Doanh nghiệp Xứ Lạng: Cộng lực vượt khủng hoảng
LSO-Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế trong nước tác động khá mạnh đến cộng đồng các doanh nghiệp Lạng Sơn. Trong khoảng thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng tồn kho hàng lớn, sản xuất cầm chừng.
LSO-Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế trong nước tác động khá mạnh đến cộng đồng các doanh nghiệp Lạng Sơn. Trong khoảng thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng tồn kho hàng lớn, sản xuất cầm chừng. Thế nhưng trong nhiều cái khó ấy doanh nghiệp Xứ Lạng đã cùng cộng lực vượt qua khủng hoảng, phục hồi sản xuất.
Doanh nghiệp xây dựng tham quan mô hình sản xuất gạch của Công ty TNHH Quyết Thắng để liên kết tiêu thụ sản phẩm |
Hiện toàn tỉnh Lạng Sơn có 1.432 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp ở Lạng Sơn chủ yếu với loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Trong số trên 1 ngàn doanh nghiệp thì doanh nghiệp sản xuất trực tiếp chỉ chiếm trên 1%. Tuy vậy số doanh nghiệp sản xuất trực tiếp cũng đã tạo công ăn việc làm cho trên 20.000 lao động, tạo sự ổn định cho xã hội. Đây cũng là doanh nghiệp chịu sự tác động của khủng hoảng một cách sâu sắc nhất. Trong năm 2012, hầu hết các doanh nghiệp bị tồn đọng sản phẩm với tổng số hàng tồn cả trăm tỷ đồng. Trước tình hình ấy, UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Dưới sự chỉ đạo của tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất đã liên kết tiêu thụ sản phẩm của nhau và quảng bá sản phẩm, cung cấp các thông tin sản phẩm đến với hệ thống bạn hàng của nhau.
Ông Lại Quốc Toản – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh cho biết: ngay cuối năm 2012 và đầu năm 2013, rất nhiều doanh nghiệp đã cộng lực để giải quyết hàng tồn kho như ký kết giữa Công ty Thượng Thành với Nhà máy xi măng Đồng Bành để tiêu thụ đá, Xưởng sản xuất vật liệu xây dựng của Đô thị Phú Lộc III với nhà máy xi măng, công ty khai thác đá để tiêu thụ đá xây dựng. Sử dụng các sản phẩm dịch vụ như thước cuộn Tuấn Anh, cửa thép chống trộm Khai Nga…Qua đó đã giải quyết một lượng hàng tồn kho đáng kể. Cùng với giải quyết hàng tồn kho từ góc độ các doanh nghiệp sản xuất, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã đứng ra làm trung gian khâu nối các doanh nghiệp bằng cách tổ chức các đoàn thăm doanh nghiệp của nhau, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, ngoại giao ra tỉnh ngoài. Từ đầu năm 2013 đến nay đã tổ chức 2 cuộc giao lưu, xúc tiến tiêu thụ hàng hoá với tỉnh Hải Dương và Tuyên Quang. Qua trao đổi tiếp xúc nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dịch vụ.
Ông Vũ Phong Quyết, Giám đốc Công ty TNHH Quyết Thắng bộc bạch: cuối năm 2012, đầu năm 2013, sản phẩm gạch của công ty bị cạnh tranh gay gắt, lượng hàng tồn kho có khi đến 1 triệu viên. Nhưng qua tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp, cam kết tiêu thụ sản phẩm của nhau, từ tháng 6/1013 trở đi sản phẩm gạch đã được tiêu thụ với doanh số ngày càng tăng, từ đầu năm đến nay công ty đã tiêu thụ đạt gần 1 triệu viên gạch. Theo ông đây là việc cộng đồng trách nhiệm lớn nhất để cùng nhau vượt qua khủng hoảng.
Là một tỉnh miền núi biên giới, hoạt động mang lại hiệu quả cao của các doanh nghiệp là dịch vụ xuất nhập khẩu. Để liên kết tiêu thụ sản phẩm, các công ty đã tìm đến nhau và cam kết cùng tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trong hoạt động xuất nhập khẩu liên quan trực tiếp đến vận tải, giữa các doanh nghiệp vận tải và xuất nhập khẩu đã có mối liên hệ sử dụng dịch vụ. Một trong những điển hình thành công đó là Hợp tác xã vận tải An Bình, Công ty Cổ phần Sao vàng. Với trên 200 đầu xe, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoa quả tươi tại Lạng Sơn có thể liên kết dịch vụ bất kỳ lúc nào. Vì thế đội ngũ lái xe gần 200 người với sức vận chuyển hàng hoá trên 40 ngàn tấn mỗi ngày luôn được phát huy tối đa. Không riêng gì lĩnh vực sản xuất, dịch vụ mà nhiều lĩnh vực khác các doanh nghiệp Lạng Sơn sẵn sàng chia sẻ thế mạnh để cùng nhau phát triển. Năm 2012 toàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động thì đến nay đã có 170 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, trên 100 doanh nghiệp đăng ký mới. Có 15% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. 40% doanh nghiệp hoạt động khá, tổng thu nộp ngân sách đạt gần 200 tỷ đồng.
Hiện nay kinh tế toàn quốc đang bước dần ra khỏi suy giảm và từng bước phục hồi. Những con số vừa nêu đã khẳng định doanh nghiệp Lạng Sơn đã vượt qua khủng khoảng và đang dần ổn định sản xuất. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công đó chính là chung sức vượt qua khủng hoảng.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()