Doanh nghiệp lo lắng sức mua thị trường Tết
Khách hàng lựa chọn hàng hóa trong hệ thống cửa hàng của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Ảnh: TRẦN HẢI HÀ HOA Dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán được coi là cơ hội làm ăn lớn nhất trong năm của không ít doanh nghiệp (DN) thương mại. Tuy nhiên, năm nay tình hình kinh tế khó khăn, sức mua trên thị trường sụt giảm, nhiều DN tỏ ra khá dè dặt, thận trọng trong việc chuẩn bị hàng Tết.Khó khăn trên buộc các DN phải xoay xở, tính toán, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, tổ chức lại hệ thống phân phối, hình thức bán hàng... nhằm tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.Dè dặt chuẩn bị hàng Tết"Cả năm trông chờ mỗi dịp Tết nhưng chắc năm nay sẽ không được như vậy. Cứ nhìn vào dịp lễ Nô-en vừa rồi thì thấy doanh số bán hàng của chúng tôi hầu như không tăng, khác hẳn so với những năm trước", Phó Tổng Giám đốc thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng nói với chúng tôi. Nhu cầu mua sắm dịp Tết mọi năm thường tăng...
Khách hàng lựa chọn hàng hóa trong hệ thống cửa hàng của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Ảnh: TRẦN HẢI HÀ HOA |
Khó khăn trên buộc các DN phải xoay xở, tính toán, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, tổ chức lại hệ thống phân phối, hình thức bán hàng… nhằm tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.
Dè dặt chuẩn bị hàng Tết
“Cả năm trông chờ mỗi dịp Tết nhưng chắc năm nay sẽ không được như vậy. Cứ nhìn vào dịp lễ Nô-en vừa rồi thì thấy doanh số bán hàng của chúng tôi hầu như không tăng, khác hẳn so với những năm trước”, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng nói với chúng tôi. Nhu cầu mua sắm dịp Tết mọi năm thường tăng từ 20% đến 30%, nhưng có lẽ năm nay khó có thể tăng mạnh.
Chính việc dự báo thị trường Tết sẽ không mấy khả quan như vậy, nên năm nay Hapro cũng chỉ chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa, dịch vụ khoảng 996 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, trong đó có khoảng 1.200 tấn gạo, 690 tấn thịt, 2.700 tấn thực phẩm chế biến, 1.000 tấn rau, củ, quả… Ngoài ra, Hapro còn tập trung vào một số sản phẩm chính như hải sản, bánh kẹo, giải khát, quà tặng, đồ gia dụng, thời trang, điện máy…
Giống như Hapro, năm nay sản lượng hàng Tết của Công ty cổ phần thực phẩm Hữu Nghị cũng chỉ tăng từ 5% đến 15% so với năm trước tùy theo từng chủng loại. Chẳng hạn như hàng bánh kẹo gói chỉ tăng 5%, bánh kẹo hộp tăng 8%, mứt Tết tăng 15%… Riêng mặt hàng mứt Tết năm nay tăng cao là do công ty ký được hợp đồng với nhiều cơ quan, DN mua suất quà Tết. Đây là một trong những kênh bán hàng mà công ty tập trung đẩy mạnh khai thác vì “bán gọn, thu gọn”. Phó Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Hữu Nghị Nguyễn Minh Đức cho biết, do sức mua giảm, người dân không có nhiều tiền để mua sắm Tết nên công ty cũng không dám chuẩn bị lượng hàng Tết quá nhiều. Hơn nữa, công ty buộc phải cho các đơn vị lấy hàng được trả chậm nên rủi ro kinh doanh cũng không hề nhỏ.
Tại Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), tổng giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ cho ba tháng trước, trong và sau Tết ước đạt khoảng 1.100 tỷ đồng, tăng từ 10% đến 15% so với cùng kỳ năm trước và đến nay Vissan đã hoàn tất công tác chuẩn bị, dự trữ hàng hóa. Bên cạnh lượng hàng đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty cũng đang tồn kho khoảng 3.000 tấn thịt lợn, 200 tấn thịt trâu, bò nguyên liệu, 670 tấn thành phẩm thực phẩm chế biến các loại, ước tính tổng giá trị tồn kho khoảng 400 tỷ đồng. Tổng Giám đốc Vissan Văn Đức Mười nhận định, Tết Quý Tỵ sức mua khó có thể tăng mạnh nên nhà sản xuất cần tổ chức tốt việc phân phối mới mong được kết quả kinh doanh khả quan.
Cùng nhận định sức mua dịp Tết năm nay khó tăng mạnh nhưng Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt vẫn kỳ vọng có thể tranh thủ khai thác thị trường dịp này. Ngay từ đầu quý IV-2012, Tổng công ty đã triển khai sản xuất hơn 30 mẫu sản phẩm mới với đủ các chủng loại sản phẩm từ sơ-mi, quần âu, bộ veston, váy dành cho nữ với nhiều mức giá đa dạng, phù hợp với từng phân khúc thị trường, từ phổ thông, thu nhập trung bình, khá cho đến cao cấp.
