Doanh nghiệp xây dựng lại chung cư cũ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Theo đó, dự thảo Nghị định đưa ra nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm gỡ “nút thắt” về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Nhiều chung cư cũ ở Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng, cần được xây dựng lại. |
Liên quan đến vấn đề xây dựng và công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự thảo Nghị định đề xuất: Sở Xây dựng có trách nhiệm lập kế hoạch để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và công bố công khai.
Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có thể được xác định trong kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương hoặc được lập và phê duyệt riêng. Trên cơ sở kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và công bố, các chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư có trách nhiệm lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư vốn hoặc góp vốn để thực hiện dự án xây dựng lại nhà chung cư.
Trường hợp nhà chung cư bị hư hỏng nặng và nhà chung cư chưa thuộc diện bị phá dỡ nhưng nằm trong khu vực phải thực hiện cải tạo, xây dựng đồng bộ với khu nhà ở thuộc diện bị phá dỡ thì sau thời gian tối đa 12 tháng, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố công khai kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nếu các chủ sở hữu không thực hiện việc lựa chọn doanh nghiệp bất động sản làm chủ đầu tư dự án thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cưỡng chế để phá dỡ và trực tiếp đầu tư xây dựng lại nhà chung cư đó theo quy định của Luật Nhà ở.
Trường hợp nhà chung cư nguy hiểm thì sau thời hạn tối đa 06 tháng, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức di dời khẩn cấp để phá dỡ, nếu các chủ sở hữu không thực hiện việc lựa chọn doanh nghiệp bất động sản làm chủ đầu tư dự án thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở.
Về việc lựa chọn chủ đầu tư, dự thảo Nghị định đề xuất: Đối với trường hợp các chủ sở hữu nhà chung cư lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư vốn hoặc tham gia góp vốn thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu hoặc biểu quyết tại Hội nghị nhà chung cư.
Trường hợp Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng lại nhà chung cư thì Sở Xây dựng có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.
Trường hợp Nhà nước thực hiện hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) với nhà đầu tư thì Sở Xây dựng báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Quy trình, thủ tục đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư, dự thảo Nghị định đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi:
Được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất trong khuôn viên dự án xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về đất đai.
Được chuyển mục đích sử dụng một phần diện tích đất trong phạm vi dự án để phục vụ nhu cầu kinh doanh, dịch vụ trên cơ sở bảo đảm phù hợp với quy hoạch và chủ trương đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ phần diện tích đất được giao trong phạm vi dự án.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn được chuyển mục đích sử dụng một phần diện tích đất trong phạm vi dự án để phục vụ nhu cầu kinh doanh, dịch vụ, bảo đảm phù hợp với quy hoạch được phê duyệt và quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ phần diện tích đất được giao trong phạm vi dự án; chủ đầu tư dự án được phép điều chỉnh hệ số sử dụng đất, tăng chiều cao công trình theo quy định; v.v…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()