Doanh nghiệp Việt đặt nhiều kỳ vọng vào sự khởi sắc du lịch Nhật Bản
Du lịch Nhật Bản khởi sắc khiến nhiều công ty lữ hành và dịch vụ của Việt Nam rất phấn khởi và đang nỗ lực để khai thác tối đa các cơ hội từ sự thăng hoa của thị trường du lịch này.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong một vài tháng gần đây, du lịch Nhật Bản đang dần khởi sắc trở lại sau khi Chính phủ nước này mở cửa trở lại ngành du lịch.
Đáng chú ý, số lượng khách du lịch đến từ Việt Nam tăng rất mạnh. Điều đó khiến nhiều công ty lữ hành và dịch vụ của Việt Nam rất phấn khởi và đang nỗ lực để khai thác tối đa các cơ hội từ sự thăng hoa của thị trường du lịch Nhật Bản.
Vào giữa tháng Sáu vừa qua, Nhật Bản lần đầu tiên mở cửa cho khách du lịch nước ngoài sau hơn 2 năm đóng cửa.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Nhật Bản chỉ cấp phép nhập cảnh cho các du khách đến từ 98 quốc gia/vùng lãnh thổ nằm trong danh sách có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp.
Bên cạnh đó, để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, Nhật Bản vẫn duy trì giới hạn số lượng người nhập cảnh được cấp mỗi ngày, đồng thời yêu cầu các du khách phải đăng ký tour theo nhóm qua một công ty lữ hành và có các hướng dẫn viên du lịch đi kèm.
Những điều kiện khắc nghiệt đó đã khiến ngành du lịch Nhật Bản bị “bó tay, bó chân.”
Nhận thức bất cập trên, ngày 11/10, Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm soát biên giới đối với du khách nước ngoài, đồng thời tái triển khai quy định miễn thị thực đối với các trường hợp lưu trú ngắn hạn và cho phép các du khách nước ngoài đi theo hình thức tự túc. Điều này đã giúp “cởi trói” cho ngành du lịch Nhật Bản.
Bên cạnh đó, việc đồng yen mất giá so với nhiều đồng tiền khác, trong đó có USD và Việt Nam đồng, cũng khiến Nhật Bản trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các du khách nước ngoài. Điều này đã giúp số lượng khách quốc tế tới “đất nước Mặt Trời mọc” tăng đột biến.
Theo ước tính của Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JNTO), trong tháng 10 vừa qua, nước này đã đón tới 498.600 lượt khách quốc tế, tăng gấp hơn 2 lần so với tháng trước đó và tăng gấp 22,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, số du khách đến từ Việt Nam lên tới 30.800 người, tăng gần 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, trong tháng Chín, số lượng khách quốc tế tới Nhật Bản đã vượt ngưỡng 200.000 người/tháng lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Tính chung trong 10 tháng đầu năm nay, Nhật Bản đã đón hơn 1,527 triệu lượt khách quốc tế, tăng 616,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số lượng khách đến từ Việt Nam là 222.400 lượt, tăng 809,9%, xếp thứ 2 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ có khách du lịch tới Nhật Bản.
Trong bối cảnh du lịch Nhật Bản đang từng bước khởi sắc, nhiều cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam làm ăn tại thị trường này đã đi trước một bước nhằm đón đầu các cơ hội từ sự khởi sắc này.
Chị Lê Thị Lụa, một doanh nhân người Việt đến từ tỉnh Thanh Hóa và đã sống ở Nhật Bản 24 năm, là một trong những người như vậy.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, chị Lụa nói: “Người Nhật Bản rất yêu thích ẩm thực Việt Nam, trong khi nền kinh tế Nhật Bản đang dần hồi phục sau dịch COVID-19. Bên cạnh đó, từ tháng 10, Chính phủ Nhật Bản cũng mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch nước ngoài. Điều này mang lại rất nhiều cơ hội cho ngành nhà hàng và khách sạn.”
Với suy nghĩ như vậy, chị Lụa đã đầu tư mở Nhà hàng Vietnam Sky, với 80 chỗ ngồi ở quận Arakawa, trung tâm thủ đô Tokyo.
Theo chị Lụa, mặc dù mới khai trương được gần 2 tuần nhưng nhà hàng đã thu hút khá đông khách, trong đó ngoài các khách hàng Nhật Bản còn có không ít du khách Việt.
Không chỉ có chị Lụa, từ nhiều tháng trước, Yo Group – một công ty chuyên cung cấp tour du lịch Nhật Bản trọn gói, giá rẻ cho người Việt, đã tích cực chuẩn bị để đón khách Việt Nam. Yo Group đã đầu tư mua thêm một số xe buýt để mở rộng đội xe chuyên phục vụ du khách Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, số lượng du khách Nhật tới Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn mặc dù Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn cho du khách nước ngoài từ ngày 15/3 và bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 đối với người nhập cảnh qua đường hàng không từ ngày 15/5, trong khi nhiều hãng hàng không, nhất là Vietnam Airlines, đã tăng tần suất các chuyến bay giữa hai nước.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong tháng 10, Việt Nam đón khoảng 484.355 khách quốc tế, tăng 112%, trong đó số lượng khách đến từ Nhật Bản là 23.800 người, chỉ đứng thứ 5 trong số các thị trường du lịch quốc tế của Việt Nam.
Tính chung trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón gần 2,14 triệu khách quốc tế, trong đó chỉ có 77.222 khách đến từ Nhật Bản.
Lý giải về vấn đề này, ông Masahiko Inada, Trưởng ban Xúc tiến du lịch nước ngoài của Hiệp hội các hãng lữ hành Nhật Bản (JATA), nói: “Người Nhật rất thích đi du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại, mọi người vẫn có chút lo lắng về mức độ an toàn dịch bệnh khi thực hiện các chuyến du lịch nước ngoài. Mặc dù vậy, tôi cho rằng cùng với thời gian, số lượng khách du lịch Nhật Bản ra nước ngoài sẽ dần phục hồi.”
Cùng chung quan điểm đó, bà Trần Thủy, Giám đốc Khu vực Việt Nam của Vivu Journeys thuộc Tập đoàn Thiên Minh (TMG), nhận định: “Người Nhật về cơ bản là những du khách hết sức cẩn thận. Họ quan tâm đến tất cả những yếu tố liên quan đến an toàn.”
Vì vậy, theo bà Thủy, TMG rất chú trọng tới việc bảo đảm an toàn cho các du khách. TMG đã có chứng chỉ “COVID-19 Clean,” tức là toàn bộ quy trình hệ thống và con người đã được đào tạo rất kỹ về việc xử lý tình huống khi du khách bị mắc COVID-19.
Bên cạnh đó, du khách cũng có thể yên tâm là trong trường hợp có gì xảy ra, họ sẽ có bảo hiểm chi trả các chi phí cho mình.
Để thu hút các du khách Nhật Bản tới Việt Nam, bà Thủy cho biết TMG đã xây dựng các gói sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người Nhật song song với việc đầu tư mở rộng hệ thống khách sạn.
Về phần mình, ông Inada cho rằng triển vọng của loại hình du lịch bền vững, mang tính thân thiện với môi trường sẽ tăng lên cùng với quá trình phục hồi của ngành du lịch.
Tại Nhật Bản, loại hình du lịch trải nghiệm, với các chủ đề đóng góp cho việc bảo vệ thiên nhiên đang xuất hiện nhiều hơn.
Do vậy, theo ông Inada, các công ty du lịch cần có nhận thức về các mục tiêu phát triển bền vững để đưa ra các loại hình du lịch phù hợp./.
Ý kiến ()