Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Điện cơ Thống Nhất Nguyễn Duy Đức cho biết: Giá mọi nguyên liệu đầu vào đều tăng cao, ảnh hưởng lớn đến sản xuất quạt điện, trong khi đó có tới 70% vật tư phải nhập khẩu vì trong nước chưa sản xuất được. Bởi vậy, các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm chi phí đầu vào được đơn vị siết chặt ngay từ đầu năm. Công ty đã tiến hành rà soát hệ thống chiếu sáng, tận dụng đến mức cao nhất ánh sáng mặt trời, tắt ngay thiết bị điện khi không sử dụng… Đồng thời, tiến hành rà soát định mức tiêu hao, tỷ lệ pha, lọc lại dầu mỡ để tái sử dụng… Nhờ nỗ lực của cả tập thể cán bộ, công nhân viên với nhiều biện pháp linh hoạt, Điện cơ Thống Nhất vẫn tăng trưởng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2010, từ đầu năm đến nay đã tuyển thêm 76 lao động tại các bộ phận. Năm 2011, DN phấn đấu tăng 15% doanh thu, bảo đảm thu nhập bình quân cho người lao động đạt 5,3 triệu đồng/tháng, tăng 700 nghìn đồng/tháng so với 4,6 triệu đồng/tháng trong năm ngoái.
Trong khi nhiều DN tìm cách tinh gọn các khâu sản xuất, nhân sự thì tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, ban lãnh đạo lại quyết định không cắt giảm lao động mà điều chỉnh tăng lương và khuyến khích công nhân tăng năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào, bằng cách thưởng cho họ 30 đến 40% giá trị sản phẩm làm thêm và phần nguyên liệu tiết kiệm được. Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, lập thành tích kỷ niệm Ngày Bác Hồ về thăm, công ty vừa phát động Hội thao diễn kỹ thuật – bình chọn lao động giỏi trong toàn nhà máy, với các tiêu chí cụ thể nhằm giảm tiêu hao nguyên vật liệu, tăng sản phẩm làm ra và tăng tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn khi xuất xưởng. Kết quả bước đầu cho thấy, nếu như trong dây chuyền sản xuất ống đèn 1, năng suất cuối năm 2010 là 16 nghìn sản phẩm/ngày thì nay đã tăng lên 18 nghìn sản phẩm/ngày, tại xưởng bóng đèn huỳnh quang, tỷ lệ tiêu hao sản phẩm giảm còn 0,5%, năng suất tăng từ 25 nghìn lên 27 nghìn sản phẩm/ngày… Nhờ vậy, doanh thu của đơn vị quý I năm nay tăng 30% so với cùng kỳ năm 2010; thu nhập bình quân của người lao động năm nay phấn đấu đạt 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Giày Thượng Đình điều chỉnh giờ sản xuất, vận hành máy móc tiêu hao điện năng lớn vào ca ba để tránh giờ cao điểm, sử dụng đèn tiết kiệm điện… Đơn vị thành lập một ban kiểm tra tình hình sử dụng điện hằng ngày, theo dõi sát sao công-tơ điện, rà soát lại định mức vật tư, nghiên cứu sử dụng những vật tư giá rẻ mà vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm. Đây được coi là biện pháp quan trọng bởi mọi loại vật tư nguyên liệu đầu vào như vải, keo dán giày, cao-su… chiếm hơn 60% giá thành sản xuất. Trong bối cảnh khó khăn, mục tiêu chính được Giày Thượng Đình đặt ra là duy trì ổn định sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Quý I-2011, doanh thu của đơn vị tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tiêu thụ giày vải 835 nghìn đôi, tăng 21%. Thu nhập bình quân của hơn 1.600 lao động năm nay phấn đấu đạt 3,2 đến 3,5 triệu đồng/tháng.
Với các DN chế biến thực phẩm, ngoài việc tiết giảm chi phí, các đơn vị chú trọng nghiên cứu thị trường, đưa dòng sản phẩm mới, nhằm giữ vững thị phần. Công ty cổ phần bánh kẹo Tràng An tìm mọi biện pháp để duy trì sản xuất, giữ vững thị trường, thương hiệu mà nhiều năm qua người tiêu dùng đã tín nhiệm lựa chọn. Công ty CP Sữa quốc tế cũng thực hiện giảm đầu tư trong giai đoạn này, giữ hòa vốn hoặc lỗ thấp, không sản xuất một số sản phẩm giá thành cao. Theo đó, công ty siết chặt kỷ luật lao động; tiết giảm điện năng; hợp lý hóa, cải tiến một số quy trình sản xuất tránh để sản phẩm hỏng. Đồng thời, công ty cũng nâng cao chất lượng lao động, tăng năng suất lao động, giảm chi phí không hợp lý, quản lý chất lượng ngay từ đầu vào.
Nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất công nghiệp, giúp các DN vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất, bảo đảm đời sống người lao động, Sở Công thương Hà Nội trước mắt đã chỉ đạo các đơn vị chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, chú trọng đổi mới công nghệ thiết bị, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, khả năng tăng trưởng cao; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao. Nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại; khảo sát thị trường, thông tin định hướng về thị trường, mặt hàng.
Sở Công thương Hà Nội cho biết, để giúp DN triển khai tốt hơn Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, sở đang xây dựng riêng một chuyên đề tháo gỡ khó khăn cho DN về vay vốn ngân hàng, mở rộng đất đai, nhà xưởng sản xuất…, nhằm tạo điều kiện cho các DN nhanh chóng vượt qua khó khăn, duy trì đà tăng trưởng, đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Ý kiến ()