Doanh nghiệp Lạng Sơn: Xây dựng, phát triển văn hoá doanh nghiệp
– Cùng với việc nghiên cứu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, trong 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp của tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm xây dựng văn hoá doanh nghiệp (VHDN). Từ đó, tạo sự gắn kết giữa chủ doanh nghiệp với người lao động; doanh nghiệp với đối tác, khách hàng; thực hiện trách nhiệm xã hội… tạo giá trị thương hiệu, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Lạng Sơn cho rằng: Trong xu hướng liên kết, toàn cầu hóa hiện nay, mỗi người doanh nhân, doanh nghiệp cần phải xây dựng nền tảng VHDN mang bản sắc riêng của mình. Thực tế xây dựng VHDN là một vấn đề rất khó, đó là tài sản vô hình, khó nhìn thấy nhưng lại mang những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Nếu nói năng lực sản xuất, kinh doanh là yếu tố “cần”, thì VHDN là yếu tố “đủ” để mỗi doanh nghiệp phát triển bền vững, có sức cạnh tranh lâu dài. Mối quan hệ trong VHDN bao trùm hoạt động của bất cứ doanh nghiệp nào. Đó là văn hoá giữa chủ doanh nghiệp với người lao động, giữa doanh nghiệp với đối tác, khách hàng và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội… Nó không chỉ giúp doanh nghiệp tăng lên về doanh thu, lợi nhuận, mà còn tăng lên về uy tín, thương hiệu và trách nhiệm xã hội.
Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Việt Bắc sản xuất đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh
Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật (DKBike Việt Nhật) là một trong những doanh nghiệp của tỉnh Lạng Sơn có chiến lược xây dựng VHDN rõ ràng và mang lại hiệu quả.
Bà Bùi Thị Bích Đào, Giám đốc Công ty chia sẻ: Văn hóa doanh nghiệp mà DKBike Việt Nhật đã, đang xây dựng và hiện có mang tính thống nhất cao, từ logo, nhãn hiệu và khẩu hiệu của công ty. Đội ngũ nhân viên, người lao động trước khi được tuyển dụng đều được huấn luyện, trang bị kiến thức đầy đủ để tạo nhận thức đúng, đủ về tác phong làm việc nghiêm túc với các quy định, phong cách, đồng phục làm việc gọn gàng. Thái độ làm việc của mỗi nhân viên, mỗi vị trí việc làm phải thân thiện, nhiệt tình và tâm huyết. Trong hoạt động sản xuất cũng như xây dựng VHDN, chúng tôi kiên định quy tắc: “Thành tâm, tận lực, trí tuệ, trung tín, tự tin, tự hào và tri ân” nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “hợp tác để thành công, chuyển đổi tạo bứt phá”. Trong ứng xử với đối tác, chúng tôi thực hiện nguyên tắc không phàn nàn, luôn nói lời cảm ơn để tạo môi trường thân thiện và hợp tác xung quanh mình…
Để có được điều đó, DKBike Việt Nhật đã phải mất nhiều năm xây dựng dựa trên những ý tưởng và kế hoạch chi tiết khả thi và được thực hiện nghiêm túc trong toàn hệ thống. VHDN phải là chiến lược cần thực hiện lâu dài, liên tục, xuyên suốt ở bất cứ công đoạn nào, từ lãnh đạo, lập kế hoạch, tổ chức sản xuất, cải tiến sản phẩm đến thống kê số liệu, kinh doanh, hỗ trợ đại lý, chăm sóc khách hàng… VHDN mang lại những giá trị chỉ có thể cảm nhận chứ rất khó nhìn thấy, cân đo. Nó giống như sợi dây vô hình kết nối tới từng người trong tập thể, thúc đẩy họ hoàn thành phần việc của mình để vận hành được một bộ máy lớn có năng xuất chất lượng cao nhất. Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, công ty vẫn duy trì việc làm ổn định cho 150 lao động, thu nhập bình quân đạt 11 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ DKBike Việt Nhật, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn cũng là doanh nghiệp điển hình trong các doanh nghiệp thành viên của HHDN tỉnh về thực hiện, hoàn thiện bộ quy chuẩn xây dựng VHDN mang bản sắc riêng của mình.
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh ủng hộ tiền và hiện vật cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại huyện Văn Lãng
Trong đó, công ty chú trọng xây dựng chuẩn mực về quy tắc trong giao tiếp, ứng xử, tác phong tại nơi làm việc gắn với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, đội ngũ cán bộ và lãnh đạo luôn thực hiện nghiêm túc về kỷ luật lao động; đề cao tinh thần trách nhiệm; không phát ngôn những vấn đề không rõ ràng; góp ý xây dựng hệ thống quy định của công ty, kịp thời điều chỉnh những điểm chưa hợp lý hoặc không phù hợp… Mục tiêu hướng đến là xây dựng môi trường làm việc năng động có tính tương tác cao nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo hướng chất lượng hiệu quả.
