Đây là những chỉ tiêu quan trọng trong dự thảo kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 – 2015 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội DN… sáng 11-11 tại Hà Nội.
Tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, việc tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn do chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến các DN, đặc biệt là DNNVV gặp không ít khó khăn, thách thức. “Trong bối cảnh đó, việc nhanh chóng xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 – 2015 là yêu cầu cấp bách hiện nay”, Cục trưởng Cục Phát triển DN -Bộ Kế hoạch và Đầu tư- Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh tại cuộc hội thảo.
Kết thúc giai đoạn 2006-2010, đã có khoảng 370 nghìn DNNVV được thành lập mới, tạo thêm khoảng 2,7 triệu chỗ làm mới. 7% tổng số DN này trực tiếp tham gia xuất khẩu. Quy mô vốn trung bình của một DN tăng từ ba tỷ đồng năm 2000 lên 17,6 tỷ đồng năm 2009, gấp gần sáu lần. Tài sản cố định và đầu tư dài hạn của DNNVV năm 2009 tăng gấp bốn lần so với năm 2000. Doanh thu thuần cũng tăng gấp sáu lần…
Tuy nhiên, hạn chế cơ bản của khu vực DN này là lợi nhuận còn thấp, chưa được cải thiện qua nhiều năm, DNNVV thiếu cơ hội tích tụ vốn để tăng trưởng lên quy mô vừa và lớn hơn để tận dụng lợi thế kinh tế từ quy mô. Có đến 86,4% số DN là DN nhỏ, số DN vừa chỉ chiếm 9,9%.
Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, trong kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 – 2015, cần có thêm những chính sách khuyến khích mua bán sáp nhập DN nhằm tăng thêm số lượng các DN có quy mô vừa. Số lượng DN này tăng đồng nghĩa với việc tăng năng lực của DN, tăng được tỷ lệ DN tham gia trực tiếp xuất khẩu. Ngoài ra cũng cần có thêm chinh sách hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN để khai thác kênh huy động vốn cũng như giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Còn theo Giám đốc Công ty TNHH Mỹ An (Hoài Đức, Hà Nội) Từ Thị Bích Lộc, một trong những chỉ tiêu mà kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 – 2015 đưa ra là thành lập mới 450 nghìn DN, tạo thêm khoảng bốn triệu việc làm. Để tạo ra và duy trì việc làm thì DNNVV phải được hỗ trợ phát triển. DN rất cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng chính sách này phải thật cụ thể, thiết thực. “Chúng tôi đã mua thanh lý một khu nhà, để xây nhà cho công nhân ở, nhưng chính quyền tỉnh lại quyết định đấu giá khu đất này. Vậy tiền đâu chúng tôi đấu giá, không đấu giá được thì không thực hiện được chủ trương xây dựng nhà ở cho công nhân như Nhà nước kêu gọi.”, bà Lộc nói.
Rõ ràng khu vực DNNVV đang cần những hỗ trợ khác nhau, từ hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường; tiếp cận tài chính, tín dụng; đổi mới công nghệ cho đến phát triển nguồn nhân lực; cung cấp thông tin, xúc tiến mở rộng thị trường… Song, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, vấn đề mấu chốt để thúc đẩy phát triển các DNNVV chính là nâng cao nhận thức về vai trò của khu vực DNNVV.
“Tôi là người thực hiện kế hoạch này ở tỉnh Hòa Bình, thấy kết quả thấp lắm, các bộ và địa phương ít quan tâm. Nhìn lại năm năm, DN phát triển nhiều, đóng góp ngân sách nhiều nhưng chỉ ở các tỉnh lớn.chứ ở các tỉnh nhỏ, đóng góp của DNNVV thấp lắm. Kế hoạch phát triển DN lớn không hề có nhưng Nhà nước, các bộ ngành và địa phương đều rất quan tâm nên DN lớn vẫn phát triển tốt. Điều này thấy rõ ở các tỉnh, nếu có DN lớn, họ lại càng được tỉnh quan tâm, DN lớn ở tỉnh chiếm 80% – 90%, chỉ có vài % còn lại là DNNVV.”- Đại diện Sở KH và ĐT Hòa Bình chia sẻ
Chưa coi trọng vai trò của các DNNVV chính là một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ DNNVV thời gian qua chưa thật sự hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống trợ giúp DNNVV còn mỏng và thiếu, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương chưa chặt chẽ…
Ý kiến ()