Doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội đầu tư
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp (DN) trong nước đang tăng lên, cho thấy năng lực cạnh tranh cũng như sự tự tin của DN ngày càng được cải thiện.
Mới đây nhất, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác và thăm dò dầu khí với Tập đoàn Gazprom Neft (Nga) tại mỏ Đôn-din-xcôi-e, lô Tây Bắc vùng biển Pê-chô-ra, cũng như cơ hội hợp tác trong các dự án trên đất liền tại LB Nga. Sự hợp tác này là một bước đi mới trong kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) của PVN, sau 17 dự án ĐTRNN mà Tập đoàn đã và đang thực hiện, với trữ lượng thăm dò được khoảng 170 triệu tấn dầu quy đổi.
Theo số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, lũy kế đến ngày 31-12-2014, đã có tổng cộng 19,78 tỷ USD được các DN Việt Nam đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Số vốn giải ngân lũy kế tính đến hết năm 2014 vào khoảng 6 tỷ USD. Xu hướng này sẽ tiếp tục, bởi theo dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2015, có khoảng 150 dự án, với tổng vốn đăng ký từ 1,5 đến 2 tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, vốn thực hiện dự kiến khoảng từ 1 đến 1,2 tỷ USD.
Trong số các dự án đăng ký đầu tư ra nước ngoài năm 2014, có 12,5% dự án được cấp phép là của nhà đầu tư cá nhân, 76% dự án của các công ty tư nhân. Phần còn lại là các dự án đầu tư của DN Nhà nước. Điều này chứng tỏ DN tư nhân trong nước đã lớn mạnh và đủ khả năng vươn ra thị trường thế giới thay vì chỉ bó hẹp ở thị trường trong nước. Các DN đầu tư mạnh nhất phải kể đến là Vinamilk với các dự án đầu tư ở Ba Lan, Cam-pu-chia và Mỹ.
Theo lộ trình phát triển, Vinamilk đặt mục tiêu cán mốc doanh thu 3 tỷ USD và lọt vào Top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017. Và để đạt được mục tiêu này, Vinamilk đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ mua bán sáp nhập (M&A), dồn vốn cho các dự án ĐTRNN để gia tăng nhanh năng lực cung cấp. Viettel cũng là một tập đoàn đầu tư lớn ở thị trường nước ngoài, với các dự án phát triển mạng viễn thông ở Cam-pu-chia, Lào, Mô-dăm-bích, Hai-i-ti, Tan-za-nia… Các tập đoàn lớn của Nhà nước như cao-su, than -khoáng sản,… cũng đã lần lượt có các dự án đầu tư ở nước ngoài.
Các DN tư nhân như Hoàng Anh Gia Lai cũng không chịu thua kém khi liên tục có dự án mới tại Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-ma.
Trong khi đó, FPT sau thương vụ mua RWE IT (Xlô-va-ki-a) vào năm ngoái đang kỳ vọng “tiến quân” vào thị trường châu Âu, đồng thời vẫn tiếp tục tiến công mạnh các thị trường Nhật Bản, Xinga-po với mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020 từ thị trường nước ngoài. Tập đoàn này đã xác định toàn cầu hóa là một trong những định hướng quan trọng để đẩy mạnh tăng trưởng của tập đoàn trong tương lai. Báo cáo kết quả kinh doanh quý I năm nay của FPT cho thấy, mảng kinh doanh ở nước ngoài đã tiếp tục thu được kết quả khả quan với doanh thu tăng 45% so với cùng kỳ, đạt 954 tỷ đồng. Một điều đáng nói là hoạt động ĐTRNN của các DN Việt Nam gần đây không chỉ tăng trưởng nhanh chóng ở các thị trường truyền thống, mà còn mở rộng sang các quốc gia ở châu Mỹ latinh, châu Phi, châu Âu, không chỉ tập trung ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp mà sang cả dịch vụ viễn thông, tài chính – ngân hàng, hàng không,… Cần phải nhắc lại rằng, hoạt động ĐTRNN mới chỉ thật sự bùng nổ từ năm 2009. Cho đến nay, lợi nhuận mà các DN chuyển từ các dự án đầu tư bên ngoài về đạt khoảng từ 800 đến 900 triệu USD. Theo Phó Cục trưởng Đầu tư nước ngoài Vũ Văn Chung, tỷ suất lợi nhuận trên vốn giải ngân khoảng 12% -13%, đây là một con số tuy không cao nhưng đã là rất tốt.
Gần đây, để tạo thuận lợi hơn cho các DN thúc đẩy nhanh các dự án ĐTRNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, và một trong những nội dung quan trọng, đó là nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư. Quy định này được cho là sẽ góp phần gỡ bỏ rào cản cho việc chuyển tiền ĐTRNN của các DN Việt Nam. Bởi hiện nay, theo quy định của Nghị định 78/2006/NĐ-CP về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, thì nhà đầu tư chỉ được chuyển vốn để thực hiện hoạt động đầu tư sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Mặc dù Nghị định 78/2006/NĐ-CP có quy định rằng, đối với việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư để nghiên cứu, chuẩn bị dự án đầu tư thì thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định khác của pháp luật có liên quan, song trên thực tế, đây là việc gần như bất khả khi, ngoại trừ các dự án trong lĩnh vực dầu khí.
Chính vì thế, quy định này bị các DN Việt Nam khi ĐTRNN than phiền nhiều nhất, bởi có rất nhiều khoản chi cần thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Vì vậy, việc sửa đổi quy định này trong dự thảo Nghị định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các DN Việt Nam tiếp tục gia tăng hoạt động ĐTRNN.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()