Ông Phương Mạnh Hào, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Từ năm 2020 đến nay, khi công ty bắt tay xây dựng VHDN mang bản sắc riêng và áp dụng trong toàn hệ thống đã có tác động rõ nét. Với việc xây dựng khung năng lực, bộ chỉ số đánh giá hiệu quả công việc; triển khai chiến dịch “Tôi thay đổi”… Qua đó, không khí làm việc tại công ty ngày càng năng động, hiệu quả hơn. Nhờ xây dựng VHDN, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty giữ được sự ổn định. Kế hoạch tổng doanh thu của doanh nghiệp năm 2021 khoảng 145 tỷ đồng, đến hết 9 tháng khối lượng thực hiện ước đạt 70% kế hoạch. Đội ngũ nhân viên, cán bộ quản lý làm việc chuyên nghiệp và chăm sóc khách hàng tốt hơn.
Đây chỉ là hai trong số hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh xây dựng VHDN của riêng mình từ khối doanh nghiệp đầu tư xây dựng; tài chính ngân hàng; thương mại dịch vụ; xuất, nhập khẩu. Theo thông tin từ HHDN tỉnh, đến nay, trong 600 doanh nghiệp hội viên, trên 50% số hội viên đã và đang xây dựng VHDN. Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch HHDN tỉnh cho biết: Từ năm 2016 đến nay, hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng VHDN do Thủ tướng Chính phủ phát động, HHDN tỉnh luôn khuyến khích hội viên tích cực tham gia cuộc vận động. Theo đó, hiệp hội đã phát động nội dung này tới toàn thể hội viên; vận động hội viên tham gia các phong trào an sinh xã hội trong và ngoài tỉnh; tích cực phối hợp với các đơn vị đào tạo mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản trị, trong đó có nội dung xây dựng VHDN; tổ chức gặp mặt giữa doanh nghiệp trong các khối, ngành để hội viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm phát triển VHDN… Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục triển khai những nội dung trên, chúng tôi sẽ nghiên cứu, phát triển nội dung xây dựng VHDN thành chuyên đề, có tài liệu gửi hội viên tham khảo, học tập để họ chủ động cùng tham gia xây dựng VHDN. Từ đó, gia tăng khả năng cạnh tranh, hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững, đóng góp cho sự phát triển của hiệp hội và của tỉnh.
Quá trình xây dựng VHDN, các doanh nghiệp luôn đồng hành với tỉnh trong các chương trình xây dựng nông thôn mới, phòng, chống dịch COVID-19 và các phong trào an sinh xã hội. Đơn cử, từ đầu năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp thuộc HHDN tỉnh đã ủng hộ hơn 15 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; 20 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; trên 10 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, ủng hộ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… Những đóng góp của các doanh nghiệp trong thời gian qua đã được các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương ghi nhận, trao tặng bằng khen, giấy khen. Với sự năng động, sáng tạo và có trách nhiệm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục quan tâm, xây dựng VHDN, hướng tới sự phát triển bền vững, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh phát triển khá ổn định. Theo đó, có gần 2.700 doanh nghiệp có phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh, với tổng doanh thu trên 32.300 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020; giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động, tạo thêm việc làm mới cho gần 2.000 lao động với thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng… |
Đồng chí Nông Lương Chấn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
“Trong quá trình xây dựng, phát triển VHDN, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp lớn cho cộng đồng. Mỗi năm, cộng đồng doanh nghiệp thông qua nhiều kênh, trong đó có MTTQ, đã trao tặng những ngôi nhà tình nghĩa, gửi hàng ngàn suất quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh và đồng bào trên cả nước. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng các doanh nghiệp vẫn vừa sản xuất kinh doanh, phòng, chống dịch trong đơn vị, vừa ủng hộ cho công tác chống dịch của tỉnh, tổng giá trị tiền và hiện vật thông qua MTTQ để ủng hộ được trên 13 tỷ đồng. Mong rằng trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh tiếp tục có định hướng phát triển bền vững, xây dựng VHDN vừa có nét độc đáo của từng đơn vị, nhưng cũng có nét chung vì công tác an sinh xã hội của tỉnh Lạng Sơn.”
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn (Vietcombank Lạng Sơn)
“VHDN tại Vietcombank Lạng Sơn được xây dựng trên cơ sở kế thừa từ hệ thống trên cả nước, bổ sung phù hợp với tính chất cán bộ, nhân viên, người lao động trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Việc xây dựng VHDN được Vietcombank Lạng Sơn xác định có ý nghĩa hàng đầu trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số. Điều này giúp hình ảnh, thương hiệu, Vietcombank ngày càng lan toả, tạo niềm tin cho khách hàng. Bên cạnh việc phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra lợi nhuận chúng tôi còn tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương. Trong 9 tháng năm 2021, Vietcombank Lạng Sơn đã đóng góp hơn 3,3 tỷ đồng cho tỉnh Lạng Sơn thực hiện các chương trình an sinh xã hội như: phòng, chống dịch COVID-19, tặng học bổng cho các em học sinh nghèo, tặng quà cho các hộ nghèo; xây dựng nhà ở cho hộ nghèo…Trong thời gian tới, Vietcombank Lạng Sơn tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh việc thực hiện VHDN trong mọi bộ phận, từ lãnh đạo đến nhân viên; trong mọi hoạt động, từ quản lý đến chăm sóc khách hàng, tham gia công tác an sinh xã hội…”
TRANG NINH - THANH PHONG
Ý kiến ()