Phát huy lợi thế, liên kết cùng phát triển
Bình Định là vùng kinh tế trọng điểm miền trung bởi lợi thế nằm ở trung điểm của các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy bắc – nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển thuận lợi nhất của Tây Nguyên, nam Lào, đông bắc Cam-pu-chia và Thái-lan, thông qua quốc lộ 19 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn. Để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội, Bình Định đã chủ động, đi trước một bước trong xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, nhất là quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp và Khu kinh tế Nhơn Hội. UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện xây dựng đề án cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện, thành phố. Bên cạnh đó triển khai cải cách hành chính theo cơ chế 'một cửa liên thông' ở một số cơ quan, trong đó ưu tiên các lĩnh vực: đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư nước ngoài, thủ tục xây dựng, giao đất… Trong năm năm qua, Bình Định luôn nằm trong số các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các nhà đầu tư đánh giá là một trong những tỉnh có môi trường đầu tư, kinh doanh tốt. Qua hai năm thực hiện cơ chế 'một cửa liên thông' cả tỉnh có thêm 1.527 doanh nghiệp (DN) được thành lập. Những năm gần đây các DN mới thành lập hằng năm đều tăng hơn 25%.
Các DNNVV đã thường xuyên đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm thiết bị, nâng cao tay nghề công nhân, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đã và đang chiếm lĩnh được những phân khúc nhất định trong thị trường trong và ngoài nước. Bình Định từ lâu nổi tiếng bởi các sản phẩm đồ gỗ, dăm gỗ, đá gra-nít, ti-tan, hải sản đông lạnh, may mặc, giày dép, đường, dược phẩm, rượu Bàu Đá, nước mắm…, trong đó nhiều sản phẩm được bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao được thị trường thế giới ưa chuộng.
Đồng thời với việc sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, các doanh nghiệp cũng tích cực, thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, xóa đói, giảm nghèo như xây dựng nhà ở cho người nghèo, đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ bão lụt, bảo trợ trẻ em…, cùng địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Riêng phần đóng góp xây dựng nhà cho người nghèo của DNNVV Bình Định trong năm năm qua đã lên tới hàng chục tỷ đồng, góp phần để Bình Định là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Trong quá trình làm ăn, các doanh nghiệp đã liên kết, hợp tác thành lập các hội, hiệp hội để hỗ trợ nhau đứng vững và từng bước phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiệp hội Sản xuất xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản, Hiệp hội Khai thác và chế biến đá gra-nít, Hiệp hội thủy sản, Hiệp hội sản xuất, kinh doanh rượu Bàu Đá, Hiệp hội sản xuất nước mắm, Hiệp hội ti-tan Bình Định, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Bình Định, Hội Doanh nghiệp trẻ, Hội Nữ doanh nhân… là những mô hình hoạt động có hiệu quả, góp phần hình thành nên cộng đồng doanh nghiệp Bình Định năng động, sáng tạo.
Điểm đến của các nhà đầu tư
Giám đốc DNTN Thiên Phú trong Khu Công nghiệp Phú Tài Đào Thị Thử cho biết: Lâu nay chúng tôi chỉ hoạt động tại Gia Lai và Phú Yên trên lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản. Những năm gần đây, Bình Định nổi lên như là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong nước và ngoài nước. Chúng tôi chọn Bình Định để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đá gra-nít vì chính sách thu hút đầu tư và môi trường đầu tư ở đây rất thông thoáng. Mới đi vào sản xuất chưa được một năm, hiện nay, sản phẩm của chúng tôi đã được tiêu thụ khắp cả nước. Chúng tôi đang đặt hàng thiết bị để mở rộng quy mô của nhà máy lên gấp hai lần hiện nay.
Lý giải về việc chọn cụm công nghiệp thị trấn Bình Định làm nơi đầu tư một nhà máy hiện đại sản xuất các sản phẩm du lịch dã ngoại cao cấp xuất khẩu, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Sen Lê Thanh Long cho biết: Là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài, chúng tôi đã có hai nhà máy lớn đặt tại miền nam. Chọn đặt nhà máy ở đây vì nó nằm giữa cảng quốc tế Quy Nhơn và sân bay Phù Cát. Hơn nữa, lực lượng lao động ở đây rất lớn. Chúng tôi đã đi vào sản xuất giai đoạn một và đang triển khai tiếp việc mở rộng ngay trong năm nay.
