Doanh nghiệp sẵn sàng cho thời khắc “mở cửa”
Những kết quả tích cực đạt được trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh thời gian gần đây là tiền đề quan trọng để các nhà hoạch định chính sách tính toán đến việc dần nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại nền kinh tế.
Việc mở cửa một cách thận trọng, có cơ sở khoa học, dù chưa chấm dứt được hoàn toàn sự lây lan dịch bệnh là nhất quán với chủ trương thực hiện “mục tiêu kép” trong chiến lược kiểm soát dịch của Việt Nam; đồng thời, hoàn toàn phù hợp mong mỏi chung của cộng đồng doanh nghiệp (DN) với sức khỏe cũng đã “tới hạn” chịu đựng do phải ngưng trệ hoạt động trong thời gian dài.
Trong bối cảnh đó, các DN cũng đã chủ động lên kế hoạch cho quá trình quay trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sẵn sàng đón cơ hội từ thị trường để nhanh chóng hồi phục.
Nhanh chóng khôi phục sản xuất, đón đầu cơ hội từ thị trường
Trong “cơn bão” đại dịch Covid-19, một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất chính là vận tải hàng không.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 đã sụt giảm tới 34,5 – 65,9%, khiến doanh thu các DN hàng không giảm 61% so năm 2019. Bước sang năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ ba 3 bùng phát trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu khiến doanh thu ngành hàng không giảm 80% so cùng kỳ năm 2020. Đợt dịch lần thứ 4 tiếp tục càn quét khiến các DN hàng không vốn đã khó khăn, nay hoàn toàn rơi vào tình cảnh hết sức lao đao.
Tính riêng trong giai đoạn từ ngày 19-6 đến 18-7, số chuyến thực hiện bay của Vietnam Airlines giảm tới hơn 82%, của Vietjet giảm 91,9% và của Jetstar Pacific cũng giảm 97,6% so cùng kỳ năm trước,…
Chính vì vậy, ngay từ khi có chủ trương nới lỏng giãn cách, Cục Hàng không Việt Nam đã bắt tay xây dựng dự thảo Kế hoạch phục hồi hoạt động vận tải hàng không nội địa thích ứng kiểm soát dịch Covid-19 nhằm mục tiêu duy trì hoạt động vận chuyển hàng không nội địa, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế cho các địa phương.
Theo đó, căn cứ mốc tuần đầu tháng 4/2021 (thời điểm khai thác bình thường khi cả nước vẫn đang kiểm soát được dịch), tần suất cho phép bay được chia thành các giai đoạn.
Trong giai đoạn 1, tần suất từng đường bay nội địa của từng hãng không vượt quá 50% của hãng đó; giai đoạn 2, không quá 70%; giai đoạn 3, không quá tần suất của tuần đầu tháng 4/2021 và khi toàn bộ các địa phương tại Việt Nam dỡ bỏ giãn cách xã hội, các hãng được khai thác theo nhu cầu. Đồng thời, có phương án tạo thuận lợi hơn cho khách thực hiện công vụ, nhân viên y tế, nhân viên làm nhiệm vụ phòng chống dịch và hành khách đủ điều kiện về phòng, chống dịch.
Dựa trên kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam, trong bối cảnh một số địa phương đang nới lỏng dần các điều kiện giãn cách, mở cửa trở lại một số dịch vụ du lịch,… các hãng hàng không trong nước đã chuẩn bị nhiều kịch bản, tình huống để chủ động, sẵn sàng ứng phó và đón đầu thị trường, vẫn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu cả về khai thác và phòng, chống dịch.
Theo dự báo của các hãng, nhu cầu đi máy bay sẽ tăng cao sau khi mở cửa trở lại và theo tính toán, giai đoạn đầu sẽ là nhu cầu của khách kinh doanh, công vụ, khách có nhu cầu đi lại cấp thiết, về quê,… sau đó mới đến các nhu cầu khác như đi du lịch.
Dựa trên kết quả khảo sát những nhu cầu này ở các địa phương, các hãng đều chuẩn bị xây dựng lộ trình khôi phục mạng bay với tần suất phù hợp; đồng thời có chính sách hoàn, đổi vé linh hoạt để bảo vệ quyền lợi của hành khách trong trường hợp kế hoạch bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang cho biết, hãng luôn sẵn sàng về nguồn lực và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn phòng, chống dịch theo từng giai đoạn, bảo đảm quy trình phục vụ, đưa đón khách du lịch được an toàn tối đa, nhất là chuyển đổi số trong quản lý tiêu chuẩn phòng chống dịch cũng như xây dựng trải nghiệm dịch vụ “không điểm chạm”.
