Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ
Trong những năm gần đây, để nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như từ tác động tích cực của những đổi mới trong cơ chế, chính sách, đã xuất hiện nhiều điển hình về đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể thì quá trình này diễn ra vẫn còn chậm và trình độ còn thấp, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn nữa.
Cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình đổi mới công nghệ tại các DNNVV |
Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thấp
Theo điều tra của Tổ Công tác thi hành luật doanh nghiệp và đầu tư, hiện có khoảng 80-90% công nghệ mà các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng là công nghệ nhập ngoại, trong đó có tới 76% máy móc, dây chuyền công nghệ thuộc thế hệ những năm 80-90 của thế kỷ trước, 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% là đồ tân trang. Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam chỉ đạt 2% trong khi đó tỷ lệ này là 30% ở Thái Lan, 51% ở Malayxia và Singapore lên tới 73%.
Nguyên nhân chính của tình trạng này, theo Tổ Công tác thi hành luật doanh nghiệp và đầu tư là do chúng ta hạn chế về vốn đầu tư cho khoa học – công nghệ và đổi mới công nghệ. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, giai đoạn 2006 – 2010 Nhà nước duy trì mức đầu tư hàng năm cho hoạt động khoa học và công nghệ đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước, tương đương khoảng 0,5-0,6% GDP. Đến nay, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn đầu tư chính, chiếm tới 65-70% tổng đầu tư của hoạt động khoa học và công nghệ, còn đầu tư từ xã hội (doanh nghiệp, tín dụng, các nguồn đầu tư khác) chiếm tỷ lệ 30-35% ước tính bằng khoảng 1% GDP.
Theo ông Nguyễn Đình Phan – Viện Kinh tế và quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, các DNNVV ở Việt Nam đổi mới công nghệ chủ yếu bằng phương thức nhập thiết bị máy móc. Các giao dịch mua bán công nghệ ở dạng tài sản trí tuệ và bí quyết công nghệ còn hạn chế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn tập trung nhiều kinh phí cho hoạt động nhập khẩu, mua bán thiết bị thay vì tập trung kinh phí cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển hay làm chủ công nghệ. Nếu chúng ta đổi mới công nghệ chủ yếu bằng phương thức nhập khẩu máy móc, thiết bị với vốn không cao thì không khó có thể nhập được công nghệ nguồn, công nghệ cao.
Nhiều chuyên gia khác cũng đánh giá, thị trường vốn, thị trường công nghệ và thông tin về thị trường công nghệ chưa phát triển là các trở ngại lớn trong đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Nhiều cơ chế, chính sách tuy đã có cải tiến, đổi mới so với trước đây nhưng chưa được thực hiện nghiêm chỉnh và chưa thực sự đi vào cuộc sống, đang gây khó khăn cho đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp.
Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ
Nước ta là một quốc gia đang phát triển, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu khoa học, đổi mới và sáng tạo lại chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì, kinh phí đầu tư cho hoạt động này không hề nhỏ, và hiệu quả thường chỉ có thể đạt được trong trung và dài hạn. Do đó, các DNNVV khó có thể “kham” nổi chi phí đầu tư cho “hạng mục” này và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Để có thể khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới và sáng tạo, bên cạnh các hình thức ưu đãi về vốn, đất đai, chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ…, ông Nguyễn Đình Phan cho rằng, Nhà nước cần tạo ra những cơ chế, chính sách khuyến khích dưới hình thức ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới, sáng tạo.
Qua tham khảo thực tế tại một số doanh nghiệp cho thấy, hiện nay các quy định về ưu đãi thuế của Việt Nam còn gây khó khăn trong áp dụng cho cả đối tượng nộp thuế và cơ quan thuế. Chẳng hạn như việc để tồn tại song song cả mức giảm thuế suất theo tỷ lệ % và miễn, giảm thuế theo năm, trong khi không quy định rõ là lựa chọn áp dụng hay áp dụng đồng thời. Trong cùng một thời gian, nếu doanh nghiệp được hưởng nhiều mức ưu đãi thuế khác nhau đối với cùng một khoản thu nhập thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi thuế có lợi nhất. Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng, cơ quan thế sẽ là đơn vị áp đặt cách tính ưu đãi cho đối tượng nộp thuế cũng là một hạn chế với doanh nghiệp.
Nếu xét về ưu đãi theo loại hình doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Việt Nam hiện hành có giảm thuế suất thuế TNDN cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung, được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 20% kể từ 1/7/2013 và giảm xuống 17% kể từ 1/1/2016. Tuy nhiên, không có quy định ưu đãi cụ thể dành riêng cho trường hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo như đối với nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, trong khi các quốc gia có chính sách thuế ưu đãi riêng dành cho nghiên cứu phát triển, thường gọi là tín dụng thuế nghiên cứu phát triển hay trợ cấp thuế nghiên cứu phát triển, thì ở Việt Nam các chính sách này hiện vẫn đang được lồng ghép trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, chưa được hệ thống hoá ở một văn bản pháp lý riêng biệt, chưa thể hiện được mức độ quan trọng cần ưu tiên cho lĩnh vực này.
Những hạn chế trên cần được khắc phục trong quá trình cải cách và hội nhập thuế, để đảm bảo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được hưởng các ưu đãi khi dành thời gian, công sức và tiền bạc đầu tư cho nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo. Điều này sẽ góp phần giúp cho tăng trưởng kinh tế, duy trì việc làm, đóng góp nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho quốc gia. Về vấn đề này, theo kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy các chính sách hỗ trợ về thuế có thể mang tính tích cực, hiệu quả và sẽ là tiền đề để phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm cho không chỉ doanh nghiệp mà sẽ ảnh hưởng tốt tới trình độ phát triển của quốc gia.
Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng chiến lược công nghệ và gắn chiến lược công nghệ với chiến lược kinh doanh của DNNVV. Hay nói cách khác là chúng ta cần có giải pháp đồng bộ cho hoạt động này, có như vậy mới thúc đẩy cũng như hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế thật sự cho doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()