Doanh nghiệp Việt-Hàn trao đổi chiến lược hợp tác trong giai đoạn mới
Sự xuất hiện của đoàn doanh nghiệp, đặc biệt là các tỷ phú hàng đầu Hàn Quốc và thế giới đã mang tới những kỳ vọng mới về việc thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia.
Ngày 23/6, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc năm 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Bộ Công Thương Hàn Quốc; Phòng Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc phối hợp tổ chức với chủ đề “Hướng tới 30 năm quan hệ mới, Chiến lược hợp tác công nghiệp Việt-Hàn trong tương lai: Tập trung vào hợp tác chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), chuyển đổi kỹ thuật số (DX), và chương trình hành động chống biến đổi khí hậu.”
Sự kiện có sự tham dự lãnh đạo Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và khoảng 500 doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Hàn Quốc tham dự sự kiện.
Trong số các doanh nghiệp tham gia sự kiện có sự xuất hiện của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc và Việt Nam, như: Tập đoàn điện tử Samsung, Tập đoàn Doosan Enerbility, Công ty VINFAST, Tập đoàn Boston Counsulting Group (BCG), Ngân hàng Shinhan…
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp trao đổi tham luận liên quan đến các chủ đề: Hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp linh kiện điện tử; Chuyển đổi Net-zero: Hợp tác Hàn-Việt trong lĩnh vực năng lượng; Cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực giao thông xanh sử dụng năng lượng sạch; Hợp tác trong chuyển đổi số và fintech…
Sự xuất hiện của đoàn doanh nghiệp, đặc biệt là các tỷ phú hàng đầu Hàn Quốc và thế giới đã mang tới những kỳ vọng mới về việc thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc. Hiện, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam và đang chuẩn bị các kế hoạch đầu tư mở rộng.
Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992 và trở thành Đối tác hợp tác chiến lược vào tháng 10/2009. Hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022.
Hiện Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 87 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2021.
Tại diễn đàn, ông Đinh Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết Hàn Quốc luôn là đối tác đầu tư nước ngoài dẫn đầu trong việc đầu tư vào Việt Nam trong khoảng thời gian 6-7 năm trở lại đây, vượt qua cả Singapore với 9.666 dự án, có tổng vốn đăng ký gần 82 tỷ USD.
Trong 5 tháng của năm 2023, tổng vốn đầu tư các nhà đầu tư Hàn Quốc đăng ký là 666,5 triệu USD với 167 dự án đầu tư mới, 122 dự án điều chỉnh vốn và 364 dự án góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn đến những người bạn từ Hàn Quốc đã luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước Việt Nam trong ba thập kỷ qua, góp phần quan trọng giúp vun đắp, phát triển mối quan hệ giữa hai nước.
Thủ tướng đánh giá cao và cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn, chân thành của các doanh nghiệp Hàn Quốc về tình hình kinh doanh tại Việt Nam và cam kết đầu tư ở Việt Nam trong những lĩnh vực mới.
Thủ tướng đề nghị các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian tới tiếp tục mở rộng đầu tư, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, góp phần cùng Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục thể hiện tình cảm và trách nhiệm xã hội, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần cùng thắng, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, đồng hành cùng nhau cả trong lúc thuận lợi và khó khăn./.
Giải pháp Việt Nam đang thực hiện để thu hút đầu tư: 1. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy phép chứng nhận đăng ký đầu tư (như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan… 2. Thực hiện nghiêm công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. 3. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế đột phá liên quan đến các chính sách về tài chính, chứng khoán, tiền tệ. Tập trung xây dựng và hoàn thiện đề án Trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để tạo động lực đột phá và phát triển kinh tế xã hội. 4. Có giải pháp, chính sách để thúc đẩy thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo. 5. Ban hành các chính sách để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu (GMT-QDMTT). 6. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho phát triển kinh tế-xã hội. 7. Lập Tổ công tác từ Trung ương đến các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư hiện hữu. 8. Các khu công nghiệp đẩy mạnh việc xây dựng khu lưu trú cho chuyên gia, người lao động. (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-viethan-trao-doi-chien-luoc-hop-tac-trong-giai-doan-moi/870900.vnp
Ý kiến ()