Hãng đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho 100% người lao động tuyến đầu trực tiếp phục vụ hành khách và hàng hóa như phi công, tiếp viên, nhân viên mặt đất,… Dự kiến, đến cuối tháng 9, mục tiêu này sẽ được hoàn thành.
Ông Quang cũng đánh giá, lộ trình của Cục Hàng không Việt Nam đưa ra là phù hợp, bảo đảm thực hiện được mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế mà Chính phủ đã đề ra. Ngoài ra, giúp cơ quan quản lý điều tiết thị trường, tránh tình trạng các hãng mở bán vé ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh về giá, gây thiêt hại cho DN, thị trường và lợi ích khách hàng.
“Ngoài sự chuẩn bị của các cơ quan quản lý, DN hàng không, để thị trường hàng không mở cửa trở lại an toàn, tôi cho rằng cần có sự tham gia sát sao của các địa phương nơi khai thác sân bay đi/đến. Tiêu chí an toàn về phòng, chống dịch cần được ưu tiên hàng đầu, tạo sự an tâm cho hành khách cũng như không làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Việc tiêm chủng vaccine cho người dân, nhất là đội ngũ làm việc trong lĩnh vực lữ hành, lưu trú, nhân viên sân bay… là hết sức quan trọng và cần được ưu tiên tiêm chủng tối đa 100%. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ chế chứng nhận tiêm chủng như “hộ chiếu vaccine” hay “thẻ thông hành xanh” cần được đẩy nhanh và nên áp dụng trên nền tảng kỹ thuật số để tối ưu hiệu quả”, ông Trịnh Hồng Quang nhấn mạnh.
Với ngành dầu khí, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng cho biết, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề, toàn diện đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của đơn vị ở cả năm lĩnh vực hoạt động chính, trong đó các lĩnh vực lọc hóa dầu và phân phối sản phẩm dầu khí; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ dầu khí chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất.
Chính vì vậy, việc khống chế dịch bệnh và mở cửa trở lại sẽ giúp DN giảm bớt khó khăn hiện tại cũng như đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tập đoàn đã xây dựng các kịch bản nhằm đối phó với dịch bệnh và bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Trong đó, triển khai xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 tại tập đoàn và các đơn vị thành viên; rà soát, triển khai các công việc chuẩn bị cho sản xuất, kinh doanh đón đầu phục hồi kinh tế, cập nhật danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm thay thế và kế hoạch phát triển thị trường thích nghi với thay đổi về nhu cầu cũng như tình hình chuyển dịch năng lượng,…
Doanh nghiệp vẫn phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức
Dệt may cũng là ngành chịu nhiều tác động nặng nề của dịch Covid-19 khi suốt thời gian qua, hàng loạt nhà máy phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa nhiều tháng trời do dịch lây lan.
Đặc biệt, trong bối cảnh cầu tiêu dùng thế giới đang dần hồi phục, số lượng đơn hàng tăng nhanh, những tưởng là “cơ hội vàng” cho ngành dệt may nhưng giờ đây lại biến thành nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nếu DN không thể nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Chính vì vậy, ngành dệt may luôn mong mỏi từng ngày và cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm mở cửa trở lại.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã xây dựng đầy đủ các phương án để sớm có thể trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới.
Tuy nhiên, vẫn còn vô số khó khăn “đeo bám” theo DN. Cụ thể, với các DN phía bắc và miền trung còn kiên trì bám trụ để duy trì sản xuất, việc mở cửa trở lại sẽ giúp DN đẩy mạnh sản xuất, lưu thông, xuất khẩu hàng hóa. Nhưng với hàng loạt nhà máy ở phía nam hiện đang đóng cửa, để hoạt động sản xuất khôi phục phải mấy ít nhất 1 đến 2 tháng mới có thể ổn định, lấy lại năng suất của thời điểm trước dịch.
Đáng lo hơn, DN sẽ phải đối mặt với bài toán thiếu hụt lao động, thậm chí không ít lao động hiện đang làm việc tại các nhà máy có thể sẽ bỏ việc về quê ngay khi mở cửa trở lại bởi tâm lý bị ám ảnh của dịch bệnh.
