Doanh nghiệp tự quyết định vấn đề con dấu
Bỏ hẳn hay vẫn tồn tại con dấu đối với doanh nghiệp trong một số trường hợp nhất định là vấn đề “nóng” được phóng viên báo chí trao đổi với ông Nguyễn Văn Phúc - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 10/11.
Ông Nguyễn Văn Phúc trao đổi với phóng viên báo chí sáng 10/11. (Ảnh: ĐD) |
PV : Lâu nay doanh nghiệp hoạt động bằng con dấu, tới đây khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực pháp luật, vấn đề con dấu không còn quan trọng như trước. Vậy cơ quan quản lý doanh nghiệp có đồng thuận không, thưa ông ?
Ông Nguyễn Văn Phúc : Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì rất sẵn sàng, tinh thần của Bộ trưởng là ủng hộ cải cách. Tôi cũng đã có lần báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, nếu ta cần phân loại thì Bộ Công an quản lý con dấu của cơ quan, tổ chức. Vì nó yêu cầu về an ninh thì họ quản lý con dấu của cơ quan, tổ chức, nhưng con dấu của doanh nghiệp thì không nhất thiết Bộ Công an phải quản lý mà có nhiều biện pháp khác.
PV : Việc bỏ con dấu đối với doanh nghiệp trong một số trường hợp nên thực hiện theo lộ trình thế nào?
Ông Nguyễn Văn Phúc : Chúng ta nên áp dụng ngay khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực. Đấy cũng là một trong những nội dung của cải cách các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Khi chúng tôi làm việc với các tổ chức quốc tế, họ cho rằng nếu chúng ta cải cách được các thủ tục con dấu thì việc nâng hạng của Việt Nam trong đầu tư sẽ nâng rất cao, bởi thủ tục hiện nay rất phức tạp.
Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đưa ra giải pháp tương đối phù hợp với điều kiện nước ta, tức là quy định có những trường hợp doanh nghiệp không phải sử dụng con dấu. Nếu đối tác không yêu cầu thì ta không phải dùng con dấu.
Trong một số trường hợp, vì một lý do nào đấy cần có xác nhận tính xác thực của doanh nghiệp đối với một nhân thân, cán bộ và nhân viên nào đấy… phải có con dấu thì doanh nghiệp phải dùng con dấu. Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng quy định doanh nghiệp có thể có nhiều con dấu.
P.V : Như vậy, việc lựa chọn có con dấu hay không do doanh nghiệp quyết định, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phúc : Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cũng muốn bỏ con dấu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến là phải tính đến điều kiện của Việt Nam. Trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng thể hiện con dấu là dấu doanh nghiệp, có nghĩa là cho doanh nghiệp được tự quyết định vấn đề đó. Doanh nghiệp quyết định hình thức, nội dung và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh để thông báo với họ tôi có con dấu như vậy.
Trên thế giới, có những nước vẫn dùng con dấu và họ yêu cầu phải có con dấu. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp vẫn phải dùng con dấu của mình. Chúng ta phải rất linh hoạt.
PV : Xin cảm ơn ông!
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()