Doanh nhân Cựu chiến binh: Phát huy phẩm chất người lính trong thời bình
(LSO) – Rời quân ngũ trở về cuộc sống thường ngày, nhiều cựu chiến binh (CCB) vẫn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế. Trên thương trường, họ tràn đầy nhiệt huyết, năng động, sáng tạo sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Hơn 15 năm qua, dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Vân, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Lạng Sơn đã ngày càng lớn mạnh. Hiện nay, công ty cung ứng khoảng 90% vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân 11 huyện, thành phố với hơn 200 đại lí trên địa bàn toàn tỉnh. Được biết, ông Nguyễn Thanh Vân có 12 năm phục vụ trong quân đội, đã từng là Đại đội trưởng trinh sát thuộc Sư đoàn 337, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Những năm trong quân ngũ đã cho ông rất nhiều bài học về việc xây dựng tổ chức và năng lực lãnh đạo, quản lý.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Phú Lộc (thứ hai từ trái sang) kiểm tra máy móc, thiết bị tại kho của công ty
Ông Vân chia sẻ: Xây dựng doanh nghiệp cũng như trong quân đội, con người là quan trọng nhất. Chúng tôi cần những người có kỷ luật, bản lĩnh, nghị lực và sự gắn bó để cùng công ty vượt qua mọi khó khăn. Sau đó, mới từng bước kiện toàn các bộ phận của công ty, ổn định nguồn vốn, phát triển thị trường, mối quan hệ… tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa doanh nghiệp đi lên.
Sâu trong những triết lý kinh doanh mạnh mẽ mang hơi thở “nhà binh”, chúng tôi cũng nhận thấy những điều rất bình dị, gần gũi của “Bộ đội Cụ Hồ” từ những doanh nhân là CCB. Như lời chia sẻ của thương binh Nguyễn Đình Dong, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Á: Thấm nhuần lời dạy của Bác, bộ đội cũng phải tăng gia sản xuất, phải thi đua làm đời sống mới, sau khi rời quân ngũ, tôi đã xây dựng một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, vận tải và du lịch. Với tôi, tích cực làm kinh tế tại địa phương là cách để tiếp tục được lao động, cống hiến, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Những câu chuyện mà chúng tôi được nghe từ ông Vân, ông Dong trên chiến trường hay thương trường, chỉ là một phần trong vô số câu chuyện của các cựu chiến binh đang sống và cống hiến tại Lạng Sơn. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có gần 35.000 hội viên CCB, sinh hoạt tại hơn 2.000 chi hội. Đến nay, đã có 1.162 mô hình sản xuất, kinh doanh do hội viên CCB làm chủ, tạo việc làm cho gần 4.000 lao động. Đặc biệt trong đó, có 133 người là chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại, tạo việc làm cho gần 1.500 lao động, với thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/ người/ tháng.
Có thể kể đến một số doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô, doanh thu lớn do CCB làm chủ như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Phú Lộc; Công ty TNHH Thương mại Tuấn Sơn LS; Công ty Cổ phần chợ Lạng Sơn; Hợp tác xã nông nghiệp Phai Sen…
Để tập hợp hội viên CCB trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2542/QĐ-UBND ngày 9/12/2020 cho phép thành lập Hội Doanh nhân CCB tỉnh. Đây là một bước tiến quan trọng, là sự ghi nhận của UBND tỉnh đối với các doanh nhân là CCB. Ông Lại Quốc Toản, Phó Ban Thường trực Ban vận động thành lập hội cho biết: Cuối tháng 12/2020, Hội Doanh nhân CCB sẽ tổ chức Đại hội lần thứ nhất, bầu ra Ban Chấp hành và lãnh đạo hội. Đây sẽ là môi trường gắn bó tình đồng chí, đồng nghiệp giữa các CCB đang làm việc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các hội viên có cơ hội tiếp xúc, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong tiêu thụ sản phẩm, phát triển ngành nghề, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh…
Những người lính Cụ Hồ nhiều năm trước cầm súng ra chiến trường, giờ đây, họ vẫn giữ nguyên tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, ngoan cường trên thương trường. Mong rằng, họ sẽ mãi giữ tinh thần và ý chí ấy, đóng góp sức mình cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Ý kiến ()