Doanh nghiệp ''ngồi trên lửa'' và chuyện người dân... sợ du khách
Tưởng chừng sắp được “thở phào” khi chính phủ Việt Nam kiểm soát tốt COVID-19 thì giờ đây cả ngành du lịch như “ngồi trên lửa” vì dịch bệnh trở lại, nhiều địa phương đóng cửa với du lịch…
Mới chục ngày trước, các doanh nghiệp còn đang khấp khởi mừng vì nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tiến triển khả quan thì rất có thể Việt Nam sẽ tuyên bố hết dịch trong ít ngày, như thế ngành du lịch có thể “thở phào.” Ấy vậy nhưng khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm COVID-19 thứ 17 vào cuối ngày 6/3, mọi chuyện đã ngả sang lối rẽ khác.
Ngay sau đó là hàng loạt hệ lụy, đời sống người dân và cả ngành du lịch gần như lập tức rơi vào cơn khủng hoảng bởi căn bệnh có nguồn gốc từ Vũ Hán.
Đến nay, Chương trình kích cầu du lịch nội địa với kỳ vọng cứu vãn tình thế cũng vừa chính thức tuyên bố dừng vì nhiều điểm đến đóng cửa, cơ sở lưu trú không đón khách, điểm vui chơi ngừng hoạt động. Đáng nói, người dân địa phương ở nhiều vùng du lịch lại có thái độ “kỳ thị” đối với du khách…
Từ nỗi buồn doanh nghiệp…
Hiện các tỉnh tham gia chương trình kích cầu như Gia Lai, Bình Định, Phú Yên… đã thông báo đóng cửa các điểm thăm quan từ ngày 13/3. Cụ thể, Bình Định không cho khách ra đảo Cù Lao Xanh; Phú Yên đóng cửa tất cả di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; Gia Lai dừng hoạt động thăm quan thủy điện Yaly…
Ngoài ra, Hội An dừng cho khách thăm quan phố cổ, Ninh Bình dừng đó khách đến các điểm du lịch, Đồng Tháp cũng dừng tiếp đón khách là người nước ngoài, An Giang và Tiền Giang cùng tạm dừng nhận khách ngoại…
Việc đồng loạt “đóng cửa” này khiến nhiều công ty du lịch có khách đi Côn Đảo trung tuần tháng Ba gần như “ngồi trên đống lửa” và trở tay không kịp. Họ gần như phải theo dõi tình hình 24/24 giờ với nhau để tìm điểm thay thế còn “mở cửa” lên lịch trình cho khách.
Trong vài nhóm kín của các doanh nghiệp lữ hành, nửa đêm về sáng mọi người vẫn không ngừng trao đổi, cập nhật tin tức liên quan tới xuất nhập cảnh và thực tế các địa phương, như hỏi nhau: “Phú Quốc có đón khách không để chuyển qua vì Côn Đảo đã tạm dừng đón khách ở các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh?…”
Giám đốc một doanh nghiệp rầu rĩ cho biết đã phải xoay như chong chóng để tìm điểm tham quan mới cho khách châu Âu đi Mai Châu, Hạ Long tuần qua. Sau khi chốt chuyển sang Ninh Bình thì anh nhận “hung tin” địa phương này từ chối nhận khách ở Tràng An, Thung Nham, Tam Cốc… từ ngày 13/3. Khách đến đây chỉ có thể đi đạp xe, thăm thú các làng quê.
Không khí ảm đạm không chỉ diễn ra ở những nơi thường ngày là điểm đến ưa thích của du khách, mà còn phủ lên cả những dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động du lịch. Các khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển… gần như đóng băng. Trong khi các khách sạn nhiều sao hoạt động cầm chừng thì rất nhiều các khách sạn, nhà nghỉ trong khu vực phố cổ phải đóng cửa vì không có khách.
Một giám đốc chuỗi khách sạn quy mô nhỏ trăm phòng ở Tạ Hiện, Hà Nội cho hay chị đã phải đóng cửa vì không có khách và không gánh nổi số tiền chi cho thuê nhà, trả lương nhân viên hàng tháng. “Tôi về quê nghỉ ngơi cả tuần nay rồi và tình hình dịch bệnh thế này chưa biết sẽ tính sao,” vị này thở dài nói.
Bởi theo chị, muốn đủ chi phí cho khách sạn hoạt động, công suất phòng phải đạt 70%, còn lại được xem là lợi nhuận. Không đạt công suất phòng đó thì phải chấp nhận bù lỗ cho các khoản chi phí vận hành bắt buộc như điện nước, nhân sự… Nếu bù lỗ kéo dài thì doanh nghiệp khó có thể tiếp tục.
…đến nỗi sợ gặp người lạ
Có một thực tế là hiện nay nhiều cơ sở lưu trú từ chối tiếp nhận khách nước ngoài, khách đến từ cùng dịch. Điều này khiến các doanh nghiệp du lịch thật chật vật và mệt mỏi do phải “liệu cơm gắp mắm,” liên tục thay đổi chương trình cho khách trong tâm thế vô cùng bị động.
Rất nhiều du khách nước ngoài cũng vì thế mà lâm cảnh dở khóc dở cười khi đi không được, ở chẳng xong vì người dân nhiều địa phương giờ thấy khách Tây là lắc đầu không tiếp. Công ty du lịch đối diện với khách không biết giải thích sao cho khách hiểu và cảm thông.
Đại diện các đơn vị lữ hành cho rằng những biểu hiện, hành vi kỳ thị khách như vậy sẽ ảnh hưởng xấu tới hình ảnh điểm đến vốn được mệnh danh an toàn và thân thiện của Việt Nam. Hậu họa thật khôn lường.
Song, nói kỳ thị cũng có phần hơi quá, bởi đúng là có những nỗi sợ mơ hồ mà người làm dịch vụ bản địa đang gặp phải khi nhìn thấy “người lạ,” được tính bao gồm cả khách nước ngoài lẫn người Việt đến từ các vùng khác.
Người làm dịch vụ thời điểm này đâu đâu cũng gặp khó, họ “thèm” khách lắm chứ. Nhưng dù vậy cái họ cần hơn vẫn là an toàn, không chỉ là an toàn cho bản thân mà còn cho cả gia đình và những người sống quanh mình. Nên có lẽ cực chẳng đã họ mới phải bất lịch sự khi “né” du khách, để rồi được hiểu là sự “kỳ thị.”
Ngược lại, du khách châu Âu thời gian qua vẫn đến Việt Nam từ các vùng có nguy cơ lây nhiễm và thực tế cho thấy nhiều người đã mang mầm bệnh đến Việt Nam. Đáng buồn là hầu hết không đeo khẩu trang và theo lịch trình du lịch họ đi khắp nơi. Sự hồn nhiên ấy vô tình đã gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân Việt.
Bởi vậy, cũng khó trách người dân hay dịch vụ buộc lòng không thể đón tiếp, nhất là khi các địa phương gần như đã đồng loạt ban hành các văn bản cấm khách tham quan. Chỉ có điều, chính quyền cũng cần tính phương án có nơi cư trú cho khách cơ nhỡ, những người mà chắc chắn họ cũng không muốn lây lan bệnh cho cộng đồng./.
Ý kiến ()