DNXH- Lợi ích đa biên
Hiểu một cách nôm na, DNXH là một mô hình như một doanh nghiệp bình thường nhưng lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu chủ đạo. DNXH cũng tổ chức các hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm và cung cấp dịch vụ, song lợi nhuận thu được nhằm giải quyết một hoặc nhiều vấn đề xã hội hay môi trường cụ thể thông qua mô hình kinh doanh bền vững, chứ không nhằm tối đa hoá lợi nhuận cho chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư.
Xét từ mục tiêu của các DNXH là phục vụ vì cộng đồng. Đối tượng của các DNXH là nhóm đáy của xã hội bao gồm những người yếu thế, người bị lề hoá trong xã hội. Các DNXH tạo việc làm cho những người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn,..Lợi nhuận thu được chủ yếu dùng để tái đầu tư hoặc để mở rộng tác động xã hội của doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Tò He do chị Phạm Thị Ngân và chị Nguyễn Thanh Tú sáng lập là một ví dụ. Tò He được lập ra nhằm tạo sân chơi sáng tạo cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, đồng thời tạo ra dòng sản phẩm thời trang và đồ trang trí gia đình thân thiện với môi trường từ việc sử dụng các sản phẩm sáng tạo của các em nhỏ thiệt thòi. 50% lợi nhuận thu được của Tò He đều dùng để tái đầu tư cho các hoạt động xã hội phục vụ chính đối tượng trẻ em khó khăn nay.
Một ví dụ khác, Công ty TNHH Dịch vụ sinh thái Ecolife lại chọn việc hoạt động để bảo vệ môi trường biển trong lành và cải thiện đời sống người dân ven biển thông qua các hoạt động đầu tư xã hội và kinh doanh dịch vụ sinh thái biển và ven biển có sự tham gia của cộng đồng.
Những ai hay đi qua con phố Quốc Tử Giám, Hà Nội có lẽ đều biết tới nhà hàng KOTO nhưng ít ai biết rằng đây chính là một trung tâm dạy nghề, nơi làm thay đổi cuộc đời của hàng trăm em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Các em có nguy cơ bị lề hoá xã hội được nhà hàng đào tạo nghề, cho học tiếng Anh chuyên ngành và các kỹ năng sống. Tại đây, các em được thực hành nghề trong một môi trường kinh doanh thực sự. Lợi nhuận của nhà hàng được dùng để trang trải cho một nửa kinh phí hoạt động của trung tâm dạy nghề KOTO.
Trên đây chỉ là ba ví dụ trong hàng trăm các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình DNXH tại Việt Nam hiện nay. Từ đó có thể thấy DNXH đem lại lợi ích to lớn đối với sự phát triển toàn diện của xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung tại Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định giá trị lớn nhất của các DNXH là “Giá trị tác động xã hội”, còn tác động tài chính chỉ là phương tiện để giải quyết các vấn đề xã hội. Và “Đây chính là một công cụ giải quyết các vấn đề xã hội hết sức bền vững.”
Theo bà Phạm Chi Lan, Nguyên Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây là một mô hình bổ trợ cho Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội khác trong các hoạt động phục vụ cộng đồng.
Bà Chi Lan chỉ rõ, Nhà nước có trách nhiệm số một trong việc giải quyết các vấn đề xã hội nhưng nhà nước lại có hạn về nguồn lực trong các vấn đề khác nhau cho nên không thể quan tâm được đầy đủ cho các vấn đề xã hội. Do đó, DNXH với khả năng tạo ra công ăn việc làm cho nhóm người thiệt thòi, sử dụng lợi nhuận để phục vụ lại chính những nhóm người này, chính là một mô hình bổ trợ đắc lực cho Nhà nước.
Đối với các Tổ chức Phi chính phủ, các nhà tài trợ xã hội thì DNXH khiến nguồn lực tài trợ của họ trở thành khoản đầu tư có hiệu quả bền vững, không tạo ra thói quen “ỷ lại”, “dựa dẫm” của đối tượng được hưởng lợi.
Một lợi ích khác của DNXH được Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề về xã hội chỉ ra đó là DNXH hoàn toàn phù hợp với chủ trương “Xã hội hoá” của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đồng tình với ý kiến này của Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tiên, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Chủ trương của Nhà nước thì đã có, Nhà nước chúng ta đã quan tâm và mong muốn xã hội hoá. Tuy nhiên, việc thực hiện thì chưa được như mong muốn của Nhà nước. Cơ chế DNXH đưa ra là đúng lúc, góp phần thúc đẩy khả năng xã hội hoá, chủ trương xã hội hoá mà Nhà nước đặt ra.”
