Doanh nghiệp Nhà nước phải đi đầu, dẫn dắt xu thế kinh tế mới
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty cần có giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nguồn lực hiện có để đầu tư cho những lĩnh vực mũi nhọn, mang tính dẫn dắt như kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh….
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang góp phần thực hiện sứ mệnh hết sức quan trọng là kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế – Ảnh: VGP/MK
Chiều 29/9, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trang trọng tổ chức chào mừng 5 năm thành lập (29/9/2018 – 29/9/2023) với chủ đề “Kết nối – Đồng hành – Phát triển”.
Chủ trương hết sức đúng đắn và kịp thời
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng 5 năm là chặng đường không dài, nhưng Ủy ban đã vượt qua được chặng đường quan trọng, hết sức khó khăn, để hôm nay cùng nhau nhìn lại quá trình phát triển của Ủy ban, cũng như 19 tập đoàn, tổng công ty đang góp phần thực hiện sứ mệnh hết sức quan trọng là kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế.
Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là một chủ trương mới. Đến nay đã được chứng minh là chủ trương hết sức đúng đắn và kịp thời của Đảng, Nhà nước, được chuẩn bị và cân nhắc hết sức kỹ.
Ủy ban vừa là cơ quan thuộc Chính phủ, vừa thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, hiện đang nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, chiếm trên 60% nguồn lực về vốn và tài sản của doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước thực hiện hiệu quả chủ trương mới là tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước và chức năng điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Đây là vấn đề cần được đánh giá, tổng kết để đề ra các giải pháp hiệu quả, khả thi, phù hợp với thực tiễn để giúp Ủy ban và các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh: Ủy ban có nhiệm vụ hết sức nặng nề trong việc tham gia giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế do Đảng và Nhà nước đề ra.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, tuy mới được thành lập trong khoảng thời gian 5 năm, nhưng bước đầu Ủy ban đã đạt được kết quả tích cực mà quan trọng nhất là bước đầu đã kiện toàn mô hình tổ chức; vốn chủ sở hữu và tài sản được bảo toàn, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty được duy trì, phát triển, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp – Ảnh: VGP/MK
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động Ủy ban trong 5 năm vừa qua, trong đó có sự chung tay, chung sức, đồng lòng của lãnh đạo 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Phó Thủ tướng đề nghị 19 tập đoàn, tổng công ty thông qua Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất để hoàn thiện mô hình quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng như tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành,… để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn nữa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng kinh doanh hiệu quả vốn và tài sản Nhà nước; cùng đất nước đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,…”, Phó Thủ tướng khẳng định.
“Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty cần có giải pháp chuyển hóa toàn bộ nguồn vốn, nguồn lực hiện có để tập trung đầu tư cho những lĩnh vực mũi nhọn, dẫn dắt những xu thế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh…”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Đơn cử, trong chuyển đổi số đã có những doanh nghiệp hàng đầu, nhưng trong chuyển đổi xanh thì vừa qua mới có một vài tập đoàn như EVN, PVN… được lựa chọn để chuẩn bị lộ trình đầu tư các trung tâm năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị, phụ trợ và tiến tới làm chủ công nghệ trong lĩnh vực này.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ủy ban tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại lễ kỷ niệm – Ảnh: VGP/MK
Quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp thực chất, có hiệu quả
Trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh: Thời gian tới sẽ là khoảng thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là về sản xuất, thị trường, đầu tư,…; tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt của doanh nghiệp Nhà nước trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; đẩy mạnh đầu tư, phát triển góp phần xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, năng lượng, công nghiệp, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn,…
Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo điều kiện và lộ trình phù hợp.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh nêu rõ, theo dự báo, tình hình quốc tế và trong nước trong thời gian tới tiếp tục có nhiều yếu tố rủi ro, phức tạp, khó lường. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ công tác những năm tiếp theo, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty cần nỗ lực, quyết tâm rất lớn để vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.
Với kinh nghiệm, sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao và kết quả đạt được trong 5 năm vừa qua, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh tin tưởng rằng trong thời gian tới, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ công tác đề ra.
Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trao tặng bằng khen cho các tập thể, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích xuất sắc – Ảnh: VGP/MK
Nòng cốt trong bảo đảm các cân đối lớn
Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, so với năm 2018 (thời điểm các tập đoàn, tổng công ty chuyển về Ủy ban) thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đã tăng từ 1 triệu 055 nghìn tỷ đồng lên 1 triệu 154 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2 triệu 360 nghìn tỷ đồng lên 2 triệu 491 nghìn tỷ đồng. Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng.
Tính riêng trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1 triệu 871 nghìn tỷ đồng, chiếm 20% GPD cả nước (tăng 0,6% so với năm 2018). Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty đạt đạt 103 nghìn 310 tỷ đồng, tổng giá trị nộp ngân sách Nhà nước hợp nhất đạt 227 nghìn 990 tỷ đồng.
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đã thể hiện rõ vị trí, vai trò nòng cốt bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2018-2023, Ủy ban cũng đã tích cực chỉ đạo, đồng hành cùng các tập đoàn, tổng công ty thực hiện Kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị đầu tư ước đạt 769 nghìn 969 tỷ đồng.
Nhiều dự án lớn, quan trọng đã được triển khai thực hiện, góp phần không nhỏ vào xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cho phát triển kinh tế – xã hội, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực.
Tiêu biểu như các dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng; Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái, các công trình lưới điện 500 kV Vĩnh Tân, Sông Hậu – Đức Hòa, Long Phú – Ô Môn; hoàn thành đầu tư và vận hành với công suất cao Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từ ngày 27/4/2023.
Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đã tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án xây dựng nhà ga T3 Càng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi… qua đó đầu tư hoàn thiện hệ thống đường bộ quốc gia, nhất là các tuyến cao tốc trục Bắc-Nam, các tuyến cao tốc kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm.
Sau 5 năm chuyển về Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty cũng góp phần không nhỏ vào công tác thực hiện chính sách về lao động, việc làm của Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ ổn định đời sống cho 700.000 người lao động, giải quyết việc làm tại địa phương và trong cả nước. Các tập đoàn, tổng công ty còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội bằng nhiều chương trình thiết thực như: Tham gia ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19; ủng hộ hơn 100.000 máy tính cho Chương trình Sóng và máy tính cho em; xây nhà Đại đoàn kết…
Nguồn:https://baochinhphu.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-phai-di-dau-dan-dat-xu-the-kinh-te-moi-102230929190651792.htm
Ý kiến ()