Ngày 9-12-2011, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Đây là lần đầu Đảng ra một nghị quyết riêng về vai trò của doanh nhân nước ta, cho nên, nghị quyết đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong cả nước.Chúng tôi vừa trải qua một đợt công tác ở cả ba miền để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và ý kiến đóng góp của các doanh nhân đối với Nghị quyết 09-NQ/TW - một chủ trương và một văn bản có tầm vóc lịch sử, có nhiều nội dung mới, đặc biệt quan trọng, gây ấn tượng sâu sắc đối với đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo và lớn mạnh của nước ta. Nghị quyết này là sự chỉ đạo và cũng là sự cổ vũ, tiếp sức to lớn đối với doanh nhân trong giai đoạn phát triển mới, về lâu dài là chung sức thực...
Ngày 9-12-2011, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Đây là lần đầu Đảng ra một nghị quyết riêng về vai trò của doanh nhân nước ta, cho nên, nghị quyết đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong cả nước.
Chúng tôi vừa trải qua một đợt công tác ở cả ba miền để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và ý kiến đóng góp của các doanh nhân đối với Nghị quyết 09-NQ/TW – một chủ trương và một văn bản có tầm vóc lịch sử, có nhiều nội dung mới, đặc biệt quan trọng, gây ấn tượng sâu sắc đối với đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo và lớn mạnh của nước ta. Nghị quyết này là sự chỉ đạo và cũng là sự cổ vũ, tiếp sức to lớn đối với doanh nhân trong giai đoạn phát triển mới, về lâu dài là chung sức thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 và trước mắt là vượt qua tình thế khó khăn chưa từng có do lạm phát, thiếu vốn tín dụng, khủng hoảng nợ có tính toàn cầu từ năm 2011 đến nay.
Tâm trạng chung của các doanh nhân là niềm phấn khởi và tinh thần trách nhiệm, bởi vì việc ban hành Nghị quyết 09 là một sự kiện cho thấy Đảng, Nhà nước và nhân dân rất coi trọng và kỳ vọng ở cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong bước chuyển biển lớn về tư duy và tổ chức thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nghị quyết 09-NQ/TW nhận định: Đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế… Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân nước ta còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập…
Nghị quyết 09-NQ/TW cũng đã chỉ rõ các nguyên nhân của những mặt hạn chế nêu trên như: do sơ hở, lỏng lẻo và yếu kém của hệ thống các quy định pháp luật và công tác quản lý nhà nước; thể chế về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân còn thiếu đồng bộ, cải cách hành chính còn chậm; ở một số nơi, sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với doanh nhân còn hạn chế; đội ngũ doanh nhân nước ta mới phát triển, chưa có tích lũy nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh…
Những doanh nhân đã nghiên cứu nghị quyết, đều thấy phấn khởi vì trong đó, quan điểm chỉ đạo đã khẳng định: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân; xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân phải gắn liền với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm quyền sở hữu và quyền tự do kinh doanh theo pháp luật… Đặc biệt là những quan điểm chỉ đạo này lại được đưa ra trong bối cảnh công dân cả nước đang hết sức quan tâm, đóng góp vào quá trình sửa đổi Hiến pháp để có một đạo luật cơ bản đáp ứng yêu cầu khách quan của chặng đường phát triển mới.
Nhằm đạt được mục tiêu: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, đủ năng lực lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, tham gia tích cực vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông – Nam Á, các doanh nhân tự thấy sự nỗ lực của chính mình là nhân tố quyết định. Sự nỗ lực đó thể hiện trên hai mặt:
Một là, phấn đấu nâng cao toàn diện năng lực, trình độ để có thể sánh vai các doanh nhân khu vực và quốc tế trong quá trình hội nhập, trên cơ sở đó mới có thể có ngày càng nhiều thương hiệu Việt Nam đạt tầm cỡ khu vực và chính điều đó là thiết thực góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia đối với thế giới. Doanh nhân Việt Nam có truyền thống tốt đẹp, ngay từ khi còn dưới ách đô hộ của thực dân, đã phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh về kinh tế, chính trị, quân sự, đóng góp tích cực , hiệu quả vào quá trình giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Trong những lúc thế giới chao đảo, khủng hoảng về kinh tế, tài chính, tác động xấu đến nước ta, đội ngũ doanh nhân đã cùng Đảng, Nhà nước gánh chịu khó khăn, vượt qua thách thức để ổn định sản xuất kinh doanh và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, nhận thức của doanh nhân về trách nhiệm xã hội ngày càng sâu sắc; từ chỗ ban đầu chỉ hiểu đơn thuần là các hoạt động tài trợ nhân đạo, từ thiện, đến nay được nâng lên với nội hàm mới và phong phú hơn. Đó là: trách nhiệm xã hội của doanh nhân phải thể hiện rõ qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, vì sức khỏe và lợi ích người tiêu dùng, chăm lo đến quyền lợi người lao động, bảo vệ môi trường, xây dựng và nâng cao uy tín thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam, góp phần tạo dựng hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế… Với nhận thức tư tưởng tiên tiến và những hành động đúng đắn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như nêu trên, những hành vi tiêu cực như chạy theo lợi nhuận bằng thủ đoạn đầu cơ kích giá, làm hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường, gian lận, trốn thuế… từng bước được đẩy lùi.
