Doanh nghiệp Xứ Lạng: Những tín hiệu phục hồi
LSO-Từ năm 2008 trở lại đây, suy thoái kinh tế toàn cầu và suy giảm kinh tế trong nước đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào cảnh đình đốn.
LSO-Từ năm 2008 trở lại đây, suy thoái kinh tế toàn cầu và suy giảm kinh tế trong nước đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào cảnh đình đốn. Trong đó không loại trừ các doanh nghiệp Xứ Lạng. Thế nhưng vượt qua thách thức, các doanh nghiệp đã từng bước tháo gỡ khó khăn vươn lên sản xuất, chiếm lĩnh thị trường góp phần vượt qua khủng hoảng.
Lắp ráp thước cuộn tại Công ty TNHH Thước cuộn Tuấn Anh Lạng Sơn |
Nhặt một chiếc thước cuộn loại mới vừa lắp xong còn khen khét mùi nhựa để giới thiệu với khách rồi chuyển nhanh cho bộ phận đóng gói, anh Đào Văn Hải, Giám đốc Công ty Thước cuộn Tuấn Anh nói trong niềm vui: “vào thời điểm này năm ngoái sản lượng thước chỉ đạt 200 ngàn sản phẩm mỗi tháng, hiện nay đã nâng lên gấp trên 3 lần. Khâu tiêu thụ cũng theo hướng tăng dần. Đời sống, ngày công của công nhân đảm bảo, đây là điều vui nhất trong toàn công ty”. Không riêng gì sản phẩm của Công ty Tuấn Anh mà sản phẩm gạch của Công ty TNHH Quyết Thắng, Cao Lộc cũng vậy. Nếu như mấy tháng trước công ty còn phải trầy trật chào hàng, khuyến mại, tìm kiếm thị trường thì tháng này sản phẩm đã tiêu thụ nhanh hơn. Theo báo cáo của công ty, chỉ trong vòng 15 ngày mà lượng tiêu thụ đã đạt gần 700 ngàn viên sản phẩm, gấp đôi so với cả tháng trước cộng lại. Cùng với đó, các doanh nghiệp làm dịch vụ, thương mại, du lịch cũng có hướng phát triển, vượt qua khó khăn, khủng hoảng đầu năm.
Có thể nói, khó khăn đang dần lùi xa, doanh nghiệp đã có những bước phục hồi. Để có được điều đó ngoài sự cố gắng vươn lên của từng doanh nghiệp phải kể đến các chính sách vĩ mô ở thời điểm này đã tác động mạnh mẽ nhất vào doanh nghiệp. Cụ thể là Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Nghị quyết 02 về các giải pháp về thị trường, giải quyết nợ xấu. Từ Nghị quyết, trên 200 doanh nghiệp tại Lạng Sơn đã được tiếp cận với các gói tín dụng ưu đãi. Ngay sau khi UBND tỉnh gặp mặt doanh nghiệp, rất nhiều khó khăn đã được tỉnh quan tâm giải quyết, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết khó khăn, giảm phiền hà trong quản lý khiến cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phục hồi sản xuất. Qua đó từ đầu năm đến nay đã có 70 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 179 tỷ đồng. Trong các doanh nghiệp, dư nợ liên tục tăng đều. Từ tháng 1/2013 đến tháng 4 năm 2013 tăng 0,6%. Và từ tháng 4 đến nay dư nợ tăng 1,3%, đây là tín hiệu rõ nhất cho thấy dấu hiệu phục hồi của doanh nghiệp.
Theo ông Trịnh Khải, Giám đốc Công ty Hùng Vương: khi suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, thế nhưng nếu dừng sản xuất sẽ khó gượng lại được, cách tốt nhất là đầu tư, huy động thêm nguồn vốn, chuyển hướng sản xuất, mở rộng ngành nghề kinh doanh. Với kinh nghiệm ấy, Công ty Hùng Vương đã tăng cường cải tiến mẫu cửa thép phù hợp với nhu cầu xây dựng nên tiêu thụ tăng lên. Từ đầu năm công ty đã tiêu thụ trên 2.200 bộ cửa, doanh thu trên 4 tỷ đồng, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.
Cùng với Hùng Vương, các Công ty TNHH Hồng Phong, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng và kinh doanh tổng hợp VVMI, Công ty Thành Lợi, Công ty Xây dựng Vĩnh Long… đã từng bước ổn định sản xuất và hoạt động có hiệu quả. Toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động từ năm 2011 nay đã đăng ký hoạt động trở lại. Tổng doanh thu doanh nghiệp toàn tỉnh đã đạt 8.890 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 52,9 tỷ đồng, nộp ngân sách 192 tỷ đồng, tăng trên 4% so với cùng kỳ 2012. Trong đó 15% doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, 40% doanh nghiệp duy trì được sản xuất ổn định.
Công nhân Công ty Phúc Thịnh sản xuất bao bì hoa quả tươi |
Đây là những tín hiệu vui báo hiệu doanh nghiệp Xứ Lạng đã từng bước vượt qua khủng hoảng để phục hồi sản xuất mà khởi nguồn của sự phục hồi đó chính là nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()