LSO- Tại buổi hội thảo chiều 30/12/2011 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, các chuyên gia kinh tế cao cấp của Việt Nam đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ cho các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay: “Tái cấu trúc hay là chết” Gốm sứ Hưng Thịnh tham gia hội chợ hàng Việt năm 2011 Ảnh: TRÚC LAMTiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: “Bước sang năm 2012, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tình hình suy thoái, tăng trưởng thấp, nợ công khiến các nền kinh tế và các khu vực kinh tế bị tổn thương nặng, khả năng và dấu hiệu phục hồi chậm. Việt Nam đã gia nhập WTO được 5 năm, các doanh nghiệp cần đặt mình vào bối cảnh toàn cầu, tư duy toàn cầu, bám sát các chủ trương điều hành nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ để chủ động xây dựng phương án ứng phó với những rủi ro và diễn biến khó lường”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam,...
LSO- Tại buổi hội thảo chiều 30/12/2011 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, các chuyên gia kinh tế cao cấp của Việt Nam đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ cho các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay: “Tái cấu trúc hay là chết”
Gốm sứ Hưng Thịnh tham gia hội chợ hàng Việt năm 2011 Ảnh: TRÚC LAM
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: “Bước sang năm 2012, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tình hình suy thoái, tăng trưởng thấp, nợ công khiến các nền kinh tế và các khu vực kinh tế bị tổn thương nặng, khả năng và dấu hiệu phục hồi chậm. Việt Nam đã gia nhập WTO được 5 năm, các doanh nghiệp cần đặt mình vào bối cảnh toàn cầu, tư duy toàn cầu, bám sát các chủ trương điều hành nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ để chủ động xây dựng phương án ứng phó với những rủi ro và diễn biến khó lường”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thương mại đưa ra thông điệp: “Hiện nay nhà nước và Chính phủ đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đây là những chính sách điều hành mang tính chất vĩ mô, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cần coi đây là một cơ hội để tự xác định lại vị trí, thế đứng của mình trong nền kinh tế để từ đó đưa ra các phương án tái cấu trúc ở tầm vi mô, quyết tâm cải tổ doanh nghiệp, đặc biệt là trong công tác quản trị”. Ông Nam cảnh báo các doanh nghiệp tại Lạng Sơn không nên cho rằng do mình có quy mô vừa và nhỏ thì không cần thiết phải tái cấu trúc, không cần thiết phải thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, không cần thiết phải nhìn nhận lại thị trường. Tư duy như vậy là tự đặt mình ra khỏi bối cảnh chung, mù mờ trước thách thức, điều này dễ dẫn đến việc doanh nghiệp bị cuốn vào vòng suy thoái. Ông Nam khẳng định:“Tuy không quá bi quan về bối cảnh nền kinh tế trong năm 2012, nhưng các doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện việc tái cấu trúc, bởi đó là cách hiệu quả nhất vượt qua khó khăn đồng thời chuyển thách thức thành cơ hội.”Tại hội thảo, nhiều chủ doanh nghiệp cũng thẳng thắn thừa nhận: một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp gặp khó hiện nay chính là việc chưa chuyên nghiệp trong công tác quản trị. Nếu nền kinh tế phát triển theo hướng thuận thì bất cập trên ít được bộc lộ, tuy nhiên khi nền kinh tế có những diễn biến bất thường thì việc quản trị bộ máy và chèo lái doanh nghiệp ngay lập tức gặp khó. Có những chủ doanh nghiệp thừa nhận, đã lâu rồi họ không dám rời khỏi công ty quá 2 ngày, mọi việc của cả một bộ máy dường như chỉ dồn vào giám đốc, từ công tác kế toán, thuế, tài chính, giám sát sản xuất, kinh doanh, đối ngoại, tín dụng…Về vấn đề này, ông Doanh chia sẻ: Những chủ doanh nghiệp như vậy thường ít có thời gian và tâm trí để xây dựng cho doanh nghiệp mình một chiến lược sản xuất, kinh doanh lâu dài và hiệu quả. Vấn đề nghiêm trọng hơn là anh không để tâm vào việc thực hiện những cải tổ cho phù hợp với diễn biến của nền kinh tế, trong khi đó các doanh nghiệp có hệ thống và phương pháp quản trị tốt thì người ta cải tổ, đổi mới, sắp xếp lại rất nhanh. Dần dà, mô hình của anh sẽ không còn phù hợp, tụt hậu và hậu qủa là bị thải loại. Đây là vấn đề không chỉ xảy ra với Lạng Sơn, trong số hơn 50 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước phải dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản năm vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp đã đi theo vết xe ấy…
Công nhân Công ty TNHH gốm sứ Hưng Thịnh hoàn thiện sản phẩm
Ông Doanh đưa ra một số gợi ý: vấn đề của tái cơ cấu là ở chỗ người chủ doanh nghiệp cần có những cải cách mạnh mẽ trong chính tư duy sản xuất, kinh doanh, trong định hướng phát triển và trong công tác quản trị. Trước hết cần xác định: Khó khăn chính là cơ hội để cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp cần bắt tay ngay vào việc thực hiện tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả và vận dụng khoa học, công nghệ mới, đánh giá đúng cơ hội và thách thức của năm 2012 để có quyết tâm vươn lên. Chủ động nắm bắt thông tin, tiếp tục điều chỉnh sản phẩm, thị trường phù hợp với nhu cầu hiện nay. Bên cạnh đó cần tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết để giảm chi phí sản xuất (cùng sử dụng địa điểm, vận tải, trang thiết bị…); tiết giảm nhu cầu vốn, khai thác tốt thị trường nông thôn nhiều tiềm năng; tích cực áp dụng công nghệ thông tin để cắt giảm chi phí hành chính… Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia hoạt động của các hội, hiệp hội để bảo vệ lợi ích của mình, tránh rơi vào tình trạng đơn độc trong khó khăn. Việc cải tổ và cơ cấu lại rất cần có quyết tâm. Muốn thoát khỏi khó khăn, vươn lên nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp cần chấp nhận phẫu thuật, chịu đau để mạnh hơn.
Trúc Lam
Ý kiến ()