Hai là, trách nhiệm xã hội theo tinh thần của giai đoạn phát triển mới còn đòi hỏi doanh nhân hiến kế về chiến lược cho Nhà nước; truyền bá kiến thức, kinh nghiệm để đào tạo các nhà doanh nghiệp trẻ, các doanh nhân tương lai.
Tháng 2 vừa qua, một số cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp nhiều doanh nghiệp, doanh nhân có uy tín tổ chức Ngày hội các nhà đầu tư 2012 tại TP Hồ Chí Minh với sự hội tụ của 20 diễn giả tiêu biểu. Đáng chú ý là trong hội trường lớn rất đông thính giả chăm chú lắng nghe, có tới hàng trăm bạn trẻ là doanh nhân mới và sinh viên các trường đại học. Giữa người thuyết trình và người nghe như hòa cùng nhịp trong trao đổi ý kiến, truyền đạt kinh nghiệm vượt qua khó khăn, thách thức trên thương trường trong nước và quốc tế, có sự đồng cảm, cổ vũ lẫn nhau và có nhiều câu hỏi sâu sắc, thiết thực từ phía các doanh nhân trẻ và doanh nhân tương lai.
Tại cuộc hội thảo này, có những hiến kế rất đáng quan tâm, như: cần nhìn nhận cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay là chưa từng có (không phải khủng hoảng chu kỳ của chủ nghĩa tư bản như những lần trước), do đó các quốc gia trong đó có Việt Nam cần có tư duy mới trong xây dựng chiến lược phát triển, đổi mới cơ cấu kinh tế để phát huy ưu thế của đất nước trong những ngành, những lĩnh vực mà ngày càng trở nên nhu cầu lớn và bức thiết của nhân loại… Bên cạnh đó là tăng cường sự giao lưu giữa các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo và giới truyền thông để hội tụ sức mạnh trong việc bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam ngang tầm khu vực trong tương lai gần theo đúng tinh thần Nghị quyết 09 nêu trên. Đồng thời các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phát đạt (không phân biệt là quốc doanh hay dân doanh) cần có thêm cơ chế và phương thức khuyến khích, hỗ trợ các doanh nhân trẻ về thành lập các doanh nghiệp nhỏ tại khu vực nông thôn, miền núi… Đáng chú ý là cần tổ chức các cuộc giao lưu, tọa đàm Nghị sĩ – Doanh nhân để tổng hợp các ý kiến giúp Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân (như Nghị quyết 09-NQ/TW đã quy định trong phần IV- Tổ chức thực hiện).
Tuy nhiên, trên thực tế có lúc, có nơi xao lãng trong tổ chức quán triệt và thực hiện nghị quyết nêu trên. Nghị quyết quy định phổ biến đến chi bộ, nhưng còn nhiều chi bộ trong khu vực các doanh nghiệp chưa tổ chức nghiên cứu, thậm chí chưa biết! Cách thức tổ chức triển khai và tuyên truyền cũng chưa thật sự phong phú, hấp dẫn…
Để nghị quyết có ý nghĩa quan trọng này được triển khai sâu, rộng, hiệu quả hơn, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mong được sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể (như Phòng Thương mại và Công nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa…) tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, thiết thực để Nghị quyết của Đảng thật sự trở thành nguồn sinh lực mới cho các doanh nhân vươn tới tầm cao trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()