Tại buổi tọa đàm gặp mặt doanh nghiệp ngày 7/10 với lãnh đạo tỉnh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, nhiều ý kiến đại diện của các doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các cơ chế chính sách như tạo mọi điều kiện thuân lợi về vốn vay, liên doanh, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp…. Tín hiệu đáng mừng là chiều ngày 10/10/2012, tỉnh đã công bố Quyết định thành lập và ra mắt Ban vận động Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh, đây sẽ là cơ hội nhằm chia sẻ thông tin, mở rộng khả năng liên doanh, liên kết, làm cầu nối đề xuất với các ngành chức năng, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh có thêm những cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, doanh nhân mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
LSO-Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được đăng ký thành lập. Với sức trẻ, ý chí tự lực tự cường, các doanh nghiệp đã đi đầu trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (SXKD), mở rộng quy mô sản xuất theo hướng đa ngành, đa nghề, liên doanh, liên kết, cùng hợp tác, cùng phát triển, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách, góp phần tích cực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp cần tăng cường liên doanh, liên kết hơn nữa để vững vàng hội nhập và phát triển.
Xưởng sản xuất ván ép Công ty TNHH Thịnh Lộc (Hữu Lũng)
Với Lạng Sơn, đa số các doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nguồn vốn kinh doanh chủ yếu huy động từ phía ngân hàng và các cổ đông. Với mức lãi suất ngân hàng cao của năm 2011 và những năm trước làm cho nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải gồng mình trả nợ. Đến nay, tuy lãi suất vay ngân hàng đã giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, cộng với sức mua giảm, hàng hóa khó tiêu thụ, tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp là dè dặt không dám mạo hiểm đầu tư mà chỉ duy trì hoạt động sản xuất và giữ khách hàng. Vấn đề cần phải được đánh giá sát thực là: tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô sản xuất còn nhỏ, chất lượng, hiệu quả SXKD còn nhiều hạn chế, công nghệ ở mức trung bình và lạc hậu; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý và tay nghề của người lao động chưa cao. Đại bộ phận các doanh nghiệp còn khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, trình độ quản lý, đầu ra cho sản phẩm, khả năng tiếp cận thông tin thị trường chưa cao. Vì vậy, việc ứng phó với sự biến đổi của thị trường còn yếu kém. Khi diễn biến thị trường phức tạp, lạm phát cao, lãi suất ngân hàng tăng, chi phí đầu vào tăng… làm cho các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, hệ lụy là không trả được nợ gốc và lãi suất ngân hàng như cam kết. Mặc dù trong thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hệ thống các ngân hàng Lạng Sơn đã có những biện pháp tích cực nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất với các khoản vay cũ, áp dụng lãi suất cho vay mới theo qui định hiện hành, miễn giảm lãi tiền vay. Theo ông Nông Văn Thới – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến 31/8/2012 đã có 594 doanh nghiệp có quan hệ với các ngân hàng thương mại trên địa bàn; dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp là 5.089 tỷ đồng, chiếm 56,7% tổng dư nợ. Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn của nhiều doanh nghiệp, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng còn nhiều vấn đề cần phải bàn.
Hiện nay, trên địa bản tỉnh có 1.432 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 9.800 tỷ đồng, như vậy mỗi doanh nghiệp chỉ có số vốn hơn 1,4 tỷ đồng và sử dụng trên 10 lao động. Con số này cho thấy, hệ thống doanh nghiệp tại Lạng Sơn còn quá nhỏ lẻ về quy mô. Trong khi đó, Lạng Sơn đang đứng trước nhiều vận hội với nhiều dự án đầu tư đòi hỏi nguồn lực lớn. Để đáp ứng được yêu cầu này, đồng thời khắc phục những yếu kém còn tồn tại, bên cạnh việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức quản trị doanh nghiệp, mở rộng doanh nghiệp, coi trọng chất lượng hoạt động của doanh nghiệp…điều cần thiết hiện nay đối với các doanh nghiệp chính là việc chủ động liên doanh, liên kết, hợp tác hỗ trợ nhau về vốn, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đề xuất các cơ chế chính sách với tỉnh để tạo ra nhiều nguồn lực và cơ hội mới cho doanh nghiệp phát triển. Việc thắt chặt giữa các doanh nghiệp với các thành phần kinh tế, giữa các hiệp hội doanh nghiệp với nhau sẽ góp phần tạo nguồn sức mạnh tổng hợp, đủ sức đảm đương những dự án phát triển kinh tế, xã hội và nắm bắt được cơ hội phát triển.
Tại buổi tọa đàm gặp mặt doanh nghiệp ngày 7/10 với lãnh đạo tỉnh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, nhiều ý kiến đại diện của các doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các cơ chế chính sách như tạo mọi điều kiện thuân lợi về vốn vay, liên doanh, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp…. Tín hiệu đáng mừng là chiều ngày 10/10/2012, tỉnh đã công bố Quyết định thành lập và ra mắt Ban vận động Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh, đây sẽ là cơ hội nhằm chia sẻ thông tin, mở rộng khả năng liên doanh, liên kết, làm cầu nối đề xuất với các ngành chức năng, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh có thêm những cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, doanh nhân mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Mai Văn Hoa
Ý kiến ()