Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt vẫn "đói" các đơn hàng lớn
Giá gạo xuất khẩu bắt đầu có xu hướng tăng nhưng chủ yếu đáp ứng hợp đồng đã ký với Philippines, còn các thị trường khác vẫn khá trầm lắng trong bối cảnh chi phí vận chuyển ngày càng tăng cao.
Thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có xu hướng nhích lên, nhưng theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì mức giá này vẫn còn thấp hơn so với cuối năm 2021.
Giá tăng nhưng các đơn hàng xuất khẩu lớn trong tương lai lại chưa có nhiều, trong khi chi phí vận chuyển đang tăng cao thì đã thấy rõ.
Theo Tổng cục Hải quan, hai tháng đầu năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 974.556 tấn, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thu về gần 469,26 triệu USD (tăng 30,6%).
Riêng tháng 2/2022, cả nước xuất khẩu 468.952 tấn gạo, tương đương 223,34 triệu USD, giá trung bình 476,3 USD/tấn, giảm 7,3% về lượng, 2,1% về giá và 9,2% về kim ngạch so với tháng 1/2022. Có thể thấy, sự tăng trưởng trong xuất khẩu gạo vẫn chủ yếu là tăng trưởng về khối lượng xuất khẩu.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt trên 539.200 tấn, tăng mạnh 110,7% về lượng, tăng 81,9% về kim ngạch; chiếm 55,3% trong tổng lượng và chiếm 53,4% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. Trung Quốc đứng thứ 2 với trên 81.880 tấn, chiếm trên 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết giá xuất khẩu gạo bắt đầu có xu hướng tăng nhưng giá hiện nay so với giá cuối năm 2021 thì vẫn thấp hơn.
Lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay chủ yếu đáp ứng hợp đồng đã ký với Philippines. Còn những hợp đồng mới với thị trường này chưa có.
Dự kiến đến cuối tháng Ba các hợp đồng xuất khẩu gạo với thị trường này mới hoàn thành. Do đó lượng gạo xuất khẩu vừa qua tăng chủ yếu do các doanh nghiệp hoàn thành các hợp đồng với Philippines.
“Các tàu chủ yếu xuất khẩu sang Philippines còn các thị trường khá trầm lắng. Với thị trường châu Phi, lượng tàu chạy rất ít, thậm chí chờ cả tháng, đi rất vất vả. Giá tàu cũng bấp bênh nên doanh nghiệp thường chọn giao cho khách gần,” ông Nguyễn Văn Đôn cho hay.
Nhìn trong ngắn hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, các hợp đồng xuất khẩu lớn chưa có nhiều khả quan. Thị trường Trung Quốc vẫn chưa đẩy mạnh mua nhiều.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cũng cho biết giá lương thực thế giới lên mạnh nhưng giá gạo lên rất chậm, hợp đồng ít. Một số thị trường truyền thống lớn như Philippines, Trung Quốc… cũng chưa có nhiều tín hiệu tích cực. Các doanh nghiệp có hợp đồng chưa nhiều.
Căng thẳng Nga-Ukraine khiến giá nhiều loại lương thực trên thế giới tăng. Nhiều thương nhân nhận định, giá gạo cũng có sẽ điều chỉnh tốt lên. Hơn nữa, nhiều địa phương đang vào cuối vụ Đông Xuân nên các doanh nghiệp vẫn phải đẩy mạnh tiêu thụ lúa cho nông dân dù xuất khẩu chưa có nhiều khả quan.
Tình hình hiện tại có thể xuất khẩu gạo tốt hơn, nhưng với sự biến động mạnh của tình hình thế giới thì cũng khó đoán định, ông Phạm Thái Bình nhìn nhận.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá xuất khẩu gạo ngày 14/3 của Việt Nam đã tăng 5 USD/tấn, đạt 418 USD/tấn với gạo 5% tấm; 393 USD/tấn với gạo 25% tấm.
