Doanh nghiệp vừa và nhỏ Italy vẫn lao đao vì khủng hoảng kinh tế
Các số liệu thống kê mới công bố của Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ về ngành nghề thủ công Italy (CGIA) cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này ở Italy vẫn tiếp tục chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 2008, dù những dấu hiệu của sự phục hồi đã xuất hiện trong năm 2015.
Một cửa hàng bánh ở Italy. Ảnh minh họa. (Nguồn: italyfastfood.com)
Theo CGIA, trong năm 2015 có 21.000 doanh nghiệp loại này phá sản và là năm có nhiều doanh nghiệp phá sản nhất kể từ năm 2008, năm khởi đầu của cuộc khủng hoảng.
Kể từ năm đó cho tới cuối năm ngoái, có tổng cộng 116.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động vì gặp nhiều khó khăn. Ông Paolo Zabeo, chuyên gia nghiên cứu của CGIA, nhận xét rằng, thủ công là khu vực kinh tế duy nhất chứng kiến sự suy giảm liên tục hàng năm về mặt số lượng các doanh nghiệp, bất chấp một thực tế là nền kinh tế đang phục hồi.
Ngoài ra, theo ông Zabeo, có những nguyên nhân khác ảnh hưởng đến sự tồn tại hay không tồn tại của các doanh nghiệp loại này: khoa học công nghệ và thuế khóa quá cao. Ông nói: “Những yếu tố này tác động rất mạnh và là đáng lo ngại, khi một doanh nghiệp hay đơn giản là một cửa hàng ngừng hoạt động. Ngừng hoạt động đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống của nhiều gia đình trở nên tệ đi. Tình hình này có thể tác động một cách tiêu cực đối với xã hội trong thời gian dài.”
Các doanh nghiệp ngành nghề trong lĩnh vực xây dựng và giao thông bị ảnh hưởng nhiều nhất do khủng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 2008, với tổng cộng lần lượt 65.000 doanh nghiệp và 17.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động từ thời gian đó cho tới cuối năm 2015.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ liên quan đến luyện kim và nghề gỗ. Tuy nhiên, số lượng các giấy phép mới cấp cho các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thẩm mỹ (làm đầu, làm móng tay, massage) lại tăng hơn 2.000, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán đồ ăn trên đường phố tăng 3.100, làm vườn và làm vệ sinh tăng 11.000.
Theo các nhà phân tích, việc nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo là một tin không tốt lành cho Italy, nền kinh tế lớn thứ ba trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu, và những khu vực kinh tế không đòi hỏi số vốn lớn, với nhân công ít, thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Báo cáo của CGIA đã cung cấp một bằng chứng làm rõ hơn cho phân tích này./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()