Doanh nghiệp kỳ vọng gì trong năm Giáp Ngọ 2014?
Kết thúc năm năm 2013, mặc dù nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sự phục hồi trong những tháng cuối năm đã mở ra hy vọng về một năm mới với nhiều kỳ vọng và thuận lợi hơn đối với các doanh nghiệp.
Năm 2013 được đánh giá là một năm khó khăn đối với tất cả các ngành nghề, báo cáo của Tổng cục Thống kế cũng chỉ ra rằng, số doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động đã tăng 11,9% so với năm trước (60.737 doanh nghiệp), trong số đó vẫn còn một lượng lớn các doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký với cơ quan quản lý.
Con số trên đã phần nào phản ánh thực trạng sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng phải ngừng hoạt động được các doanh nghiệp kể đến nhiều nhất là do không vay được vốn. Nhưng bên cạnh đó cũng có thể thấy còn không ít doanh nghiệp vẫn chưa thể thích ứng được với những thay đổi của mô hình tăng trưởng mới.
Mặc dù vậy, khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại chỉ ra rằng chỉ số động thái tổng hợp của tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh thực thấy năm 2013 đạt -8 điểm, cải thiện rõ rệt so với cuối năm 2012 là -21 điểm. Trong đó, một bộ phận doanh nghiệp có niềm tin khá mạnh mẽ rằng tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014 sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, dự báo của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đều tỏ ra khá thận trọng. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, các thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong năm 2014 là không nhỏ. Theo ông Sơn, để tạo sự cạnh tranh về dòng vốn, Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn tiếp tục có sự điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15%. Duy trì và phát triển nguồn thu ngân sách nên tập trung sang thuế đánh vào tiêu dùng (VAT), thuế tài nguyên và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bên cạnh đó phải biết cách phát huy những lợi thế từ thị trường tiêu thụ nội địa bởi Việt Nam hiện đang có dân số đứng thứ 14 thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có thêm những công cụ để tự bảo vệ mình khi bước ra thương trường quốc tế, đặc biệt trong chiến lược về xuất khẩu.
Về các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong năm 2014, ông Nguyễn Trọng Hậu, Cục phó Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ sẽ tập trung mạnh hơn vào những giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, giải quyết nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng… Đẩy mạnh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa và tăng sự lan tỏa của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kiên định với các chính sách hỗ trợ sẽ tạo cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp, trong đó đặc biệt ưu tiên nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng, quay trở lại hoạt động, cộng hưởng với cú hích từ gia tăng thương mại và đầu tư nước ngoài.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, năm 2014 được dự đoán sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh và hợp tác mới đối với Việt Nam. Điển hình là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bên cạnh đó Việt Nam đang tích cực thúc đẩy quá trình đàm phán nhiều hiệp định thương mại và hợp tác tác khác như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do với Châu Âu hay Hiệu định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tạo ra nhiều động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.
Bước sang năm 2014, một năm được coi là bản lề với nền kinh tế Việt Nam, cùng với các mục tiêu tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, việc Quốc hội quyết định tăng bội chi ngân sách trong năm các năm 2013- 2014 và phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 cũng sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()