Doanh nghiệp xi-măng trước bài toán giảm chi phí vận chuyển
Xi-măng là một trong những mặt hàng vật liệu xây dựng (VLXD) có sức tiêu thụ ổn định từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, do chi phí vận chuyển hiện đang chiếm tới 30% giá thành nên việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe thời gian gần đây đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất xi-măng gặp khó trong việc giữ giá bán để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tám tháng đầu năm, sản phẩm tiêu thụ toàn ngành xi-măng ước đạt 42,53 triệu tấn, bằng 68,8% kế hoạch năm, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó Tổng công ty Công nghiệp Ximăng Việt Nam (Vicem) tiêu thụ 14,57 triệu tấn, tăng khoảng 7% so cùng kỳ. Xuất khẩu sản phẩm xi-măng cũng khá ổn định, riêng tháng 8 ước đạt 1,1 triệu tấn, đưa xuất khẩu sản phẩm này trong tám tháng qua lên 9,68 triệu tấn, tăng 9% so cùng kỳ, trong đó Vicem xuất khẩu ước đạt 2,3 triệu tấn. Tồn kho của cả nước tháng 8 là 2,46 triệu tấn, tương đương khoảng 13 ngày sản xuất, chủ yếu là clanh- Ke, riêng Vicem là 0,97 triệu tấn (xi-măng 0,27 triệu tấn, clanhke 0,7 triệu tấn), chiếm 40% tồn kho của cả nước.
Chủ tịch Hội VLXD Trần Văn Huynh nhận định, nhìn chung sức mua các loại VLXD như: sắt, thép, gạch ốp… đều đã có những chuyển biến, tăng nhẹ so với một vài năm trước, song vẫn chỉ giữ được mức tiêu thụ từ 30-50% so với công suất sản xuất, chỉ có xi-măng là có mức tiêu thụ tốt hơn, duy trì được khoảng 80% công suất thiết kế. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm và kể cả sang năm tiếp theo, các mặt hàng vật liệu trong nước nói chung và ximăng nói riêng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi thị trường bất động sản chưa hồi phục hoàn toàn, giá một số loại nguyên nhiên liệu đầu vào tăng, diễn biến về thời tiết khó lường.
Vụ trưởng VLXD (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới cho biết, ước tính tiêu thụ xi-măng trong năm 2014 sẽ đạt 62-63 triệu tấn, trong đó mục tiêu xuất khẩu khoảng 14 triệu tấn, tăng từ 1,5%-3% so với năm 2013. Hiện cả nước có 106 nhà máy xi-măng đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế có thể đạt 85 triệu tấn, do vậy dự báo cung vượt cầu từ 8-12 triệu tấn. Mặc dù, sức tiêu thụ là khá tốt, nhưng về dài hạn ngành sản xuất xi-măng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong vấn đề giải quyết bài toán cung-cầu trong khâu tiêu thụ sản phẩm và gần đây là ảnh hưởng của chính sách kiểm soát chặt tải trọng xe… Giá bán xi-măng hiện nay chưa có biến động lớn. Điều này một phần là do đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó điểm sáng là cải thiện được tỷ trọng xuất khẩu xi-măng so với clanh- Ke trong tổng số sản phẩm xuất khẩu, đã xuất khẩu được khoảng 2,5 triệu tấn xi-măng, chiếm khoảng 35% tỷ trọng xuất khẩu. Hiện nay đã có 2/4 dây chuyền xi-măng đưa vào hoạt động. Tuy nhiên việc bổ sung công suất đó cũng không gây sốc đối với thị trường. Các dây chuyền được đưa vào vận hành gần cuối năm nên lượng cung bổ sung thực tế năm 2014 cũng không nhiều, khoảng hai đến ba triệu tấn.
