Ngày 14-5-2010, Chính phủ ban hành NĐ số 51/2010/NĐ-CP (NĐ 51), quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Các doanh nghiệp (DN) sẽ phải tự in, phát hành hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ. Ngoài những DN đã thực hiện, đây là điểm mới đối với những DN chưa làm việc này, đồng thời cũng làm phát sinh quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan, nhất là DN và cơ quan thuế.
Nghị định (NĐ) 51 thay thế Nghị định số 89/2002/NĐ-CP, ngày 7-11-2002 của Chính phủ, quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn. Cơ sở của việc ban hành NĐ 51 là một số nội dung quy định tại NĐ 89 đến nay không còn phù hợp khi Nhà nước ban hành các luật mới hoặc thay thế như: Luật DN, Luật Quản lý thuế, Luật Kế toán và Luật Giao dịch điện tử. Quy định quản lý của NĐ 89 còn mang nặng tính quản lý hành chính nhà nước theo cơ chế cũ, bao cấp. Thủ tục đăng ký hóa đơn tự in còn rất phức tạp, DN chủ yếu vẫn mua hóa đơn. Các loại hóa đơn của cơ quan thuế cấp, bán còn thiếu về chủng loại (chưa có hóa đơn xuất khẩu) và hạn chế về số liên, chưa đáp ứng yêu cầu đặc thù kinh doanh của một số DN và yêu cầu luân chuyển chứng từ phục vụ công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Chưa tạo chủ động cho DN sử dụng hóa đơn trong hoạt động kinh doanh. Do chế độ quy định cơ quan thuế phải quản lý hóa đơn nên các cơ quan Nhà nước, DN không chủ động giám sát, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các khoản chi mua hàng hóa, mà chủ yếu dựa vào việc quản lý hóa đơn của cơ quan thuế, dẫn đến tạo ra thị trường mua, bán hóa đơn bất hợp pháp với nhu cầu mua hóa đơn mục đích trốn thuế, hợp pháp hóa các khoản chi phí không có hóa đơn, chứng từ. Hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành có thể sử dụng cho tất cả các loại hình kinh doanh và trong phạm vi cả nước, do đó đã tạo ra thị trường mua bán hóa đơn bất hợp pháp rộng lớn và các tội phạm về vấn đề này ngày càng gia tăng. Việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn phải phù hợp các luật ban hành, sự vận động của thực tiễn, mở rộng quyền tự chủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ trong việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn, cơ quan quản lý thuế đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra thực hiện…
Có ý kiến lo ngại DN tự in, phát hành hóa đơn dễ sinh ra tiêu cực, những hiện tượng mua bán, giả mạo hóa đơn… cơ quan nhà nước khó quản lý. Theo chuyên gia ngành thuế, NĐ 51 quy định rất chặt chẽ trách nhiệm, nghĩa vụ của DN trong việc in, phát hành, quản lý hóa đơn, trong đó có cơ chế hợp đồng, thanh lý hợp đồng in, xử lý khuôn in, phế phẩm, công tác bảo mật, gửi thông báo phát hành hóa đơn… Mặt khác, theo quy định, DN phải rất quan tâm bảo vệ hóa đơn do mình in, phát hành, bởi đó là quyền lợi, nghĩa vụ, uy tín, thương hiệu của bản thân DN. Trước đây DN sử dụng hóa đơn do Bộ Tài chính in, phát hành, việc quản lý hóa đơn cũng như trách nhiệm phần lớn thuộc cơ quan thuế và cơ quan nhà nước liên quan, nên công tác quản lý khó khăn, hiện tượng vi phạm diễn ra trên diện rộng, cả nước, đa dạng, phức tạp. Nay theo NĐ 51, trách nhiệm và quyền lợi về in, sử dụng hóa đơn thuộc DN, do đó sẽ hạn chế tận gốc những động cơ, mục đích lợi dụng hóa đơn để trục lợi, trốn thuế, làm ăn phi pháp… Như vậy không còn phải quá lo ngại xảy ra tiêu cực, phức tạp hơn khi DN tự in, phát hành hóa đơn, mà ngược lại sẽ giảm nhiều tình trạng vi phạm pháp luật, tạo thuận lợi nhiều hơn cho DN.
NĐ 51 quy định hóa đơn do các cục thuế đặt in chỉ được bán cho tổ chức không phải là DN nhưng có hoạt động kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh có cơ sở tại địa phương; được cấp cho các tổ chức không phải là DN, hộ gia đình và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng. Như vậy, nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ sẽ phải chuẩn bị các điều kiện, thủ tục, thực hiện việc in, phát hành, quản lý hóa đơn theo quy định của NĐ 51. Đây là việc làm hoàn toàn mới DN cần hết sức quan tâm để duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. NĐ 51 quy định về tự in, đặt in hóa đơn, khởi tạo hóa đơn điện tử, phát hành, sử dụng hóa đơn… mở rộng quyền của DN, nhưng cũng yêu cầu cao về trách nhiệm, nghĩa vụ. Trong đó việc tạo hóa đơn phải bảo đảm nguyên tắc, đầy đủ nội dung thông tin, có kỹ thuật bảo mật; khi phát hành hóa đơn phải gửi, niêm yết thông báo phát hành hóa đơn đúng thời gian, địa điểm.
NĐ 51 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011. Ngay từ bây giờ các DN cần nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, liên hệ trao đổi với cơ quan thuế để chuẩn bị tốt cho việc in, đặt in, phát hành hóa đơn. Thành lập tổ chức chỉ đạo, trực tiếp triển khai, xác định nhu cầu, nguồn lực, khả năng thực hiện về hóa đơn. Thiết lập chương trình tự in hóa đơn trên máy tính, thiết bị tính tiền theo quy định, tìm đối tác đặt vẽ mẫu, đặt in hóa đơn, quán triệt, tập huấn việc phát hành, nâng cao ý thức trách nhiệm trong khâu in, sử dụng, quản lý hóa đơn, đăng ký hóa đơn mẫu… Với việc tự in, phát hành, DN cần có kế hoạch, phương án bảo vệ hóa đơn, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ trong phát hành hóa đơn. Đối với cơ quan thuế, cần tăng cường công tác tuyên truyền về NĐ 51 và các văn bản liên quan, làm cho DN, tổ chức, cá nhân, xã hội hiểu đúng nội dung, tầm quan trọng của việc DN tự in, phát hành hóa đơn. Phối hợp cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình, báo cáo cơ quan cấp trên, chính quyền các cấp có giải pháp kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tổ chức các hình thức hướng dẫn, trợ giúp phù hợp, thiết thực để khi NĐ 51 có hiệu lực là các DN thực hiện được ngay hóa đơn do mình tự in, khởi tạo (điện tử), đặt in. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng vì công tác chuẩn bị chưa tốt phải lùi thời hạn thực hiện NĐ 51. Củng cố, tăng cường hệ thống kiểm tra, giám sát, ứng dụng công nghệ thông tin, phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm về quy định tự in, phát hành hóa đơn.
Ý kiến ()