Có thể thấy rõ, trong khi khu vực Nhà nước không đủ nguồn lực để gánh hết phúc lợi xã hội cho nhóm đáy, khu vực doanh nghiệp tư nhân bỏ qua nhóm này, thay vào đó họ thường lấy các nhóm có khả năng chi trả cao hơn làm khách hàng mục tiêu. Chính vì thế, DNXH đóng vai trò quan trọng để lấp đầy khoảng trống của Nhà nước và thị trường để lại.
Trong bối cảnh nhiều vấn đề đạo đức xã hội gây nhức nhối hiện nay, bà Phạm Chi Lan cho rằng DNXH còn góp phần tăng thêm ý thức xã hội, ý thức cộng đồng của mỗi người dân, mà hơn hết là thúc đẩy sự hướng thiện trong xã hội.
Đáng kể hơn, xét về lợi ích kinh tế, DNXH cũng tạo ra một lượng của cải không thua kém các mô hình kinh doanh khác. Theo Báo cáo kết quả khảo sát DNXH 2011 của Hội đồng Anh, CSIP và Spark, một DNXH trung bình (dưới hình thức công ty) ở Việt Nam trong một năm có lợi nhuận 400 triệu đồng trong tổng số doanh thu 15 tỷ đồng với số vốn đăng ký chỉ khoảng 1,6 tỷ đồng. Trong khi đó, tính toán ở một doanh nghiệp vừa và nhỏ có số vốn đăng ký 16,8 tỷ đồng thì lợi nhuận thu được là 320 triệu đồng trong tổng số doanh thu 13,5 tỷ đồng.
DNXH Việt Nam- chông chênh vì chưa có khung pháp lý
Quay ngược lại với lịch sử của DNXH sẽ thấy mô hình này đã có tuổi đời hơn 300 năm ở nơi nguồn cội là Vương quốc Anh. Nhờ tính ưu việt đối với sự phát triển của xã hội, DNXH đã nhanh chóng lan sang các nước châu Âu, châu Mỹ, và nở rộ ra phạm vi toàn cầu. 20 năm gần đây đánh dấu sự biến đổi mô hình DNXH đã trở thành một xu hướng tất yếu thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phát triển trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Ở Anh có tới 55 nghìn DNXH với doanh thu 27 tỷ Bảng, sử dụng 475 nghìn lao động và đóng góp 8,4 tỷ Bảng/năm cho GDP. Một trong những điển hình trên phạm vi toàn cầu là mô hình tài chính vi mô Grameen Bank của Bangladesh dưới sự sáng lập của ông Mohamad Yunus đã được trao giải thưởng Nobel năm 2006. Bên cạnh Việt Nam, nhiều quốc gia láng giềng như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore…đã chính thức công nhận DNXH và tạo lập nhiều khuôn khổ pháp lý, ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển DNXH ở nước mình để khu vực này trợ giúp lại Nhà nước thực hiện có hiệu quả hơn các mục tiêu xã hội. Thậm chí tại Thái Lan, Chính phủ nước này đã xây dựng hẳn một Chiến lược phát triển DNXH 2010-2014 được nội các nước này thông qua hồi tháng 1-2010, và trong năm nay nước này dự kiến sẽ thông qua Luật khuyến khích DNXH.
Lợi ích của DNXH thì đã rõ ràng như vậy, bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì sinh động như vậy, song tại Việt Nam cho đến nay các DNXH gặp vô vàn khó khăn từ vấn đề nhận thức về DNXH còn hạn chế, chưa được công nhận chính thức từ phía Nhà nước, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng, hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn, kỹ năng quản lý điều hành kinh doanh và gắn kết cộng đồng, cũng như thiếu một hệ thống các tổ chức trung gian, dịch vụ hỗ trợ có tính kết nối,…
Chị Phạm Thị Ngân- Giám đốc công ty Tò He chia sẻ rằng doanh nghiệp của chị cũng như các DNXH khác gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài khó khăn giống như các doanh nghiệp phải vật lộn để tồn tại trên thị trường thì Tò He lại là doanh nghiệp nhưng làm với đối tượng thiệt thòi. “Khi chưa được sự công nhận của Nhà nước thì khi một doanh nghiệp làm kinh doanh và làm xã hội thì vẫn bị sự định kiến của mọi người cho rằng hoạt động mang tính vụ lợi. Điều này gây cản trở trong tất cả hoạt động của công ty”. Bởi vậy, hiện nay công ty hoạt động trong tình trạng không chính thức và một khi chưa có sự công nhận là một doanh nghiệp xã hội thì các đối tác đều dè dặt hợp tác.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung kể câu chuyện của một DNXH khi họ gửi thư chỉ đề nghị cơ quan địa phương hợp tác giúp về địa điểm và mời các tổ chức đoàn thể có liên quan và đối tượng hưởng lợi (trẻ em có hoàn cảnh khó khăn) ở địa phương đến tham dự buổi giới thiệu về chương trình đào tạo nghề miễn phí của DNXH. Kết quả là ba tháng sau DNXH mới nhận được phúc đáp từ địa phương, và khi đó đã qua thời điểm khai giảng khoá học mới.