Xoay xở để thích nghi
Phó Tổng Giám đốc thường trực Hapro Nguyễn Tiến Vượng cho rằng, cái khó lớn nhất với DN chính là dự báo chính xác được nhu cầu thị trường Tết để dự trữ hàng hóa một cách hợp lý, nhất là với các mặt hàng thực phẩm chế biến đều có thời hạn sử dụng, không thể để tồn kho lâu được. Trong bối cảnh DN khó khăn hiện nay, lượng hàng tồn kho của nhiều DN vẫn còn lớn, nếu dự báo thị trường không chính xác, DN có thể bị trả giá “rất đắt”. Năm 2012, tổng doanh thu của Hapro chỉ đạt tương đương mức năm ngoái, nhất là doanh thu từ thị trường trong nước không hề tăng nên năm nay, DN chỉ trông chờ vào dịp Tết này. Vì vậy, Hapro cố gắng tìm mọi nguồn thu, song do sức mua trên thị trường thấp nên DN không thể tăng giá bán, chỉ còn cách đẩy mạnh bán hàng qua tất cả các kênh phân phối, tăng sản lượng tiêu thụ. Bên cạnh hệ thống bán lẻ cố định, từ ngày 26-1-2013, đơn vị này sẽ tổ chức 300 gian hàng ngoài trời theo mô hình quầy hàng Tết tại các quận, huyện, khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn TP Hà Nội. Ngoài ra, Hapro còn tổ chức các điểm kinh doanh theo mô hình “Chợ Tết”, với sáu Chợ Tết có quy mô từ 1.000 m2 đến 3.000 m2 tại các huyện ngoại thành của Hà Nội. Hình thức bán hàng lưu động cũng được Hapro đẩy mạnh với 45 chuyến bán hàng lưu động thực phẩm tươi sống, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá tại các chợ dân sinh, nơi tập trung dân cư đông đúc…
Với Công ty cổ phần thực phẩm Hữu Nghị, dự báo thị trường năm nay sức mua giảm nên đơn vị chủ động cơ cấu lại sản phẩm theo hướng có thêm nhiều sản phẩm bình dân, có giá bán phù hợp với đông đảo người dân, trong đó chú trọng thiết kế sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng như sản phẩm để biếu tặng thì thiết kế trang trọng, bắt mắt; sản phẩm để ăn thì đóng gói gọn nhẹ; sản phẩm để thờ cúng thì bên trong sản phẩm chia thành nhiều gói nhỏ… Bên cạnh đó, sản phẩm được đóng gói trọng lượng nhỏ hơn nên giá bán thấp hơn nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng có thu nhập thấp, trung bình. Năm nay, giá bán bình quân các sản phẩm hàng Tết của Hữu Nghị tăng 4% so với năm trước, loại mứt Tết dao động từ 36 nghìn đồng đến 60 nghìn đồng/hộp; bánh giá từ 26 nghìn đồng tới 94 nghìn đồng/hộp. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện co gọn nhãn sản phẩm, chỉ còn 15 nhãn sản phẩm, thay vì hơn 40 nhãn sản phẩm như năm trước, trong đó chọn từ một đến hai nhãn sản phẩm để tập trung vào từng phân khúc thị trường. Cách làm mới này giúp công ty vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa tăng năng suất lao động.
“Trong bối cảnh sức mua yếu, chúng tôi phải tìm mọi cách để sản phẩm của mình dễ dàng đến với người tiêu dùng nhất, từ đó kích thích người dân mua sắm. Muốn làm được điều đó, DN buộc phải tổ chức, sắp xếp lại hệ thống phân phối sản phẩm”, Phó Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Hữu Nghị Nguyễn Minh Đức chia sẻ. Bên cạnh việc đẩy mạnh kênh bán hàng trực tiếp (bán thẳng cho các cơ quan, đơn vị), công ty cũng tập trung phát triển kênh bán hàng truyền thống (thông qua các đại lý, cửa hàng) đồng thời mở thêm các quầy bán hàng trực tiếp trên các tuyến phố. Đây là kênh bán hàng hiện chiếm tới 70% tổng sản lượng tiêu thụ của công ty. Đối với kênh bán hàng hiện đại, công ty tập trung đưa hàng vào các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Tuy nhiên, chi phí đưa hàng vào một số siêu thị, nhất là các siêu thị của DN nước ngoài là rất lớn, trước đây mỗi một mã sản phẩm đưa vào siêu thị chỉ mất từ ba đến năm triệu đồng, nay đã lên đến từ năm đến tám triệu đồng, thậm chí có siêu thị đòi 12 triệu đồng/mã sản phẩm, chưa kể, nếu ở vị trí đẹp trong siêu thị (thuê đầu kệ, line 3) thì giá còn đắt hơn. Trong khi đó, DN sản xuất trong nước tiềm lực tài chính mỏng nên càng khó có thể đưa hàng vào siêu thị. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm bánh kẹo trong nước thường bị các hàng nhập khẩu lấn át tại nhiều siêu thị.
Không chỉ đối mặt với sức mua sụt giảm, không ít DN dịp Tết này còn phải chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt với hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu đang ồ ạt tràn vào thị trường. Chính vì thế, bên cạnh nỗ lực của DN, Nhà nước cần quản lý tốt thị trường thì mới có thể bảo vệ sản xuất trong nước. Đây cũng chính là cách tốt nhất để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn cũng như có thể chiếm lĩnh thị trường Tết năm nay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()