LSO-Liên tiếp trong 2 năm 2008 - 2009, các doanh nghiệp Lạng Sơn chịu tác động sâu sắc của lạm phát và suy giảm kinh tế. Theo dõi khối doanh nghiệp vào thời điểm ấy, có thể thấy đó là một cuộc đấu tranh thực sự để tồn tại, phát triển. Bước sang năm 2010, khi tình hình “dễ thở” hơn, những doanh nghiệp khẳng định được bản lĩnh trong gian khó đã khẩn trương bắt tay vào công cuộc tái thiết. Và đến thời điểm này, có thể khẳng định công cuộc ấy bước đầu đã thành công...Trong những trang đánh giá tổng quan về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2010 của hệ thống doanh nghiệp tại Lạng Sơn, có thể nhận thấy những dấu hiệu rất khả quan. Trên bức tranh toàn cảnh doanh nghiệp, những “gam màu tối” lan rộng trong giai đoạn khó khăn đã dần bị thu hẹp, thay vào đó là “khoảng sáng” của sự phục hồi mạnh mẽ. Vào thời điểm nóng nhất của lạm phát và suy giảm kinh tế, có tới gần 50% số doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, giải thể hoặc...
LSO-Liên tiếp trong 2 năm 2008 – 2009, các doanh nghiệp Lạng Sơn chịu tác động sâu sắc của lạm phát và suy giảm kinh tế. Theo dõi khối doanh nghiệp vào thời điểm ấy, có thể thấy đó là một cuộc đấu tranh thực sự để tồn tại, phát triển.
Bước sang năm 2010, khi tình hình “dễ thở” hơn, những doanh nghiệp khẳng định được bản lĩnh trong gian khó đã khẩn trương bắt tay vào công cuộc tái thiết. Và đến thời điểm này, có thể khẳng định công cuộc ấy bước đầu đã thành công…
Trong những trang đánh giá tổng quan về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2010 của hệ thống doanh nghiệp tại Lạng Sơn, có thể nhận thấy những dấu hiệu rất khả quan. Trên bức tranh toàn cảnh doanh nghiệp, những “gam màu tối” lan rộng trong giai đoạn khó khăn đã dần bị thu hẹp, thay vào đó là “khoảng sáng” của sự phục hồi mạnh mẽ. Vào thời điểm nóng nhất của lạm phát và suy giảm kinh tế, có tới gần 50% số doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, giải thể hoặc phá sản. Đến thời điểm này, con số ấy chỉ còn lại khoảng trên dưới 30%. Gần 20% doanh nghiệp thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” có thể được coi như một điều kỳ diệu nếu xét toàn cục về quy mô và năng lực của các doanh nghiệp tại Lạng Sơn. Năm 2010, trên 1.200 doanh nghiệp tại Lạng Sơn đã đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách địa phương, chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu qua địa bàn, tạo việc làm cho gần 2 vạn lao động với mức thu nhập đạt gần 2 triệu đồng/tháng/người. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động xã hội, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
|
Sản xuất gạch xây dựng trên địa bàn huyện Cao lộc Ảnh: Thanh Đàn |
Những kết quả trên không chỉ ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp đối với tỉnh, đó còn là lời khẳng định rằng: Doanh nghiệp Lạng Sơn đang dần vượt qua khó khăn, công cuộc tái thiết sau khủng hoảng đã đem lại những kết quả bước đầu, và quan trọng hơn, đó là sự khẳng định về sức sống mãnh liệt của các doanh nghiệp trong bão tố của thương trường. Các chuyên gia kinh tế đã gọi công cuộc vượt khó, tái thiết sau khủng hoảng là “một dịp tốt” để các doanh nghiệp tự đánh giá lại mình, tìm ra giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, góp phần đưa sự phát triển của doanh nghiệp tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Qua thực tế có thể thấy một số hạn chế, yếu kém của hệ thống doanh nghiệp đang dần trở thành “cố hữu” cần được khắc phục và thay đổi như: Số lượng doanh nghiệp còn ít so với các tỉnh lân cận; khả năng tích tụ, huy động vốn đầu tư còn thấp; công tác quản trị còn nhiều bất cập, kỹ năng ứng phó với các tình huống thị trường chậm, thiếu tư duy và chưa mạnh dạn trong đổi mới; quy mô sản xuất kinh doanh còn nhỏ bé, trình độ công nghệ còn lạc hậu; phần lớn các doanh nghiệp thiếu chiến lược và kế hoạch kinh doanh dài hạn; khả năng hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp chưa cao, các hội và hiệp hội doanh nghiệp hoạt động chưa chuyên nghiệp… Có thể nói, chính việc liên kết lỏng lẻo đã dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp bỏ lửng “sân nhà”, đầu tư manh mún, không đủ khả năng đảm đương những dự án lớn, để tuột mất cơ hội khai thác tiềm năng lợi thế về thương mại, dịch vụ và công nghiệp đang được tỉnh quan tâm đầu tư rất mạnh mẽ. Hiện nay, bình quân vốn kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp dân doanh tại Lạng Sơn chỉ đạt 5 tỉ đồng/doanh nghiệp; doanh thu hàng năm bình quân đạt 10 tỉ đồng, số doanh nghiệp kinh doanh ổn định và có hiệu quả chỉ chiếm khoảng 15 %. Với những số liệu thống kê trên, chỉ một phần nhỏ doanh nghiệp tại Lạng Sơn có khả năng tham gia vào những dự án phát triển lớn như xây dựng các hạng mục thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, các khu, cụm công nghiệp, các dự án phát triển ngành, địa phương… Và sẽ là một điều hết sức đáng tiếc nếu các doanh nghiệp Lạng Sơn vì một số hạn chế, tồn tại mà đành phải “chấp nhận đứng bên lề” những cơ hội phát triển ngay trên chính quê hương.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm, đề ra nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển khu vực miền núi, biên giới phía Bắc. Việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực đã mở ra rất nhiều cơ hội để các doanh nghiệp phát huy lợi thế, tạo bước đột phá trong phát triển. Đứng trước vận hội lớn, tỉnh luôn coi việc phát triển hệ thống doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng yếu, cần quan tâm thường xuyên, liên tục. Các doanh nghiệp Lạng Sơn cũng cần chủ động nắm bắt cơ hội, để từ đó đề ra chiến lược sản xuất, kinh doanh linh hoạt và thực sự phù hợp với triển vọng của giai đoạn mới. Trong đó, trọng tâm là việc tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, đất đai, tài nguyên và nguồn lao động của tỉnh, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, sát cánh cùng với tỉnh trong quá trình xây dựng và phát triển. Để làm tốt được điều đó, hoạt động của hệ thống doanh nghiệp cần hướng tới việc thực hiện mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; bổ sung năng lực sản xuất mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Các doanh nhân, chủ doanh nghiệp phải là những người tiên phong trong việc đổi mới phương thức sản xuất, xây dựng văn hoá kinh doanh, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từng sản phẩm hàng hoá, xứng đáng là lực lượng chủ lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trúc Lam
Ý kiến ()