Mặt khác, tình trạng đơn hàng bị chuyển sang các nước thứ ba như Ấn Độ, Bangladesh,… vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Khách hàng liên tục đặt các câu hỏi “Khi nào Việt Nam mới được mở cửa trở lại? Mở cửa hoàn toàn hay mở cửa từng phần?” để từ đó cân nhắc có tiếp tục đặt hàng, trong khi DN lại không thể trả lời.
Đây rõ ràng là bài toán song song, cần giải quyết triệt để bởi nếu có lao động mà không có đơn hàng, lúc đó gánh nặng sẽ “đè cổ” DN khi phải lo trả lương và các chi phí thuê đất đai, nhà xưởng,…
Mới đây, 7 DN dệt may của Tiền Giang đã gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ, đề nghị hỗ trợ tiêm vaccine cho 13.300 người lao động để DN có thể trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo lãnh đạo của một DN cho biết, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực và kéo dài 4 tháng qua khiến DN hoàn toàn kiệt quệ, đối diện nguy cơ phá sản vì không ít khách hàng đã thông báo hủy đơn hàng, thậm chí phạt những hợp đồng đã ký không kịp giao trong khi DN đã mua hết nguyên vật liệu sản xuất với chi phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Mặt khác, hiện đang là thời điểm phát triển mẫu cho mùa năm sau, nhưng DN cũng không có điều kiện thực hiện. Điều đó đồng nghĩa với việc sang năm 2023, DN sẽ không có đơn hàng để duy trì hoạt động sản xuất.
“Việc khống chế dịch bệnh và mở cửa trở lại là điều tiên quyết giúp DN duy trì, đẩy mạnh sản xuất nhằm vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Nhà nước và Chính phủ cần tạo điều kiện để người lao động được tiêm vaccine nhằm giữ vững nguồn lực, duy trì ổn định để đẩy mạnh sản xuất. Bên cạnh đó, DN cần thường xuyên trao đổi thông tin hai chiều với khách hàng để có thể chia sẻ, hỗ trợ nhau vượt khó”, Phó Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu đề xuất.
Được tiếp tục triển khai tiêm vaccine cho người lao động cũng là mong muốn của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (LILAMA), DN có đặc thù thực hiện các dự án sử dụng nhiều lao động và chuyên gia nước ngoài.
Cụ thể, đối với mỗi dự án đang thi công, LILAMA thường sử dụng từ 1.000 đến 3.500 lao động ở giai đoạn cao điểm. Tuy nhiên, công tác huy động nhân lực gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, việc triển khai các biện pháp y tế phòng, chống dịch như: kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế trước khi vào làm việc tại công trường cũng như trong quá trình làm việc phải giữ khoảng cách an toàn và không bố trí vượt quá số người quy định, dẫn đến năng suất làm việc không được bảo đảm.
Giám đốc Ban Dự án hóa dầu Long Sơn thuộc LILAMA Lê Hải Long cho biết, nhân lực huy động từ các vùng dịch khi đến công trường phải thực hiện cách ly từ 14 đến 21 ngày trước khi làm việc tại dự án. Các gói thầu đều bảo đảm tiến độ, nhưng nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, có khả năng một số hạng mục sẽ khó theo kịp tiến độ chung.
Hiện nay, đơn vị duy trì lực lượng lao động trên công trường khoảng 1.700 người và theo tính toán còn thiếu khoảng 500 người cho các công việc tiếp theo; trong đó mới có khoảng 40% số lao động được tiêm vaccine mũi 1.
Để chủ động và sẵn sàng tăng tốc thi công trong thời gian tới khi các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 nới lỏng, Ban Dự án đã chủ động điều chuyển nguồn lực giữa các gói thầu sắp hoàn thành sang gói thầu đang thi công cao điểm, nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định phòng, chống dịch bệnh.
Đối với các DN kinh doanh bất động sản, khó khăn lớn nhất đang gặp phải lại là nguy cơ “đứt gãy dòng tiền”. Thời gian khó khăn vừa qua gần như đã “vắt kiệt” sức lực các DN bất động sản khi phần lớn các đơn vị đều thực sự phải “bất động” và cũng không “sản” được đồng nào doanh thu.
Trong khi đó, việc tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính đều bất khả thi vì ngành bất động sản không thuộc diện đối tượng được thụ hưởng. Cộng thêm nhiều năm trở lại đây, phía ngân hàng dần thực hiện siết chặt cho vay trong lĩnh vực bất động sản, do đó nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN hiện hết sức khó khăn.