Phó Chủ tịch UBND huyện An Nhơn Lê Minh Toán cho biết: Từ đề án phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006-2010 với mục tiêu tỷ trọng công nghiệp là 53%, trong thời gian sắp tới, chúng tôi cần tập trung đầu tư xây dựng các cụm, điểm công nghiệp đã được quy hoạch, mở rộng các làng nghề; phát huy mọi nguồn lực để phát triển lực lượng sản xuất.
Những khó khăn cần tháo gỡ
Mặc dù có bước phát triển nhất định, nhưng DNNVV Bình Định hầu hết có quy mô quá nhỏ, nguồn vốn thấp, năng lực tài chính hạn hẹp, khó huy động vốn hoặc liên kết, liên doanh; cơ sở vật chất, nhà xưởng, đất đai, máy móc thiết bị còn thiếu thốn hoặc nhỏ lẻ, trình độ công nghệ lạc hậu, chưa được nâng cấp, đổi mới kịp thời; trình độ tay nghề của lực lượng lao động chưa cao; nhiều chủ DN còn non về năng lực và kinh nghiệm quản trị DN, hiểu biết pháp luật, kỹ năng tiếp thị, trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ còn yếu…
Khó khăn lớn nhất mà hầu như mọi DNNVV Bình Định lâu nay gặp phải là thiếu vốn. Trong điều kiện siết chặt tín dụng, lãi suất lên cao như hiện nay thì khó khăn này lại càng trầm trọng. Tiếp đó là giá nguyên vật liệu tăng cao; chất lượng lao động chưa cao. Hiện nay, việc đào tạo của một số cơ sở đào tạo nghề chưa sát với thực tiễn, nên nhiều DN sau khi tuyển dụng phải đào tạo lại vừa mất thời gian, vừa thêm chi phí. Mặc dù tỉnh có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động với kinh phí tối thiểu 50%, nhưng chưa nhiều DN tiếp cận và được hưởng khoản hỗ trợ này. DNNVV Bình Định còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt cả ở nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg ngày 6-4-2011 về việc giãn thời gian nộp thuế thu nhập DN năm 2011 với thời hạn một năm cho các DNNVV. Đây là chính sách rất thiết thực góp phần giúp các DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, thúc đẩy phát triển kinh tế. Thời gian tới, các DNNVV chờ đợi Chính phủ có những giải pháp hiệu quả hơn để kiềm chế tăng giá điện, giá xăng dầu, nhất là có chính sách tín dụng và lãi suất hợp lý để DN có thể duy trì, phát triển sản xuất, từng bước có lãi, có tích lũy cho tái đầu tư chiều sâu và mở rộng.
Đối với DNNVV, việc tiếp cận thông tin về đất đai, quy hoạch, thông tin về chính sách pháp luật và cải cách thủ tục hành chính là nhu cầu rất cấp thiết. Mong muốn của DNNVV Bình Định hiện nay là lãnh đạo tỉnh tổ chức thêm những cuộc đối thoại với DN để họ trực tiếp nêu những khó khăn, vướng mắc và đề đạt để được trả lời và giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, nhiều DN thực hiện chủ trương 'thắt lưng buộc bụng', rà soát, tiết giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý không cần thiết, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu và tạm dừng các khoản đầu tư chưa mang lại hiệu quả. Đây chính là giải pháp thích hợp nhất vì qua đó sẽ giúp DN cơ cấu lại sản xuất, xác định lại sản phẩm và thị trường mục tiêu phù hợp khả năng, sở trường của mình.
Với những giải pháp quyết liệt nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, cộng đồng DNNVV Bình Định tin tưởng rằng điều kiện, môi trường sản xuất, kinh doanh sẽ sớm trở nên thuận lợi, các cơ hội mới sẽ mở ra và bản thân họ với tinh thần phát huy nội lực là chính sẽ vượt qua khó khăn trước mắt, từng bước phát triển, ngày càng có đóng góp hiệu quả hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Ý kiến ()