Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ logistics trong giao nhận hàng hóa
Trước làn sóng mua sắm trực tuyến ngày càng mạnh, đầu tư, ứng dụng công nghệ logistics được đánh giá là giải pháp giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng, mang lại nhiều tiện ích.
Hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đang đứng thứ 2 toàn Đông Nam Á và dự báo sẽ đạt khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025.
Trước làn sóng mua sắm trực tuyến ngày càng mạnh, đầu tư, ứng dụng công nghệ logistics (dịch vụ hậu cần) được đánh giá là giải pháp giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng cao và mang lại nhiều tiện ích hơn cho người tiêu dùng trong thời gian tới.
Ghi nhận thực tế trên thị trường cho thấy khi người tiêu dùng được tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng niềm tin mua sắm và hài lòng với trải nghiệm giao nhận, sẽ quay lại mua sắm ở những lần tiếp theo. Còn những đơn vị kinh doanh, bán hàng đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng này sẽ tăng trưởng doanh thu bền vững.
So với những năm trước đây, khâu tiếp nhận đơn hàng, đóng gói, phân loại, vận chuyển hàng hóa… đều thực hiện theo phương thức thủ công, hiện nay nhờ vào ứng dụng công nghệ đã tạo thuận tiện cho cả người nhận và người bán. Ứng dụng công nghệ còn cho phép các bên tham gia hành trình giao nhận thay đổi điểm nhận hàng, tạo sự thuận tiện…
Đối với cả người mua và người bán, tối ưu hóa quy trình xử lý đơn hàng sẽ hỗ trợ những món hàng đến tay khách hàng đúng hẹn và nguyên vẹn hơn. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ logistics cũng cho thấy giảm thiểu đáng kể những tình huống không mong muốn như hàng hóa giao sai địa chỉ, méo vỡ, hư hỏng.
Nếu trước đây, khi đặt dịch vụ giao hàng, người bán chỉ có thể ngồi chờ, không thể biết đơn hàng đã giao đến tận tay khách hay có vấn đề gì phát sinh giữa chừng. Tuy nhiên, những vấn đề này có thể được giải quyết nhờ những công nghệ mới trên hành trình giao hàng. Theo đó, đón đầu nhu cầu tăng cao của thị trường và nâng tầm trải nghiệm mua sắm của khách hàng, cộng đồng doanh nghiệp chuyển phát nhanh đã chủ động đầu tư, ứng dụng công nghệ vào hệ thống trung tâm trung chuyển hiện đại từ rất sớm.
Báo cáo nội bộ của một số doanh nghiệp chú trọng đầu tư, công nghệ logistics chỉ ra rằng bước tiến nhanh chóng tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường nhờ đa dạng tính năng tương tác dựa vào ứng dụng công nghệ để mang lại trải nghiệm mua sắm thuận tiện, giảm thời gian chờ đợi và tiết kiệm chi phí cho tất cả các bên.
Ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express tại Việt Nam chia sẻ chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường của J&T Express là luôn nỗ lực bám sát xu hướng thị trường để cho ra đời những sáng kiến lấy khách hàng làm trọng tâm trong phát triển dịch vụ. Điển hình, J&T Express ứng dụng công nghệ vào khâu quản lý, lưu thông hàng hóa nhằm tăng cường năng lực vận chuyển. J&T Express còn ưu tiên đào tạo nhân lực có kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cao về công nghệ thông tin, đảm bảo phục vụ nhu cầu tăng cao của thị trường và hoàn thiện trải nghiệm dịch vụ của khách hàng.
“Tại hệ thống 36 trung tâm trung chuyển và trung tâm thứ 37 sắp hoàn thiện, J&T Express đều ứng dụng công nghệ hiện đại như hệ thống phân loại thông minh DWS, quy trình xử lý tự động theo quy chuẩn Smart Logistics và hệ thống băng chuyền ma trận tự động. Đặc biệt, tính năng Track and Trace của J&T Express giúp người bán có thể dễ dàng lên đơn hàng, xác định được số lượng vận đơn và tính toán chi phí vận chuyển trực tiếp,” ông Phan Bình cho biết thêm.
Trên thực tế, ứng dụng công nghệ logistics vào từng mắt xích trong quy trình quản lý, vận hành… sẽ hỗ trợ đơn vị vận chuyển giải quyết được những nỗi lo lớn cho người bán lẫn người mua trên hành trình mua bán. Ứng dụng công nghệ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp logistics bứt phá, nhất là thúc đẩy thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đóng góp vào tăng trưởng và hội nhập thị trường toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam.
Thống kê quý 1/2022, Việt Nam có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới với hơn 55% trong số đó đến từ các khu vực phi thành thị. Tỷ lệ người tiêu dùng thương mại điện tử có xu hướng tăng cao với 97% người tiêu dùng vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai.
Cũng trong quý 1/2022, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam khả quan và dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới. Việt Nam đã và đang có những tính hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm… nên cho phép kỳ vọng sẽ kéo theo chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên.
Một số chuyên gia cho rằng đối với bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạch định chiến lược phát triển bền vững trên thương mại điện tử, trong hoạt động kinh doanh không chỉ cạnh tranh giá, mà là cuộc chiến xây dựng hệ thống kinh doanh và tư duy kinh doanh bền vững; trong đó, doanh nghiệp không chỉ cần nắm bắt nhu cầu trải nghiệm người tiêu dùng về giá, chính sách… mà còn phải đáp ứng yêu cầu tối ưu về giao nhận.
Với bối cảnh xu hướng thị trường thay đổi bởi ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hầu hết doanh nghiệp đều phải linh hoạt đầu tư tìm hiểu về thị hiếu đối tượng khách hàng, tăng cường khâu phục vụ việc chăm sóc, hậu mãi… và xây dựng hành trình mua sắm, giao nhận phù hợp.
Hơn thế nữa, không chỉ những doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt đầu tư máy móc, công nghệ, mà doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể chủ động sử dụng đa dạng giải pháp, dịch vụ do đơn vị thứ ba cung cấp để ứng dụng công nghệ logistics trong quản trị, cũng vận hành kinh doanh.
Cụ thể, ứng dụng công nghệ vào hành trình giao hàng giúp rút ngắn thời gian di chuyển cho shipper và tiết kiệm chi phí vận chuyển cho người mua. Do đó, những giải pháp về AI (trí thông minh nhân tạo) và Machine Learning (học máy) đang được nhiều đơn vị vận chuyển ứng dụng, thiết lập nên những cung đường tối ưu và giao hàng nhanh chóng tới tay người nhận ở nhiều điểm khác nhau./.
Ý kiến ()