Tại Hội thảo “Dịch vụ thanh toán điện tử với phát triển thương mại điện tử – Xu thế và đổi mới”, các chuyên gia cho rằng, thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 phát triển khá nhanh, đến nay, đã cơ bản tạo lập được khung pháp lý và hệ thống hạ tầng thương mại điện tử vững chắc, bao gồm hạ tầng kỹ thuật internet, hạ tầng pháp lý, hạ tầng thanh toán điện tử và hệ thống cơ sở phân phối. Xu thế phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới của Việt Nam sẽ là phát triển trên nền tảng ứng dụng di động. Vì vậy, doanh nghiệp cần nắm rõ, tận dụng cơ hội này để có những chiến lược quảng bá, đầu tư xây dựng các ứng dụng bán hàng di động phục vụ khách hàng.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, hiện nay trên thế giới, các nước đang đứng trước một kỷ nguyên phát triển công nghệ mạnh mẽ, trong đó có thương mại điện tử (TMĐT). Ở Việt Nam, TMĐT cũng đang là một lĩnh vực hấp dẫn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và đông đảo người dân. Các ứng dụng thương mại điện tử ngày càng phổ biến, TMĐT không chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… mà đã mở rộng trên phạm vi của cả nước. Nhiều mô hình kinh doanh mới đa dạng hình thành và được doanh nghiệp vận hành triển khai rộng rãi. Cùng với sự phát triển của TMĐT, là các dịch vụ thanh toán điện tử cũng đã và đang phát triển nhanh chóng đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của TMĐT.
Buổi hội thảo là diễn đàn đa chiều có sự chia sẻ, trao đổi, thảo luận của nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến phát triển thương mại điện tử và các dịch vụ thanh toán điện tử ở Việt Nam và cả thế giới. Thông qua buổi hội thảo, các nhà quản lý, các doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan hơn về thực trạng phát triển TMĐT Việt Nam giai đoạn 2011-2015, nắm rõ kinh nghiệm của một số nước từ đó rút ra bài học thực tiễn, đưa ra xu hướng phát triển TMĐT trong thời gian tới, các giải pháp, khuyến nghị với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Ở Việt Nam, thương mại điện tử (TMĐT) đang là một lĩnh vực hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và người dân. Giai đoạn 2001-2010 được coi là thập kỷ hình thành TMĐT và có thể thấy đến cuối giai đoạn này, hạ tầng cơ bản cho các ứng dụng TMĐT tại Việt Nam đã cơ bản được hoàn thiện. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ đã biết tận dụng ưu điểm của TMĐT để phát triển các kênh bán hàng trực tuyến, điển hình là các hãng hàng không, công ty du lịch, khách sạn… Nhiều doanh nghiệp đã thiết lập website TMĐT để bán hàng hoặc để cho các doanh nghiệp, tổ chức khác tham gia bán hàng hóa hoặc dịch vụ trên website của mình. Theo Báo cáo Thương mại điện tử năm 2013 của Bộ Công thương, 42% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã xây dựng website, trong đó 89% các website này có chức năng giới thiệu sản phẩm và 38% có chức năng đặt hàng trực tuyến. Ước tính giá trị mua hàng trực tuyến của một người đạt khoảng 120 USD/năm. Sản phẩm được chọn mua sắm tập trung vào các mặt hàng như thời trang, mỹ phẩm (62%), đồ công nghệ và điện tử (35%), đồ gia dụng (32%), vé máy bay (25%) và một số mặt hàng khác.
Sự phát triển của hệ thống thanh toán trực tuyến cũng góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy kinh doanh qua mạng trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Theo khảo sát, 48% website TMĐT tại Việt Nam đã tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, phần lớn người mua sắm sau khi đặt hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán là tiền mặt (74%), hình thức thanh toán qua ngân hàng (chiếm 41%), hình thức trung gian thanh toán qua các website thương mại điện tử (chiếm 8%).
Về tình hình mua sắm trực tuyến đối với cá nhân, kết quả khảo sát của Bộ Công thương với sự tham gia của 781 người có sử dụng Internet tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ người truy cập Internet tham gia mua sắm trực tuyến là 57%, ước tính doanh số thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với khách hàng) khoảng 2,2 tỷ USD.
Ý kiến ()