Doanh nghiệp Lạng Sơn: Thụ động trong chuyển giao công nghệ
LSO-Trong giai đoạn hội nhập kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về doanh nghiệp (DN) nào biết ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay, việc chuyển giao công nghệ để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế. Nguyên nhân chính lại là từ phía các doanh nghiệp, họ hoàn toàn thụ động trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới.
Công ty gạch ngói Hợp Thành ứng dụng công nghệ tự động vào sản xuất gạch |
Theo thống kê, hiện tại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng 1.400 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó, chiếm khoảng 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cũng theo báo cáo của nghành công thương tỉnh thì sau giai đoạn khủng hoảng, đã có những tín hiệu hồi phục mang tính tích cực từ phía các doanh nghiệp. Tuy vậy, để có thể bảo đảm tính bền vững trong sản xuất và kinh doanh thì các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình. Để làm được điều đó, điều đầu tiên là các doanh nghiệp phải tiếp nhận và tăng cường ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất. Tuy vậy, theo khảo sát của ngành khoa học, chỉ có hơn 10% số doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn có trình độ công nghệ từ trung bình khá trở lên, số còn lại có rất nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ còn ở mức yếu.
Tại sao lại thấp như vậy? Nguyên nhân rất nhiều. Trước tiên là do lợi nhuận của khối doanh nghiệp này còn thấp nên hạn chế về năng lực tích tụ vốn dành cho đổi mới công nghệ. Nguyên nhân thứ hai là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ tư nhân khó tiếp cận những chính sách hỗ trợ và các chương trình ưu đãi của Chính phủ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gặp khó khăn ngay trong việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, một phần vì thủ tục quá phức tạp và phần khác do doanh nghiệp thiếu thông tin. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa dẫn đến việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ Lạng Sơn thụ động về việc chuyển giao công nghệ là trình độ công nghệ và sáng tạo của doanh nghiệp còn thấp, doanh thu thấp cũng ảnh hưởng đến tốc độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp.
Theo các chuyên viên khoa học, số doanh nghiệp dám đầu tư nghiên cứu, sáng tạo ra công nghệ mới ngay tại công ty trên địa bàn Lạng Sơn hầu như chưa có, phần nhiều là đi mua của đơn vị khác, lắp đặt sau đó chuyển giao. Kết quả của việc mua bán này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực công nghệ của hai bên, đặc biệt là bên nhận chuyển giao công nghệ. Nếu doanh nghiệp không đủ kiến thức để thẩm định thiết bị công nghệ khi được chuyển giao, dễ dẫn đến trường hợp máy móc nhận về gặp trục trặc, hư hỏng hoặc không sử dụng được, phải vứt bỏ. Hợp đồng sơ hở cũng là lỗi mà nhiều doanh nghiệp mắc phải khi soạn thảo và đàm phán. Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng lại không có điều khoản quy định rõ ràng về đào tạo và trợ giúp kỹ thuật nên dễ bị “đuối” khi công nghệ gặp trục trặc kỹ thuật. Những cái thiếu như sự hỗ trợ từ phía đối tác, sự chủ động trong thị trường, nguồn nhân lực có tay nghề và được đào tạo, kỹ năng quản lý… khiến các doanh nghiệp thụ động hoàn toàn khi thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ. Một điểm nữa mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thụ động trong việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đó là, các doanh nghiệp chưa tận dụng việc được chương trình khoa học công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ. Theo lãnh đạo Sở KH&CN, thời gian qua rất ít các doanh nghiệp dám mạnh dạn “đặt hàng” ngành khoa học. Mặc dù Sở KH&CN tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp về ứng dụng khoa học nhưng họ vẫn hoàn toàn thụ động.
Để giải quyết những bất cập này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, ngành chức năng song trước hết, chính doanh nghiệp phải phát huy tính năng động, chủ động hội nhập để tồn tại và phát triển.
Ý kiến ()