Doanh nhân nữ cần chủ động nắm bắt cơ hội trong bối cảnh hội nhập
Cùng với công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước, phụ nữ Việt đang thể hiện vai trò quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có "mặt trận" kinh tế - thương mại. Nhiều phụ nữ hiện đang là chủ các doanh nghiệp, công ty, đơn vị kinh doanh xuất sắc, năng lực cạnh tranh cao ở cấp khu vực cũng như quốc tế.
Chủ động nắm thông tin, chìa khóa để hội nhập
Năm 2016, nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đi vào thực thi, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được các quốc gia thành viên phê chuẩn, dự báo sẽ có nhiều tác động lớn đối với thị trường Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những doanh nhân nữ có lợi thế đặc biệt trong xu thế của nền kinh tế mới không chỉ ở tính sáng tạo, đổi mới mà còn ở sự tinh tế, nhân ái và là những người dẫn đầu trong trào lưu kinh doanh và đảm bảo trách nhiệm xã hội. Hiện nay, doanh nhân nữ thường hoạt động nhiều trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với nông nghiệp nông thôn. Do vậy, họ tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, cũng là sử dụng nhiều lao động nữ, góp phần giảm gánh nặng cho đất nước. Nhiều doanh nhân nữ cho rằng: việc đất nước hội nhập vào sân chơi quốc tế đang mở ra cơ hội cực kỳ lớn cho doanh nhân nữ được giao thương, hội nhập văn hóa, xã hội đến kinh tế… Song, đi kèm với đó là thách thức nếu như doanh nhân nữ không có đủ kiến thức, tiềm lực để kinh doanh lĩnh vực của mình thì dễ bị đuối sức, không theo kịp các nước khu vực và thế giới.
Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Chủ tịch Mạng Doanh nhân nữ ASEAN Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng, hiện nay, Việt Nam gia nhập AEC và nhiều hiệp định thương mại tự do. Thông tin đến với doanh nghiệp nói chung và doanh nhân nữ là điều rất cần thiết. Nếu có thông tin thì họ sẽ sàng lọc được cơ hội và thách thức. Khi có đầy đủ thông tin thì họ sẽ có biện pháp vượt qua rào cản và nắm lấy cơ hội để hội nhập thành công. Hiểu được đây là điều rất cần thiết đối với các doanh nhân nữ nên mạng doanh nhân nữ ASEAN đã cung cấp thông tin đó cho hội viên của mình qua mạng xã hội và giới thiệu hội viên tham gia nhiều diễn đàn quốc tế đặc biệt là các diễn đàn nói về thông tin ASEAN như thủ tục hải quan, áp lực của doanh nghiệp khi hội nhập.
Rõ ràng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các doanh nhân nữ cần chủ động hợp tác, liên kết trong kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng. Đặc biệt, để hội nhập các nữ doanh nhân cũng cần chủ động giải quyết các vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như tăng cường năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến; những rào cản về kỹ thuật, những thay đổi về chính sách thuế, hải quan là những thông tin cần nắm vững để có thể tận dụng lợi thế trong hội nhập.
Cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan, ban ngành
Là phụ nữ khi kinh doanh phải nỗ lực hơn nhiều so với nam giới. Vì ngoài công việc kinh doanh phụ nữ còn phải quan tâm, chăm sóc gia đình, nên thời gian dành cho công việc rất eo hẹp. Vì vậy, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ sát cánh của Nhà nước và các cơ quan ban ngành tạo cơ hội thông thoáng hơn bằng những chính sách thông thoáng, bằng gói hỗ trợ cụ thể thiết thực hơn.
Bà Đặng Thị Trúc Lan Chi – Giám đốc công ty TNHH Vĩnh Tiến, Công ty chuyên sản xuất bánh, kẹo dừa Bến Tre cho biết, hiện Công ty của bà có khoảng 400 công nhân, trong đó trên 80% là công nhân nữ. Công ty xuất khẩu khoảng 80% sản phẩm… Trước những thuận lợi và thách thức của bối cảnh hội nhập, bà bày tỏ mong muốn nhà nước có chính sách ưu đãi tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhiều công nhân nữ như ưu đãi thuế, lao động, xúc tiến thương mại để thâm nhập thị trường quốc tế.
Bà Hoàng Thị Ngọc Mai- Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Trường Hà Nội VIP cũng cho rằng, hội nhập mở ra cơ hội cực kỳ lớn cho các doanh nhân nữ của Việt Nam nói riêng và doanh nhân nữ ASEAN nói chung. Thông qua đó, họ được giao thương hội nhập từ văn hóa, xã hội đến kinh tế. “Tuy nhiên, cơ hội này cũng đi đôi với thách thức nếu như mình không có đủ kiến thức và tiềm lực để kinh doanh trong lĩnh vực của mình thì rất dễ bị đuối sức, không theo kịp ngay như khối ASEAN chứ không nói đến đến cộng đồng châu Âu và thế giới. Các doanh nhân nữ phải trau dồi kiến thức, nắm chắc diễn biến kinh doanh hàng ngày để hoàn thiện mình sao cho phù hợp với thời kỳ mới” – bà Mai nói. Ở góc độ doanh nghiệp, bà Mai cũng cho rằng, doanh nhân nữ cần sự hỗ trợ cần thiết nhất là cơ chế chính sách và các luật không bị chồng chéo.
Là một doanh nhân thành đạt, bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch HĐQT Thuốc thú y Trung ương 5 nhận định, với xu thế hiện nay, cạnh tranh sẽ rất khốc liệt giữa hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu. Vì vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải đặt mình vào vị thế người tiêu dùng để sản phẩm làm ra đảm bảo yêu cầu về chất lượng, cũng như giá cả hợp lý. Bà Hương cũng cho rằng: Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp ưu đãi thuế, lao động, xúc tiến thương mại để thâm nhập thị trường quốc tế trong thời gian tới.
Để các doanh nghiệp, doanh nhân nữ phát triển hơn trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chính phủ và các cơ quan ban, ngành nên tạo cơ hội thông thoáng bằng những chính sách linh hoạt hơn, với các gói hỗ trợ cụ thể và thiết thực hơn. Bên cạnh đó, các tổ chức như VCCI và các hiệp hội cũng nên có các chương trình, hỗ trợ kết nối cụ thể và đáp ứng được những nhu cầu của doanh nghiệp mong mỏi. Bên cạnh đó, vai trò của chính các doanh nhân cần chủ động tìm các kênh thông tin có lợi nhất cho mình và tự đi tìm các nguồn lực để vượt qua khó khăn của hội nhập.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()