Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào tỉnh Bình Thuận trên 19 nghìn tỷ đồng
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, sau 10 năm thực hiện chương trình hợp tác giữa 2 địa phương (2005-2014), đến nay đã có 140 dự án của các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào địa bàn tỉnh Bình Thuận với tổng số vốn đăng ký hơn 19 nghìn tỷ đồng.
Các dự án tập trung vào khai thác các thế mạnh của tỉnh Bình Thuận như du lịch – dịch vụ (89 dự án), nông nghiệp (21 dự án) và công nghiệp (18 dự án)…, với diện tích hơn 9.400 ha. Hiện tại, các dự án khu công nghiệp có vốn đầu tư lớn đang được triển khai tại Bình Thuận đều do các doanh nghiệp có năng lực tại thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư như Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1, Hàm Kiệm 2 ở huyện Hàm Thuận Nam; Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 ở huyện Hàm Tân. Cùng với đó, những dự án về lĩnh vực công nghiệp khác mà các doanh nghiệp đến từ thành phố Hồ Chí Minh đầu tư đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bình Thuận phù hợp quy hoạch.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận thăm một nhà máy dệt may trên địa bàn |
Để thu hút các dự án, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tạo điều kiện, hỗ trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Các sở, ngành và các doanh nghiệp của hai địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các nội dung hợp tác, đặc biệt trên các lĩnh vực du lịch, xây dựng và phát triển công nghiệp, khoa học – công nghệ , thương mại – dịch vụ du lịch, giáo dục, y tế….
Chương trình hợp tác giữa Bình Thuận và thành phố Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu quả thiết thực, khai thác đươc tiềm năng, lợi thế của hai địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Một trong những dự án được triển khai và hoạt động hiệu quả tại Bình Thuận là Trung tâm thương mại Phan Thiết do Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh đầu tư tại thành phố Phan Thiết với tổng vốn 50 tỷ đồng, đưa vào hoạt động từ năm 2007. Để có nguồn hàng bảo đảm chất lượng, sản lượng và giá cả ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã giới thiệu và giúp Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh dễ dàng tiếp cận với các nhà vườn, hộ nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp có năng lực cung ứng hàng hóa cho đơn vị.
Doanh số tiêu thụ bình quân của các hộ nông dân thuộc ngành hàng thực phẩm tươi sống hằng năm tại Trung tâm thương mại Phan Thiết đạt khoảng 132 tỷ đồng. Dự án đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, giúp bình ổn giá cả thị trường; góp phần chuyển dịch mạnh mẽ từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại theo xu hướng phát triển chung; tạo mô hình kinh doanh mới, văn minh, lịch sự, đáp ứng tốt việc phục vụ người dân địa phương.
Theo ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2015 – 2020, hai địa phương sẽ tiếp tục ký kết và xác định việc hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế – xã hội là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, hỗ trợ, đáp ứng xu thế phát triển và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, hai địa phương sẽ phổ biến, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư và người dân ở địa phương. Ngoài ra, hai bên sẽ tăng cường các nội dung hợp tác trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()