Doanh nghiệp Xứ Lạng: Năng động, sáng tạo để hội nhập, phát triển
(LSO) – Đến hết tháng 9/2020, có gần 3.200 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh, tăng hơn 2.000 doanh nghiệp so với năm 2012. Các hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Lạng Sơn nói chung đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2017 – 2020 là thời kỳ số doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể từ năm 2017 đến hết tháng 9/2020, toàn tỉnh có 1.416 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 11.088 tỷ đồng, tăng 60% so với giai đoạn 2013 – 2016. Đến hết tháng 9/2020, tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh có 3.193 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 27.188 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ chiếm 65%; công nghiệp – xây dựng 17%; nông – lâm nghiệp 11%; các lĩnh vực khác 7%.
Công nhân Công ty TNHH Bảo Long cuốn mô tơ điện máy bơm nuớc
Cùng với sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, các doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Từ năm 2017 đến đầu tháng 10/2020, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 59.563 lao động, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 14.890 lao động với thu nhập từ 5,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/ tháng. Các doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước hơn 2.303 tỷ đồng, trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách gần 1.200 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn sử dụng từ 300 đến 600 lao động như: Công ty Cổ phần Xây dựng Mỹ Sơn; Công ty Điện lực Lạng Sơn; Công ty TNHH Xuân Cương; Công ty Cổ phần Xây dựng Thành Sơn; Công ty TNHH Bảo Long; Công ty Xi măng Đồng Bành; Công ty Cổ phần xây dựng Trường An…
Công ty TNHH Xuân Cương thành lập năm 2006, là một trong những doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất, nhập khẩu, bến bãi khu vực cửa khẩu. Sau gần 15 năm hoạt động, đến nay, công ty đã tạo việc làm cho 650 lao động với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng. Từ năm 2017 đến hết tháng 9/2020, công ty đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 40 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đã đưa vào khai thác bến bãi tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị với diện tích hơn 17 ha đủ năng lực cho 1.200 phương tiện tham gia xuất, nhập khẩu hàng hóa với năng lực giải phóng hàng hóa đạt 15 nghìn tấn/ngày.
Ông Phạm Tuấn Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuân Cương cho biết: Công ty đang tiếp tục mở rộng mặt bằng kinh doanh nhằm tăng năng lực thông quan hàng hóa, từ góp phần xây dựng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị trở thành cửa khẩu có hệ thống hạ tầng bốc xếp và cung cấp dịch vụ hiện đại. Ngoài việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, hàng năm, công ty đóng góp từ 1,2 tỷ đồng đến 1,4 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, riêng trong đợt dịch Covid-19, công ty đã ủng hộ 6 tỷ đồng cho các đơn vị phòng, chống dịch.
Giai đoạn 2016 – 2020, trong bối cảnh nhà nước cắt giảm đầu tư công, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xây dựng cơ bản của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xây dựng đã chủ động cơ cấu lại hoạt động, tìm kiếm, mở rộng thị trường, lĩnh vực kinh doanh mới. Công ty Cổ phần Xây dựng Thành Sơn là một ví dụ. Trong 3 năm trở lại đây, các dự án lớn khởi công mới từ ngân sách nhà nước hầu như không có, để duy trì hoạt động, công ty tiếp tục mở rộng lĩnh vực sang đầu tư xây dựng công trình dân dụng cho khu vực doanh nghiệp ngoài tư nhân và đầu tư dự án. Hiện công ty đang triển khai dự án khu tái định cư và dân cư Nam Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Lạng Sơn với tổng mức đầu tư hơn 330 tỷ đồng và dự án khu tái định cư Hữu Khánh, huyện Lộc Bình với tổng mức đầu tư 357 tỷ đồng. Nhờ vậy, doanh nghiệp duy trì doanh thu và tạo việc làm ổn định cho 300 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh việc tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp còn tập trung mở rộng thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ xây dựng các công trình trường học, nhà họp thôn, nhận phụng dưỡng các gia đình chính sách trị giá hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Dù môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hay khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp Lạng Sơn đều khẳng định được bản lĩnh của mình để vươn lên vượt qua thách thức, từ đó có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh trong nhiều năm qua. Bước sang giai đoạn 2020 – 2025, hiệp hội tiếp tục làm tốt công tác tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp Lạng Sơn cùng sự quan tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, minh bạch trong các chương trình phát triển kinh tế – xã hội sẽ là những điều kiện thuận lợi để doanh nhân, doanh nghiệp Lạng Sơn nghiên cứu, đầu tư nguồn lực, hợp tác trong kinh doanh, từ đó góp phần xây dựng Lạng Sơn ngày càng giàu mạnh.
Từ năm 2017 đến đầu tháng 10/2020, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 59.563 lao động, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 14.890 lao động với thu nhập từ 5,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/ tháng. Các doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước hơn 2.303 tỷ đồng, trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách gần 1.200 tỷ đồng. |
Ý kiến ()