Áp lực không tăng giá bán để đẩy mạnh tiêu thụ đang đè nặng trên vai các DN sản xuất xi-măng. Là một trong những DN xi-măng hàng đầu tại miền bắc, Vicem Hoàng Thạch cũng chịu tác động lớn từ chính sách siết tải trọng xe. Phó Giám đốc Xí nghiệp tiêu thụ Vicem Hoàng Thạch Nguyễn Hải Minh cho biết, trước đây, một ngày công ty xuất khoảng 2.500 tấn sản phẩm, hiện nay chỉ còn khoảng 1.500 tấn, trong đó tỷ trọng vận chuyển bằng đường bộ đã giảm từ 38% xuống còn khoảng 25%. Công ty chỉ bảo đảm được giá đầu nguồn từ nhà máy, còn giá cuối nguồn đã chênh lệch từ 80 nghìn đồng đến 180 nghìn đồng/tấn xi-măng tùy thuộc địa bàn tiêu thụ. Nếu giá tiếp tục tăng thì sẽ khó tiêu thụ được vì tại khu vực miền bắc là địa bàn cạnh tranh xi-măng khốc liệt nhất cả nước. Thực tế, công ty đã để mất một số thị trường vận chuyển bằng đường bộ. Hơn nữa, các DN vận tải thường sử dụng phương tiện lớn để tiết kiệm chi phí, trước đây có thể chuyên trở khoảng 50 tấn, nay chỉ còn 17 tấn, nên lượng phương tiện đôi lúc không đáp ứng được nhu cầu, chứ chưa muốn nói là một số chủ phương tiện không muốn chạy vì không đủ bù chi phí nhân công, xăng xe… Công ty đã “ngồi lại” với tất cả các DN vận tải để cùng rà soát, xem xét đưa ra những phương án phù hợp. Trước mắt, công ty sẽ có chính sách hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí cho các DN vận tải đường bộ, mở thêm những bến vận tải đường thủy tại những nơi đường bộ không thuận tiện, đồng thời tính toán lại việc phối hợp vận chuyển bằng đường sắt và đường bộ…”Việc tăng giá bán tại thời điểm này là rất khó, vì vậy, việc siết tải trọng xe cần thực hiện nghiêm nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng cho các DN xi-măng, tránh trường hợp DN tuân thủ, trong khi đó, một số đối thủ khác chưa chắc đã tuân thủ”, Phó Giám đốc Nguyễn Hải Minh nhấn mạnh.
Thị trường trong nước vẫn là ưu tiên hàng đầu của các DN xi-măng. Tuy nhiên, có một thực tế là việc vận chuyển ximăng tại nhiều DN phụ thuộc phần lớn vào đường bộ, trong khi chưa chú trọng đến vận chuyển đường thủy, thậm chí một số nhà máy không có cảng xuất xi-măng và chưa kết nối được với đường sắt. Do vậy, khi Bộ Giao thông vận tải ra quy định siết chặt việc quản lý tải trọng xe, việc tiêu thụ đương nhiên gặp khó khăn. Điều cấp thiết hiện nay là ngoài việc chủ động điều tiết sản xuất, các DN xi-măng cũng cần tính toán lại công tác vận chuyển nhằm san sẻ gánh nặng đối với đường bộ. Khó khăn ở đây là xi-măng là một loại hàng hóa đặc thù, không để được lâu, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết… do vậy trong quá trình vận chuyển thường gây nhiều bụi ô nhiễm, cần được che chắn tốt.
Theo Phó Chánh văn phòng Vicem Trần Đức Mạnh, nhiều đơn hàng vận chuyển xi-măng của Vicem bên đường sắt chưa chủ động đáp ứng được vì nhiều lý do như: chậm chuyến, không có toa chuyên dụng, thiết bị làm hàng, bốc dỡ ximăng chưa đầy đủ… nên khả năng tăng cường vận chuyển qua hệ thống đường sắt chưa thể “một sớm một chiều” cải thiện được. Trong khi đó, thị trường của vận chuyển đường thủy thường không lớn, địa bàn mỏng. Chính vì vậy, Tổng công ty đang tập trung vừa nâng cao khả năng vận chuyển bằng đường thủy, đồng thời phối hợp với các đơn vị thành viên tính toán, rà soát các phương án vận chuyển đan xen hợp lý giữa các loại hình vận tải nhằm hạn chế tối đa chi phí vận chuyển, không làm tăng giá thành sản xuất, bảo đảm khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()