Doanh nghiệp vận tải hành khách: Thêm lao đao vì xăng tăng giá
– Từ cuối năm 2021 đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng khiến cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) vận tải hành khách còn chưa kịp phục hồi do ảnh hưởng của dịch bệnh thì nay càng thêm lao đao.
Có mặt tại Bến xe phía Bắc thành phố Lạng Sơn vào sáng 15/3, chúng tôi ghi nhận tình trạng vắng cả khách lẫn xe. Cả bến hiện chỉ còn khoảng 130 đến 140 xe hoạt động cầm chừng, giảm hơn một nửa so với thời điểm trước tết. Qua tìm hiểu từ một số lái xe, chủ xe, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, lượng F0 tăng cao khiến người dân hạn chế đi lại. Cùng đó, giá xăng, dầu tăng mạnh càng khiến nhiều DN, chủ phương tiện thêm khó khăn.
Bến xe phía Bắc thời điểm sáng 5/3/2022 vắng khách, vắng cả phương tiện
Ông Trần Mạnh Hường, trú tại Khu 2, thị trấn Thất Khê, chủ nhà xe Hường Dương chia sẻ: Tôi chạy tuyến nội tỉnh thị trấn Thất Khê (Tràng Định) – thành phố Lạng Sơn đã hơn 10 năm nay, chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Từ tết đến giờ, hầu như chạy xe không, tôi còn phải cắt bớt lái và phụ xe, tự mình làm để đỡ chi phí, cố gắng duy trì tuyến, chuyến hằng ngày để giữ “lốt”, giữ khách.
Trường hợp của anh Trần Trọng Hiếu, lái xe cho nhà xe Tuấn Huyền (tuyến Lạng Sơn – Thái Nguyên) cũng tương tự. Anh Hiếu cho biết: Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của chúng tôi, vốn chỉ tạm đủ trang trải chi phí đi lại, bến bãi, ăn uống… Nay giá xăng còn tăng mạnh thế này, thu chẳng bù chi, mà quan trọng nhất là không biết chủ xe có tiếp tục duy trì được để chúng tôi có việc làm không nữa.
Đối với cá nhân lái xe, chủ phương tiện đã vậy, thì các DN, HTX vận tải càng khó khăn hơn do phải chịu các chi phí về quản lý, nhân sự, bảo hiểm, phương tiện, thiết bị… Đơn cử như hãng taxi Đồng Đội, ông Đinh Tuấn Đồng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Đồng Đội cho biết: Dù ít khách, nhưng công ty vẫn chịu các chi phí về văn phòng, bảo hiểm, bảo trì, bảo dưỡng xe… Mới đây, khi giá xăng ở mức 26.000 đồng/lít, chúng tôi buộc phải gửi đơn đề nghị tăng giá dịch vụ. Đơn còn chưa được cơ quan chức năng duyệt thì giá xăng đã gần chạm mốc 30.000 đồng/lít, vượt xa so với tính toán ban đầu làm chúng tôi rất bối rối. Mỗi lần thay đổi giá thì đồng thời cũng phải điều chỉnh về thiết bị, đồng hồ, các công thức tính, bảng báo giá dán trên xe…, rất tốn chi phí, mà tăng quá nhiều và thay đổi liên tục thì lại ảnh hưởng đến khách hàng, đường nào cũng khó.
Hay như HTX Vận tải Đoàn Kết, trước năm 2020, đây là một trong những đơn vị hoạt động mạnh nhất trên địa bàn tỉnh với khoảng 80 đầu xe chạy nội tỉnh và liên tỉnh. Sau một thời gian dài chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, HTX chỉ còn 47 xe, trong đó, chỉ có khoảng 20 xe chạy cầm chừng…
Trên đây chỉ là một phần trong số những cá nhân, đơn vị vận tải đã, đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và giá xăng tăng. Qua tìm hiểu từ Sở Giao thông – Vận tải, hiện trên địa bàn tỉnh có 12 DN, HTX vận tải hành khách theo tuyến cố định với tổng cộng hơn 160 xe và 12 doanh nghiệp vận tải taxi với khoảng 270 xe. So sánh với thời điểm năm 2020, số lượng xe đã giảm khoảng 30% đối với tuyến cố định và 50% đối với taxi. Đáng chú ý, trong số 12 DN, HTX kể trên, từ cuối năm 2021 đến nay, có 1 đơn vị đã thông báo giải thể và 2 đơn vị tạm ngừng hoạt động…
Trước những khó khăn trên, thời gian qua, các DN vận tải, hãng taxi đã áp dụng một số giải pháp như: thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để hạn chế số lượng lái xe phải nghỉ việc; cắt giảm số lượng tuyến, chuyến và số lượng xe không cần thiết để giảm bớt chi phí; nhận vận chuyển thêm một số hàng hóa hoặc kinh doanh thêm một số ngành nghề phụ để bù đắp chi phí…
Đối với các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh cũng đã, đang chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu những giải pháp giúp DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Ông Đào Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Hiện nay, phòng đang chủ động nắm bắt khó khăn, nguyện vọng từ phía DN. Từ đó, tham mưu cho lãnh đạo sở đề xuất các cấp, ngành của tỉnh và trung ương một số giải pháp hỗ trợ DN như: tiếp tục miễn, giảm một số loại thuế, phí; điều chỉnh tăng niên hạn sử dụng đối với các loại xe khách; có chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho DN…
Hy vọng với sự nỗ lực từ bản thân DN, sự đồng hành, chia sẻ của các cấp, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương, tình hình dịch bệnh cũng như giá xăng, dầu sẽ sớm ổn định trở lại, giúp DN vận tải hành khách vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Ý kiến ()