được và làm hiệu quả: Ðó là tiết kiệm, chống lãng phí, quản trị DN tốt.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Việt – Úc Lê Văn Tiến chia sẻ, quan điểm phát triển của Việt – Úc là đầu tư đi tắt, đón đầu công nghệ hiện đại, áp dụng mô hình mới vào sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực xã hội có nhu cầu như xây dựng, sản xuất dây chuyền gạch không nung, trạm trộn bê-tông nhựa,… đạt hiệu quả cao. Mặc dù ở thời điểm khó khăn, nhưng công ty vẫn đạt doanh thu hơn 360 tỷ đồng năm 2012, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động với thu nhập bình quân đầu người tám triệu đồng/tháng.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong quá trình phát triển, nếu chỉ có bản lĩnh vượt khó
e rằng chưa đủ. Mỗi doanh nhân phải trang bị đầy đủ kỹ năng quản trị kinh doanh, các hiệp hội, tổ chức chuyên môn cũng cần được thể hiện “tròn vai” hơn, bồi dưỡng DN khả năng kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước,… Ngoài ra, tùy theo khả năng mỗi DN có sự đầu tư thích đáng cho công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng tiềm lực trong công cuộc hội nhập. Chưa bao giờ đội ngũ doanh nhân được đặt vào vị trí trung tâm và coi trọng trong xã hội như hiện nay. Cục trưởng Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Hồ Sỹ Hùng khẳng định: Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định, chính sách về quản lý DN và kinh doanh, rất cần tập trung nhiều hơn vào chính sách và những hành động hỗ trợ DN. Các hoạt động hỗ trợ này được triển khai cả ở trung ương và tập trung hơn vào cấp địa phương, bằng các hoạt động hỗ trợ trực tiếp như giãn, giảm thuế, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ một phần vốn đầu tư… và cả hoạt động hỗ trợ gián tiếp như đào tạo nâng cao trình độ và năng lực quản trị của doanh nhân, cung cấp thông tin, tư vấn quản lý và kỹ thuật công nghệ, xúc tiến thương mại, kết nối kinh doanh… Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, các ngành, các cấp đều thấy rõ sự cần thiết phải hỗ trợ DN và đang tập trung triển khai những hoạt động hỗ trợ theo đúng tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 là “phải hết sức lo cho DN và lo từng việc cụ thể”.
Thật khó hình dung nếu thiếu vắng đội ngũ hùng hậu hàng trăm nghìn doanh nhân trong giai đoạn CNH, HÐH, đất nước sẽ mất đi nguồn của cải lớn như thế nào và tốc độ phát triển xã hội ảnh hưởng ra sao. Nhiều doanh nhân Việt đã khẳng định ý chí, bản lĩnh kiên cường, không chỉ chèo lái giúp “con thuyền” DN vững vàng trong sóng dữ mà còn tìm cơ hội bứt phá, vượt lên chính mình, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Họ xứng đáng được cả xã hội tôn vinh!
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()