Doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài 6,6 tỷ USD
Theo Báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2022, có 30 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện đầu tư ra nước ngoài. Việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp này không hoàn toàn do công ty mẹ trực tiếp đầu tư mà chủ yếu do các công ty con thực hiện.
PVN khai thác dầu khí tại mỏ Rạng Đông. |
Lợi nhuận chuyển về nước hơn 1,99 tỷ USD
Theo Báo cáo, tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp đến ngày 31/12/2022 là hơn 6,6 tỷ USD, bằng 55,44% số vốn đầu tư đăng ký.
Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện lớn nhất, đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 60,80% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài.
Tiếp theo là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) đạt hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 22,22%; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư hơn 772 triệu USD, chiếm 11,67%.
Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của 3 doanh nghiệp này chiếm 94,69% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của khối doanh nghiệp nhà nước.
Các doanh nghiệp tiếp tục duy trì đầu tư chủ yếu trong các lĩnh vực dầu khí; viễn thông; trồng, chế biến mủ cao su; khai thác khoáng sản; nông nghiệp; xây lắp, thương mại, vận tải hàng không… Trong đó, lĩnh vực dầu khí, viễn thông và lĩnh vực trồng, chế biến mủ cao su chiếm tới 96,41% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp.
Về tình hình thu hồi vốn đầu tư ra nước ngoài, Báo cáo cho biết lũy kế đến ngày 31/12/2022, có 72 dự án đầu tư ra nước ngoài của 16 doanh nghiệp đã phát sinh các khoản thu hồi với tổng số tiền lũy kế hơn 4 tỷ USD, bao gồm cả lợi nhuận chuyển về nước hơn 1,99 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có số tiền thu hồi lớn nhất là PVN (thu hồi hơn 2,9 tỷ USD, bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là hơn 1,1 tỷ USD); tiếp theo là Viettel với hơn 950 triệu USD, bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là hơn 654 triệu USD. Số tiền đã thu hồi của 2 doanh nghiệp này chiếm 94,35% tổng số tiền đã thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Tính riêng năm 2022, số tiền thu hồi của các doanh nghiệp là hơn 427 triệu USD, trong đó lợi nhuận chuyển về nước là hơn 235 triệu USD).
Doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận giảm
Đánh giá về kết quả sản xuất kinh doanh của các dự án đầu tư ra nước ngoài, Báo cáo của Chính phủ nhận định nhiều dự án có sự chuyển biến tích cực về doanh thu, tuy nhiên lợi nhuận vẫn giảm do chưa sử dụng chi phí hiệu quả, dẫn đến số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam cũng giảm giảm 10,56% so với năm 2021.
Năm 2022, có 29 dự án bị lỗ (giảm 1 dự án so với năm 2021) với tổng số lỗ hơn 263 triệu USD (số lỗ giảm hơn 72 triệu USD, giảm 21,5% so với năm 2021).
Tính đến ngày 31/12/2022, có 43 dự án có lỗ lũy kế, giảm 1 dự án so với năm 2021 nhưng tăng hơn 105 triệu USD về mức lỗ, tương đương 7,94%.
Trong một nghiên cứu độc lập về tình hình đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar công bố tháng 5/2023 do Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar thực hiện, Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên ISC đánh giá cao những thành công bước đầu của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong việc tạo được ấn tượng trên thị trường quốc tế, mang lợi nhuận về nước, gây dựng được thương hiệu ở nước ngoài.
Đồng thời, chuyên gia này chỉ ra thực trạng nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, thậm chí có những dự án thất bại, doanh nghiệp phải giải thể về nước.
Trong chặng đường 24 năm đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp đã có bước đi cẩn trọng phù hợp với trình độ và điều kiện phát triển của nền kinh tế cũng như mối quan hệ quốc tế và vị thế của Việt Nam trên thế giới ở từng giai đoạn.
Tuy nhiên, trong sự cẩn trọng đó còn có nguyên nhân do hệ thống các văn bản pháp luật về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài chưa hoàn thiện, thiếu định hướng cụ thể trong khi năng lực đầu tư của doanh nghiệp chưa cao.
Trong bối cảnh đầu tư ra nước ngoài trở thành xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Tiến sĩ Phan Hữu Thắng và Nhóm tác giả cho rằng cần có nghiên cứu, đánh giá, phân tích thực trạng đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trên bình diện tổng thể và quốc gia nhận đầu tư.
Từ đó phân tích sâu hệ thống pháp luật, chính sách của các nước tiếp nhận đầu tư, phân tích thông lệ đầu tư quốc tế cũng như hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài để có một tầm nhìn dài hạn về đầu tư quốc tế.
Nguồn: https://nhandan.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-66-ty-usd-post776193.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()