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) Nguyễn Việt Hùng chia sẻ, tác động của đợt dịch lần thứ 4 khá nghiêm trọng, tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị. Dù DN cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án và kịch bản khi dịch bệnh được kiểm soát; trong đó tập trung nguồn lực triển khai mạnh mẽ các dự án đang thi công dang dở, rà soát các thủ tục để sớm khởi công các dự án mới,… nhưng quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay là cần hỗ trợ nguồn lực tài chính ổn định, lành mạnh, giúp DN đủ sức khỏe duy trì hoạt động.
Điều này rất cần sự vào cuộc từ phía ngân hàng trong việc tiếp tục xem xét giảm thêm lãi suất các khoản cho vay. Các địa phương cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xem xét, quyết định cấp phép triển khai các dự án mới, góp phần tạo nguồn công ăn việc làm cho DN.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp
Để giúp tháo gỡ những khó khăn mà cộng đồng DN đang phải đối mặt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) Mạc Quốc Anh kiến nghị, cần tiếp tục duy trì các chính sách tài khóa, tín dụng hỗ trợ DN, thí dụ như kéo dài các chính sách miễn, giảm, giãn hoãn thuế, lãi suất,… đến cuối 2022, giúp DN có đủ thời gian hồi phục.
Bên cạnh đó, thực trạng hiện nay là không ít khách hàng, nhà đầu tư nước ngoài đã có sự “tính toán lại” đối với thị trường Việt Nam do vừa qua, một phần chuỗi cung ứng của ta đã đứt gãy, nhiều đơn hàng bị chậm và không đúng hẹn. Do đó, cần có ngay những chính sách, giải pháp mạnh, nhanh chóng hàn gắn lại mối liên kết giữa các DN FDI với DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nguyễn Hải Minh cũng đề xuất, Chính phủ có thể cân nhắc phân vùng rủi ro dựa trên cơ sở con số khoa học, từ đó xây dựng các kịch bản về giãn cách và điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp DN có thể nắm bắt và chủ động lên kế hoạch.
Những điều kiện này cần đơn giản, đủ cho số lượng DN có thể thực hiện nhiều hơn; đồng thời bảo đảm trao quyền tự chủ tối đa cho DN dựa trên bộ quy tắc chuẩn tùy theo các kịch bản giãn cách và phân vùng rủi ro. Trong mọi trường hợp, cần hạn chế việc đóng cửa toàn bộ nhà máy quá lâu khi có ca nhiễm mà cố gắng khoanh vùng xử lý.
Mặt khác, đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, chuyên gia và nhà quản lý nước ngoài đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc xin phép chấp thuận nhập cảnh cho người nước ngoài hiện còn mất thời gian và khó khăn, trong khi thực tế rủi ro lây nhiễm tại Việt Nam đã tương đương hoặc cao hơn một số khu vực, vùng lãnh thổ, vì vậy cần đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh so hiện nay.
Điều quan trọng nhất là cần tạo điều kiện tối đa giúp DN được tự cứu mình và người lao động. Các thị trường lớn trên thế giới đang bắt đầu hồi phục và tăng trưởng mạnh, Việt Nam ngay lúc này cần quay trở lại vị thế quan trọng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, để không mất đi cơ hội và vai trò của mình trong tương lai.
Còn theo Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) Vũ Tú Thành, dù nền kinh tế mở cửa trở lại, nhưng thách thức lớn nhất đối với DN vẫn là việc thực thi chính sách không nhất quán, thậm chí là không đúng ở cấp cơ sở.
Quyết tâm của lãnh đạo Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương cũng như rất nhiều chính sách đúng đắn thực tế đã bị “làm loãng” ở khâu thực thi do đơn vị tiếp xúc trực tiếp với DN.
Vì cậy, mong muốn lớn nhất của các DN Hoa Kỳ tại Việt Nam nói riêng, cộng đồng DN nói chung là Chính phủ tiếp tục chỉ đạo và phát huy tốt vai trò các Tổ công tác đặc biệt về gỡ khó cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, rà soát và loại bỏ các quy định gây cản trở, ách tắc hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để những nỗ lực này thành công, cần có thêm các kênh liên lạc, tham vấn, đối thoại thực chất, hiệu quả giữa cộng đồng DN với các Tổ công tác, với lãnh đạo các bộ, ngành và chính quyền các địa phương. Cần tập trung nhiều nguồn lực hơn nữa cho việc cải thiện chế độ đãi ngộ, nâng cao năng lực thực thi chính sách cho cán bộ cấp cơ sở, cũng như tăng cường sự giám sát công việc của đội ngũ này.
Ý kiến ()