Đáng buồn hơn, do không có định nghĩa cụ thể về DNXH, không có sự hiểu biết thấu đáo về DNXH, mà một DNXH của nước ngoài khi đến đặt vấn đề hợp tác với địa phương để thực hiện dự án, điều quan tâm trước tiên của chính quyền đặt ra với DNXH là: “Các anh cho bao nhiêu tiền?”. “Dự án có vốn đầu tư lớn không?”, mà không phải là các câu hỏi về hiệu quả xã hội, như “Dự án hỗ trợ được bao nhiêu hộ dân, tạo được bao nhiêu việc làm?”.
Cần lắm một chính sách cho DNXH Việt Nam
DNXH đã trở thành một xu thế tất yếu trong sự phát triển của xã hội, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế đó. Vậy cần một giải pháp thấu đáo cho sự hình thành và phát triển các DNXH ở Việt Nam.
Thay mặt những doanh nhân xã hội, chị Phạm Thị Ngân bày tỏ mong muốn: “Mong muốn lớn nhất hiện nay của chúng tôi là được công nhận chính thức ở Việt nam. Giai đoạn đầu có thể được phá bỏ một số rào cản về việc được đăng ký thành lập, rồi sau đó mới tính đến những ưu đãi khác”.
Từ góc độ của các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nói: “Việc làm đầu tiên là phải có được sự thừa nhận về mặt pháp lý đối với DNXH. Phải có chính danh thì mới có những chính sách phù hợp, quyền và nghĩa vụ khác biệt DNXH với các doanh nghiệp thường. Đầu tiên là tạo chính sách thuận lợi hơn để thành lập, hoạt động. Tiếp theo mới là những chính sách hỗ trợ.” Cùng với đó, phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mọi người trong xã hội về mô hình DNXH nhằm xóa bỏ những định kiến sai lầm về loại hình doanh nghiệp này.
Bà Phạm Chi Lan thì cho rằng: Trong xây dựng chính sách với DNXH, ngoài việc cần có một chính sách đồng bộ, thì cần phải có sự phù hợp với tính linh hoạt của DNXH, không nên tạo một khuôn khổ cứng nhắc ngay từ đầu, gây khó khăn cho sự phát triển của DNXH.
Bày tỏ những lo lắng của các nhà hoạch định chính sách nhằm đảm bảo cho sự phát triển của DNXH, Phó Chủ nhiệm Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng cần thiết phải có cơ chế pháp lý rõ ràng, định nghĩa rõ ràng, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ rõ ràng cho các doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, nêu lên ví dụ một doanh nghiệp khi ra đời thì là một doanh nghiệp phi lợi nhuận nên được hưởng ưu đãi về đất đai, nhưng vài năm sau họ lại chuyển sang mục đích khác, Phó Chủ nhiệm Quốc hội Nguyễn Văn Tiên không quên cảnh báo rằng cần thiết phải có cơ chế pháp lý để tránh tình trạng biến tướng chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực kia của các doanh nghiệp.
Đưa ra kinh nghiệm từ mô hình của một tập đoàn ở Ấn Độ có hơn 100 công ty theo mô hình DNXH, 56% lợi nhuận phục vụ các vấn đề xã hội. Thạc sỹ Nguyễn Quang Vinh cho rằng những DNXH chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp lớn không thể tồn tại nếu thiếu doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, nên chăng phải tạo ra một cơ chế liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, tạo ra mối quan hệ “cùng thắng” giữa các DNXH và với các doanh nghiệp lớn.
Thêm vào đó, theo ông Vinh, giải pháp cho sự phát triển của DNXH là còn cần phải tạo ra các khung pháp lý, “tạo ra một sân chơi đa đối tác trong đó có chính phủ mà đại diện là Bộ kế hoạch đầu tư, các tổ chức quốc tế, NGOs có quan hệ đối tác chặt chẽ”.
Có thể nói, để bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội, bảo đảm bắt kịp với xu thế của thế giới, đã đến lúc Nhà nước cần có một sự công nhận pháp lý dành cho mô hình DNXH và vai trò của các DNXH. DHXH chính là các mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh tổng thể có sự tham gia của khu vực nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, và các tổ chức NGO. Để đạt được mối quan hệ đối tác “đôi bên cùng thắng” trong bức tranh tổng thể này, cần xây dựng các cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý ổn định cho hoạt động của các DNXH, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến xã hội được dễ dàng được triển khai hơn trong thực tế, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ tinh thần doanh nhân xã hội ở Việt Nam, đóng góp vào phong trào “xã hội hoá” ở nước ta hiện nay.
Ý kiến ()