Doanh nghiệp mong sớm tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất
Doanh nghiệp đang khởi động lại sản xuất, kinh doanh sau hai năm chống chịu với đại dịch Covid-19, nếu được tiếp cận vốn vay, nhất là nguồn vốn rẻ được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ là “liều thuốc bổ” để đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Quý I/2022, “cỗ máy tăng trưởng” của nền kinh tế là khu vực doanh nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ nhờ tác động tích cực từ việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Nỗi niềm bị phân biệt đối xử
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch Covid-19 bùng phát, thể hiện ở mức tăng kỷ lục về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp tái gia nhập thị trường. Cụ thể, quý I/2022, cả nước có 60.178 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng gấp 1,5 lần so trung bình quý I của giai đoạn 2017-2021 và tăng 36,7% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể giảm 16,7% so cùng kỳ và giảm ở tất cả 17 ngành kinh doanh chính. Sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thể hiện tinh thần kinh doanh mãnh liệt của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cho thấy nhiều cơ hội kinh doanh mới đã và sẽ xuất hiện. Song khó khăn vẫn còn rất nhiều ở chặng đường phía trước.
Giám đốc một công ty du lịch cho biết, trong suốt hai năm chống chịu với dịch Covid-19, doanh nghiệp lữ hành được mặc định xếp vào nhóm rủi ro cao, không được ngân hàng thương mại duyệt hồ sơ cho vay vốn lưu động ngay cả khi có tài sản thế chấp. Do đó, ông phải làm hồ sơ vay sửa chữa nhà ở, chấp nhận lãi suất cao để đáp ứng được điều kiện cấp tín dụng, sau đó lấy tiền trang trải cho các chi phí của doanh nghiệp. Không chỉ khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ cũng thiệt thòi cả về tiếp cận cơ hội đầu tư kinh doanh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân, phản ánh, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam (hơn 96%) nhưng lại bị phân biệt đối xử, không được chào đón như đối với doanh nghiệp lớn. Nhiều lần, ông đại diện Hiệp hội gửi văn bản đề nghị làm việc với các địa phương để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư nhưng không được phúc đáp. Liên hệ qua điện thoại để hẹn làm việc với một số bộ, ngành về các thủ tục liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp thì bị cáo bận, không tiếp, dù đang trong giờ hành chính.
Xu hướng là các địa phương nhỏ thường tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn các địa phương lớn chỉ nhiệt tình đón tiếp các doanh nghiệp quy mô lớn. “Gần đây tôi dẫn đoàn doanh nghiệp vào làm việc tại tỉnh Gia Lai. Tuy không hề quen biết trước nhưng vẫn được lãnh đạo tỉnh bố trí buổi họp với đoàn để trực tiếp trả lời những vấn đề trong thẩm quyền. Doanh nghiệp rất phấn khởi không chỉ vì mở ra các cơ hội hợp tác, đầu tư trong tương lai mà cơ bản là chúng tôi cảm thấy được tôn trọng. Thực tế này cho thấy, cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ nằm ở các giải pháp giảm giấy tờ, thủ tục mà còn phải tập trung vào vấn đề nhân sự. Nếu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và những người trong bộ máy công quyền năng động, gần gũi và có trách nhiệm với hoạt động của doanh nghiệp thì ở đó mới thật sự có cải cách”, ông Nguyễn Văn Thân nói.
Vốn rẻ chưa đến tay đã lo tăng lãi suất
Theo TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nếu triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ có tác dụng thúc đẩy GDP tăng trưởng thêm từ 1,5 đến 2 điểm phẩn trăm trong hai năm tiếp theo. Một trong những cấu phần quan trọng của Chương trình là ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi. Gói cấp bù lãi suất được thực hiện trong một số ngành, lĩnh vực như hàng không, vận tải, kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính…
Tuy nhiên, gói cấp bù lãi suất vẫn chưa đến được các đối tượng thụ hưởng trong khi nhiều cấu phần của Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội đã được triển khai rốt ráo, đem lại hiệu quả tích cực về phục hồi kinh tế. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, vốn rẻ chưa đến tay nhưng lãi suất huy động đã nhấp nhổm tăng từ cuối quý I/2022 do sức ép lạm phát và ngân hàng cạnh tranh thu hút vốn từ kênh chứng khoán, bất động sản. Nhiều ngân hàng thương mại đã công bố tăng lãi suất huy động từ 0,1% đến 0,5%/năm. Một số ngân hàng cũng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, khiến các doanh nghiệp thêm khó khăn vì bị bồi thêm áp lực tăng chi phí đầu vào, từ giá nguyên vật liệu, xăng dầu, logistics, nhân công đến giá vốn.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cần sớm được khởi động để không làm mất cơ hội phục hồi tốt nhất cho đối tượng thụ hưởng chính sách. Trong hoàn cảnh bất thường cần có chính sách bất thường, nhìn vào cơ hội phục hồi, phát triển của nền kinh tế để xây dựng chính sách thay vì nhìn vào rủi ro. Hiện tại nhiều doanh nghiệp đang khởi động lại sau hai năm tạm đóng cửa hoặc giảm quy mô do tác động của đại dịch Covid-19, tài sản đã hư hỏng xuống cấp, lao động “rơi rụng” nhiều, nếu được tiếp cận vốn vay, nhất là vốn rẻ được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ là liều thuốc bổ để nhanh phục hồi. Ngân hàng nhà nước cần kiểm soát chặt nguồn cung tiền, đặc biệt là bảo đảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên ở mức thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()