Doanh nghiệp niêm yết sẽ hưởng lợi từ 'làn sóng đầu tư công'?
Chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) nhận định các ngành năng lượng-xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp với tỷ trọng lớn trong cơ cấu phân bổ đầu tư công.
Đầu tư công trở thành từ khóa nổi bật trong năm nay, nhất là trên thị trường chứng khoán nhờ mối liên hệ giữa thúc đẩy đầu tư công và tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Dự kiến nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam), nhìn lại lịch sử về cơ cấu vốn đầu tư công theo lĩnh vực giai đoạn 2010-2020, có thể thấy đầu tư công ở Việt Nam chủ yếu dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó đầu tư công trong lĩnh vực giao thông vận tải, kho bãi chiếm tỷ trọng lớn nhất tăng từ mức 18% năm 2010 lên 28% năm 2020; đứng thứ hai là sản xuất và phân phối điện, nước chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng vốn đầu tư công năm 2010 và giảm xuống còn 11% trong năm 2020.
Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng, trong đó Chính phủ kỳ vọng 95% vốn đầu tư được giải ngân so với kế hoạch trong năm nay.
Chuyên gia phân tích Trần Thị Hồng Nhung đến từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) nhận định các ngành năng lượng-xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp với tỷ trọng lớn trong cơ cấu phân bổ đầu tư công; trong đó có nhóm năng lượng với Quy hoạch Điện VIII và nhóm xây dựng với các kế hoạch phân bổ cho nhóm giao thông-vận tải bao gồm các dự án cao tốc trọng điểm và Sân bay Long Thành giai đoạn 2021-2026.
Thực tế, đã có nhiều nỗ lực ở các bộ, ban ngành trong việc phân bổ vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tiến độ chỉ thực sự rõ nét ở một số dự án giao thông trọng điểm. Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ giải ngân đầu tư công trong 5 tháng đầu năm nay ước đạt 20,8% kế hoạch.
Thay vì quan tâm đến tốc độ giải ngân, chuyên gia phân tích Trần Thị Hồng Nhung cho rằng quy mô đầu tư công của Việt Nam trong 3 năm tới dự kiến sẽ giúp các ngành nghề luân chuyển được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư của nhà nước.
Năm 2023, ngành giao thông vận tải được giao hơn 94.100 tỷ đồng vốn đầu tư công, gấp 1,7 lần năm 2022 và là con số lớn nhất từ trước đến nay. Vốn đầu tư công của ngành giao thông được giao nhiều nhất dành cho dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, chiếm 48%; tiếp theo là các dự án giao thông trong nước khác, cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1, các dự án ODA và các dự án trọng điểm, cấp bách.
Ông Lê Quyết Tiến, quyền Cục trưởng Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết năm 2023 dự kiến khởi công 24 dự án giao thông, hoàn thành 29 dự án.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) nhận định các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xây dựng hạ tầng hưởng lợi đầu tiên. Công việc tồn đọng của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại doanh nghiệp chủ chốt là khá lớn với tiến độ dự án trải dài. Tuy nhiên, biên lợi nhuận từ hoạt động này lại là điểm trừ (chỉ đạt 2-3%), chưa kể đến tác động từ biến động giá vật liệu xây dựng.
Không thể phủ nhận tác động tích cực từ việc đẩy nhanh đầu tư công đến các doanh nghiệp ngành xây dựng. Dù vậy, cần đánh giá chi tiết hơn về cơ cấu doanh thu để có nhìn nhận tác động thực tế đối với từng doanh nghiệp.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), những doanh nghiệp niêm yết trúng thầu xây lắp cao tốc lớn nhất sẽ hưởng lợi từ đầu tư công. Có thể kể tới là Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả, Công ty Cổ phần LIZEN, Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) nhận định song hành cùng các dự án đầu tư công (hạ tầng giao thông), nhóm vật liệu xây dựng cũng được hưởng lợi gián tiếp với nhu cầu lớn về thép, đá, ximăng.
Các doanh nghiệp về đá, ximăng lớn nhất ngành hoặc có vị trí gần các dự án trọng điểm sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi từ xu hướng đầu tư công hiện tại.
Mặc dù vậy, với các doanh nghiệp thép, việc tham gia vào các dự án đầu tư công chỉ là “phao cứu sinh” cho năm tài chính kém khả quan, do bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn đóng băng. Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp này chỉ có thể bứt phá thực sự khi chu kỳ ngành bất động sản quay trở lại.
Với khai thác đá, các doanh nghiệp sở hữu mỏ đá dọc hoặc gần các dự án trọng điểm ở khu vực phía Nam như Đồng Nai và Bình Dương với trữ lượng khai thác lớn, đáp ứng được quy mô yêu cầu sẽ được hưởng lợi.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) đánh giá kém khả quan với nhóm doanh nghiệp ximăng do sự dư thừa nguồn cung ximăng diễn ra nhiều năm trở lại đây. Do vậy, đầu tư công chỉ là chất xúc tác ngắn hạn cho các cổ phiếu nhóm ngành này.
Biên lợi nhuận mỏng cùng sự khó khăn chung trên thị trường xây dựng-bất động sản, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao vẫn là gánh nặng với doanh nghiệp ximăng.
Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) cũng xem xét tác động của đầu tư công trong lĩnh vực điện, cụ thể là theo Quy hoạch Điện VIII, với một số nội dung chính bao gồm: tăng cường quy mô đầu tư 127 tỷ USD cho sản xuất điện và truyền tải điện mới; đẩy mạnh phát triển điện khí và điện gió; duy trì tỷ trọng điện than tới năm 2030, tuy nhiên hạ dần và đưa tỷ trọng điện than về gần 0 cho tới năm 2050.
Với định hướng nêu trên, các doanh nghiệp hưởng lợi nhất là từ xu hướng phát triển điện khí và điện gió trong dài hạn như: Tổng Công ty Khí Việt Nam-Công ty cổ phần, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí.
Bên cạnh đó, không thể bỏ qua các doanh nghiệp xây lắp truyền tải điện hưởng lợi xuyên suốt quá trình phát triển của ngành năng lượng Việt Nam như Công ty cổ phần Tập đoàn PC1, Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2.
Xoay quanh chủ điểm đầu tư công với nhiều lĩnh vực khác nhau, cơ hội đầu tư cũng xuất hiện ở một vài nhóm ngành nhỏ hơn như hạ tầng viễn thông với kế hoạch triển khai hạ tầng 5G, chuyên gia phân tích Trần Thị Hồng Nhung nhìn nhận./.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-niem-yet-se-huong-loi-tu-lan-song-dau-tu-cong/872466.vnp
Ý kiến ()