Doanh nghiệp Lạng Sơn: Tích cực tham gia chương trình“Sóng và máy tính cho em”
– Thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động từ tháng 9/2021, các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng. Đến nay, chương trình đã nhận được trên 2,5 tỷ đồng, trong đó có một phần đóng góp đáng kể từ cộng đồng doanh nghiệp.
Sau hơn 2 tháng có văn bản chính thức của Sở Giáo dục và Đào tạo (ngày 11/11/2021) về việc triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đến nay, hơn 1.100 chiếc máy tính mới đã được trao đến tay các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đây là kết quả bước đầu rất đáng khích lệ mà trong đó, các doanh nghiệp Lạng Sơn dù còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã tiên phong, đi đầu thực hiện cuộc vận động.
Đại diện Công ty Cổ phần Hữu nghị Xuân Cương (bên trái) ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” cho UBND thành phố Lạng Sơn
Bà Lê Phương Liên, Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Sau khi ngành giáo dục có văn bản thông tin về việc triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, chúng tôi đã chuyển tiếp văn bản đến các doanh nghiệp thành viên và liên lạc để vận động ủng hộ. Theo số liệu chưa đầy đủ, các doanh nghiệp đã thông qua nhiều kênh để ủng hộ trên 400 triệu đồng. Trong đó, một số đơn vị tham gia ủng hộ nhiều như: Công ty Cổ phần Thương mại Long Thịnh, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lạng Sơn, Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương, Công ty Cổ phần Vận tải Bảo Nguyên, Câu lạc bộ Doanh nhân nữ…
Bà Nguyễn Thị My Hương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương chia sẻ: Việc tham gia các chương trình an sinh xã hội của tỉnh là trách nhiệm chung của doanh nghiệp, được chúng tôi thực hiện thường xuyên hằng năm. Đặc biệt là các chương trình hỗ trợ cho học sinh và ngành giáo dục, trong đó “Sóng và máy tính cho em” là một chương trình có ý nghĩa rất thiết thực. Công ty đã ủng hộ 100 triệu đồng và sẽ cân đối tài chính để có thể tiếp tục ủng hộ thêm cho chương trình trong thời gian tới.
Bên cạnh những khó khăn về thiết bị học tập trực tuyến, hiện nay, tại một số địa phương còn hạn chế về sóng và Internet. Được biết, toàn tỉnh hiện còn 7 trường học trên địa bàn 2 huyện: Đình Lập và Tràng Định chưa được phủ sóng Internet; khoảng 30 xã chưa có đường truyền Internet cáp quang; nhiều thôn, bản thuộc 180 xã hiện chưa có, hoặc có sóng 3G, 4G chưa ổn định…
Để nhanh chóng khắc phục tình trạng trên, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng và tích cực triển khai kế hoạch đưa sóng và Intenet đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đơn cử, đối với Viettel Lạng Sơn, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã triển khai lắp đặt mới hơn 60 trạm thu phát sóng tự động (BTS); khảo sát hơn 150 địa điểm chưa có sóng hoặc sóng yếu tại các thôn, bản để tiếp tục triển khai lắp đặt các trạm phát sóng mới, với mục tiêu trong năm 2022 sẽ lắp đặt mới khoảng 100 trạm BTS…
Hay với VNPT Lạng Sơn, ông Phan Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, VNPT Lạng Sơn cho biết: Trong năm 2022, chúng tôi sẽ tiến hành lắp đặt đường truyền Internet cáp quang trên toàn tỉnh. Đồng thời, đặt mục tiêu trước năm 2025, triển khai việc phủ sóng 3G, 4G tới 100% thôn, bản, đảm bảo tín hiệu sóng ổn định tại tất cả các địa phương.
Bà Hà Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh cho rằng: Sự vào cuộc nhanh chóng của doanh nghiệp để thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa hết sức thiết thực. Hy vọng thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục chung tay đồng hành cùng ngành giáo dục, hỗ trợ các em học sinh khắc phục khó khăn, đảm bảo chất lượng dạy và học trong tình hình mới.
Theo thông tin từ ngành giáo dục, toàn tỉnh hiện vẫn còn trên 30.000 học sinh thiếu thiết bị học tập trực tuyến, do đó, vẫn rất cần các doanh nghiệp tiếp tục chung tay, giúp các em học sinh khó khăn có cơ hội học tập bình đẳng. Đồng thời, chương trình góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục trong thời gian tới
Ý kiến ()