Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất-kinh doanh, đón cơ hội phục hồi tăng trưởng
5 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%); trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 7,3%, đóng góp 6,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Đơn hàng khởi sắc, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, sắt thép... đều ghi nhận sự phục hồi tích cực trong các tháng đầu năm 2024. Với tín hiệu ấm dần lên của thị trường, các doanh nghiệp đang tích cực đầu tư công nghệ, ứng dụng khoa học nhằm tận dụng các cơ hội thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Nhiều tín hiệu tích cực
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong sử dụng robot hóa, ứng dụng công nghệ học máy (Machine Learning), AI, IoT..., sản xuất thông minh đã giúp Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông giảm chi phí sản xuất trong điều kiện giá vật tư, lãi vay tăng trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, tự động hóa và nâng cao tự động hóa trong các quy trình sản xuất tạo ra hệ thống sản xuất thông minh và hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa nguồn lực một cách tối đa. Đây là những bước tiến quan trọng đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ và bền vững của Rạng Đông trong tăng trưởng bền vững.
“Việc ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất lao động tăng 30% với sản phẩm LED (từ 5,5 triệu sản phẩm/tháng lên 7,5 triệu sản phẩm/tháng) và tăng 37% với sản phẩm phích (1,4 triệu sản phẩm/tháng lên 1,9 triệu sản phẩm/tháng),” đại diện Rạng Đông chia sẻ.
Sự phục hồi cũng thể hiện qua lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh, đơn hàng khởi sắc tại các thị trường chủ lực. Ông Đinh Đức Thắng, Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Nhựa Việt Nam cho biết ngành công nghiệp nhựa giữ vị trí quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của các ngành công nghiệp khác trong nước.
“Trong thời gian qua, ngành nhựa Việt Nam vẫn đang có tốc độ phát triển tốt và có tiềm năng thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế. Dự kiến, xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng mạnh, đạt trên 3,15 tỷ USD, tăng trên 32% so với cùng kỳ năm 2023,” ông Đinh Đức Thắng cho hay.
Trong khi đó, ngành dệt may cũng có nhiều dấu hiệu khả quan khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này dự báo tăng 5,6% so với năm 2023, cùng đó lượng tồn kho của các hãng lớn đều giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam cũng có khả năng tiếp cận với những cơ hội thị trường tốt hơn, cạnh tranh bớt căng thẳng do các quốc gia cạnh tranh gần như đã hết dư địa để tiếp tục giảm giá nội tệ hỗ trợ xuất khẩu, không còn duy trì lợi thế về tỷ giá như giai đoạn 2022-2023 đồng thời Việt Nam có cơ hội nắm bắt đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia khác...
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các dấu hiệu này cũng thể hiện ở tình hình những tháng đầu năm, đơn hàng may đã dồi dào hơn, mặc dù giá gia công vẫn ở mức thấp; ngành sợi tuy giá bán vẫn chưa có lợi nhuận do cầu yếu và giá nguyên liệu biến động với biên độ lớn nhưng có cải thiện rõ rệt về hiệu quả.
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam trong 5 tháng vừa qua đạt khoảng 13,1 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ 2023. “Như vậy, có thể dự đoán cơ hội thị trường đang đến cũng như quy luật thông thường hình thành những đợt sóng tăng trưởng sau giai đoạn suy giảm kéo dài,” ông Cao Hữu Hiếu nói.
Đầu tư chiều sâu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Cùng với sự phục hồi của thị trường, theo đại diện Bộ Công Thương, số lượng đơn đặt hàng mới tại các doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Điều này thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2024 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%); trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%), đóng góp 6,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Đáng lưu ý, sản xuất công nghiệp tăng trưởng trên diện rộng với 55 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 8 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, hoạt động công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất như ngành dệt may-da giày đạt 45-50%, cơ khí chế tạo đạt hơn 30%.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước đã nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, cắt giảm chi phí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các tập đoàn đa quốc gia, tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Đại diện Tập đoàn Sơn Hà cho hay trước đây doanh nghiệp cung cấp thiết bị về nước và nhà bếp, thường sản xuất theo kế hoạch tháng, hoặc theo đơn hàng đặt trước. Nhưng từ khi áp dụng phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP, quá trình sản xuất trở nên linh hoạt hơn. Mỗi khi có đơn hàng bất kỳ, với số lượng bất kỳ từ khách hàng, có thể chuyển ngay thông tin đến đơn vị sản xuất, đơn vị vật tư, tài chính.
“Công nghệ này đã giảm thiểu tối đa thời gian logistics, thời gian vận chuyển đưa hàng tới tay người tiêu dùng, giảm thời gian tồn kho, đáp ứng ngay nhu cầu cho khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác nhất,” đại diện Sơn Hà cho hay.
Về phía Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Công Thương đang tập trung tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối với các tập đoàn đa quốc gia để tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi cung cấp cho các tập đoàn này tại Việt Nam cũng như tại nước ngoài, cùng đó triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ, vận hành hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng triển khai xây dựng các trung tâm kỹ thuật nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, cơ khí nói riêng để nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; xúc tiến đầu tư ở các thị trường trong và ngoài nước, tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
“Về lâu dài, bộ sẽ tiếp tục tư vấn Chính phủ ban hành các chính sách hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đồng thời hình thành các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ với sự xuất hiện của các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt và hình thành các dịch vụ cho các khu, cụm công nghiệp đó…,” đại diện Cục Công nghiệp cho hay./.
Ý kiến ()