Doanh nghiệp Lạng Sơn kỳ vọng bứt phá năm 2023
– Sau hơn hai năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Lạng Sơn đã phải chịu nhiều tác động tiêu cực và phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã nhạy bén trong việc chèo lái doanh nghiệp của mình vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành công trong sản xuất kinh doanh năm 2022. Bước sang năm 2023, với tinh thần tự lực tự cường, các doanh nhân Lạng Sơn đã, đang cơ cấu lại doanh nghiệp, tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để phát triển bền vững. Phóng viên Báo Lạng Sơn đã trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn về những mong muốn và kỳ vọng, đồng thời kiến nghị đối với Nhà nước để doanh nghiệp phát triển ổn định, bứt phá trong năm 2023.
Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lạng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: “Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để bứt phá”
Trong năm 2022, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là một trong những nội dung quan trọng chiến lược, đồng thời cũng là giải pháp căn cơ lâu dài để tạo điều kiện thu hút đầu tư cũng như tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp. Do đó, bước sang năm 2023 mặc dù khó khăn thách thức phía trước vẫn còn nhưng cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh cần phải nắm bắt được thời cơ, cơ hội để triển khai các dự án đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, tích cực thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, tạo sự bứt phá. Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, chúng tôi kiến nghị các sở, ngành liên quan tiếp tục tập trung tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp như vấn đề mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thu Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu Hoà An, thành phố Lạng Sơn: “Hoàn thiện cửa khẩu số tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu”
Trong năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã gặp nhiều khó khăn khi tham gia cung ứng các dịch vụ logictics tại cửa khẩu do Trung Quốc thực hiện chính sách zero COVID. Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nền tảng cửa khẩu số để thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động nhiều tính năng trong nền tảng cửa khẩu số còn bất cập. Vì vậy, trong năm 2023, Công ty Hoà An cũng như các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu khác mong muốn Nhà nước tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng ách tắc cục bộ tại cửa khẩu, ưu tiên cho những công ty xuất, nhập khẩu thuộc luồng “siêu xanh” khi tham gia xuất, nhập khẩu. Đặc biệt, các ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện nền tảng cửa khẩu số được thông minh hơn nữa, loại bỏ các giấy tờ, thủ tục không cần thiết và nhanh chóng hoàn thiện ứng dụng cửa khẩu số cho điện thoại thông minh để thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.
Bà Ngọc Thị Quê, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Ngọc Quê, huyện Hữu Lũng: “Đẩy mạnh đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử”
Hiện Lạng Sơn có rất nhiều các sản phẩm nông sản đặc sản chất lượng cao và đã được thị trường và người tiêu dùng đón nhận như: hoa hồi khô, tinh dầu hồi Văn Quan; mật ong hương rừng Xứ Lạng; bột thạch đen Tràng Định; hạt mác ca sấy (Cao Lộc); phía huyện Hữu Lũng, bản thân doanh nghiệp tôi cũng có sản phẩm trà bò khai; nem nướng… Để đưa các sản phẩm OCOP chương trình mỗi xã một sản phẩm của toàn tỉnh nói chung và sản phẩm trà bò khai của công ty nói riêng rất cần các sở, ngành hỗ trợ đưa các sản phẩm đặc sản của tỉnh Lạng Sơn lên sàn giao dịch điện tử phục vụ xuất khẩu. Có như vậy, các đơn vị, cá nhân sản xuất các sản phẩm OCOP mới mở mang kiến thức, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, máy móc thiết bị để sản xuất sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu thị trường. Từ đó, chúng tôi có thêm nhiều bạn hàng không những mở ra cơ hội tiếp tục mở rộng phát triển sản xuất tạo nhiều việc làm, thu nhập cho lao động địa phương mà còn giúp cho các sản phẩm OCOP của tỉnh có bước bứt phá ngoạn mục trong năm 2023.
Bà Nguyễn Kim Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch và Xuất nhập khẩu Lạng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lạng Sơn: “Kiện toàn lại các đơn vị kinh doanh du lịch để phục hồi sau đại dịch”
Dịch COVID-19 diễn ra trong hai năm qua đã tác động tiêu cực đến ngành du lịch cả nước nói chung và du lịch Lạng Sơn nói riêng. Từ tháng 4 năm 2022, dịch bệnh đã được kiểm soát, hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, tuy nhiên các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên việc hồi phục kinh doanh khó khăn và chậm. Bước sang năm 2023, dự báo lượng khách du lịch tăng, cùng với việc Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách zero COVID là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục thị trường. Trên tinh thần đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã định hướng và chỉ đạo các đơn vị hội viên kinh doanh khách sạn, nhà hàng tập trung kiện toàn lại bộ máy, sửa chữa, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, tuyển dụng, đào tạo lại lao động để củng cố nâng cao chất lượng dịch vụ, sẵn sàng phục vụ du khách chu đáo và tốt nhất. Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng và các huyện, thành phố xây dựng, phát triển chương trình du lịch nội địa. Để ngành du lịch, dịch vụ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023 hiệp hội mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm và có những chính sách ưu đãi hỗ trợ đào tạo lao động và đẩy mạnh xúc tiến du lịch trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mai xuất nhập khẩu Khải Lâm thành phố Lạng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Lạng Sơn: “Giảm lãi suất vốn vay từ các ngân hàng để doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch”
Năm 2022 là năm các doanh nghiệp vận tải của tỉnh Lạng Sơn nói chung và bản thân Công ty TNHH Một thành viên Thương mai xuất nhập khẩu Khải Lâm nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải và hàng hoá do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Nhưng với tinh thần tự lực vượt khó công ty đã trụ vững để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ chân người lao động. Hiện tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, công ty mong muốn Nhà nước có các chính sách hỗ trợ về thuế, hạ lãi suất, có nhiều hơn các gói tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; điều chỉnh phí đường bộ và có cơ chế bình ổn về giá nhiên liệu để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất sau đại dịch, tiếp tục tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần cùng tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Lạng Sơn ngày càng giàu mạnh trên chặng đường phát triển.
Ý kiến ()