Trong khi đó, gạo Thái Lan lại giảm mạnh 15 USD/tấn, đạt 410 USD/tấn với gạo 5% tấm; 408 USD/tấn với gạo 25% tấm. Riêng giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Pakistan vẫn giữ ổn định.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt là mặt hàng phụ phẩm như tấm, cám gạo ở các địa phương đã có sự điều chỉnh tăng mạnh, trung bình từ 250-360 đồng/kg. Cụ thể, giá tấm 1/2 có giá cao nhất đã lên tới 8.300 đồng/kg, trung bình thị trường là 7.981 đồng/kg. Giá cám cũng lên tới 8.150 đồng/kg.
Trước tình hình trên, ông Phạm Thái Bình đánh giá cám, tấm lên rất cao do đầu cung gạo bán ra không cao nên các nhà máy không xay xát nhiều, trong khi nhu cầu tấm cám cao nên giá tăng mạnh.
Năm ngoái, thời điểm vào mùa như hiện nay thì những hàng xáo muốn xay xát phải đăng ký mất vài ngày mới có thể được xay xát. Nhưng hiện tại thì hàng hóa đến là có thể xay được ngay, thậm chí còn được mời chào.
Bên cạnh đó, việc giá tấm, cám lên một phần cũng bởi nguồn cung thức ăn chăn nhập khẩu gặp khó khăn, khiến nhu cầu tấm, cám thêm cao, ông Phạm Thái Bình cũng nhận định thêm.
Ông Phạm Thái Bình cho biết doanh nghiệp vẫn đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU. Đây là thị trường vẫn có nhu cầu tốt, nhưng khâu vận tải rất khó khăn, chi phí tăng lên rất nhiều.
Tuy nhiên, EU vẫn không phải thị trường có nhu cầu sử dụng gạo lớn. Với nhu cầu ít và xác định đây là thị trường cao cấp, sản phẩm chất lượng cao nên doanh nghiệp xác định bán tại thị trường này với thương hiệu gạo Trung An.
Hiện nay, những cánh đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An ở các địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng đều đã thu hoạch xong. Chỉ còn khoảng 1.000ha ở Kiên Giang chuẩn bị thu hoạch.
Vấn đề các doanh nghiệp lo lắng nhất hiện nay là chi phí cho logistics ngày càng cao hơn. Chính bởi vậy, nhiều doanh nghiệp đã không chào hàng giá CIF như trước mà chào giá FOB tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi vậy, tình hình xuất khẩu gạo cũng khó do phí vận tải quá cao, doanh nghiệp phải tính toán kỹ hơn.
Nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã cơ bản thu hoạch xong lúa Đông Xuân sớm. Những địa phương gieo cấy muộn hơn cũng đang bước vào thời kỳ thu hoạch rộ.
Đơn cử như Đồng Tháp hiện đã thu hoạch đạt gần 50% diện tích xuống giống, năng suất bình quân hơn 7 tấn/ha. Năng xuất vụ lúa Đông Xuân 2021-2022 ở tỉnh Đồng Tháp cho năng suất cao là nhờ nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ lúa chất lượng cao vụ Đông Xuân tại ruộng giá 5.900 đồng/kg, lúa thường IR 50404 tại ruộng giá 5.400 đồng/kg. Giá lúa thấp so cùng kỳ năm 2021 từ 500-600 đồng/kg; sau khi trừ công với chi phí phân, thuốc tăng gấp 2-3 lần so cùng kỳ, người dân trồng lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 lãi chưa được 30 triệu đồng/ha.
Nhiều địa phương đẩy mạnh liên kết sản xuất với tổ chức nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu và hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình canh tác hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu. Từ đó nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường tiêu thụ lúa gạo trong nước và thị trường xuất khẩu, trong đó có những thị trường như: Nhật Bản, châu Âu…
Như mới đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời (LTF) thuộc Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết tổ chức sản xuất 2 triệu tấn lúa với Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn, tỉnh An Giang nhằm đảm bảo cung ứng cho hợp đồng 2 triệu tấn lúa mà công ty đã ký kết với các đối tác trước đó.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng hy vọng thị trường tiêu thụ tốt hơn sẽ đẩy giá lúa lên để gánh bớt phần nào chi phí đang tăng lên của nông dân do giá vật tư đầu vào ngày càng cao. Các doanh nghiệp cũng giảm bớt áp lực trước chi phí logistics liên tục tăng quá cao./.
Ý kiến ()