Doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm trong bối cảnh dịch COVID-19
Phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm không chỉ là việc của các doanh nghiệp lớn, mà còn cần phải lan tỏa thành phong trào và khuyến khích các hộ kinh doanh cùng hướng theo con đường này.
Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu như hiện nay đã tạo nên rất nhiều lợi thế và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Đồng thời, cũng đặt ra những thách thức vô cùng lớn nếu doanh nghiệp nào không kịp thay đổi, thích nghi với điều kiện mới.
Một doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững, không chỉ cần chú trọng tới việc phát triển kinh doanh mà còn phải quan tâm tới trách nhiệm xã hội; trong đó, dành sự ưu tiên đặc biệt tới việc chăm lo đời sống người lao động; tới việc gìn giữ môi trường xung quanh bằng những quan điểm và hành động thiết thực có ý nghĩa đóng góp cho cộng đồng xã hội.
Điều ấy càng thể hiện rõ hơn trong năm 2020 – một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu bởi dịch bệnh COVID-19, bởi hiểm họa thiên tai và những biến động về tình hình chính trị, xung đột thương mại giữa các quốc gia…
Lâu nay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được quan niệm và nhìn nhận ở bề nổi, tức là các hoạt động từ thiện, các chiến dịch mang tính thiện nguyện của doanh nghiệp, mà thường ít để ý tới những vấn đề khác như chế độ đãi ngộ với người lao động, chính sách bảo vệ môi trường và những cam kết với thị trường về chất lượng hay sự an toàn của sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp…
Ông Đặng Ngọc Thanh, nguyên Phó Tổng giám đốc, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) cho biết, nhận thức được trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, HFIC luôn quan tâm và tổ chức nhiều hoạt động vì lợi ích của cộng đồng như đóng góp xây dựng nhà tình thương, thăm và tặng quà Tết cho các hộ nghèo, người già neo đơn, trao học bổng cho các em học sinh vượt khó học giỏi, thăm và tặng quà cho trẻ em cơ nhỡ, trẻ em đường phố hay đóng góp cứu trợ đồng bào bị bão lụt, thực hiện cuộc vận động góp đá xây Trường Sa, đi bộ ủng hộ vì nạn nhân chất độc màu da cam, đi bộ ủng hộ trẻ em nghèo…
Song song đó, HFIC đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Thông qua việc cho vay các dự án đầu tư giảm thiểu ô nhiễm, đầu tư sản xuất sạch hơn, đầu tư di dời cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố ra các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Qua đó, góp phần đáng kể trong việc cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường của thành phố.
HFIC chỉ xem xét cho vay đối với các chủ đầu tư và các dự án đảm bảo thực hiện đúng tiêu chuẩn an toàn môi trường, an toàn xã hội trong quá trình đầu tư. Với việc sử dụng hiệu quả những nguồn vốn huy động để đầu tư, cho vay vào các dự án mang lại giá trị xã hội cao như Dự án đầu tư xây dựng Cầu Sài Gòn 2, Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội cùng các dự án đầu tư xây dựng mua sắm trang thiết bị trường học, bệnh viện, các dự án xử lý nước thải, rác thải tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Chủ trương này đã khẳng định hướng đầu tư đúng đắn của HFIC; đồng thời, hiệu quả kinh tế-xã hội của các dự án cũng thể hiện rõ chất lượng việc lựa chọn dự án đầu tư và cho vay của HFIC trong những năm qua.
Không chỉ có thế, trách nhiệm xã hội và văn hóa của doanh nghiệp còn thể hiện rõ hơn ở việc toàn thể cán bộ, nhân viên HFIC luôn có ý thức sử dụng tiết kiệm năng lượng, hạn chế rác thải và ưu tiên sử dụng các phương tiện làm việc thân thiện với môi trường.
Công ty cổ phần Lavifood là một trong những doanh nghiệp nông nghiệp dẫn đầu trong ngành chế biến rau củ quả.
Ông Lê Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Lavifood cho biết, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động nặng nề đến tình hình thương mại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới.
Nhưng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này; trong đó, có ngành rau củ quả vẫn đạt “kỳ tích” bất ngờ.
Xác định người nông dân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp mà Lavifood đang vận hành, nên doanh nghiệp đã đầu tư mạnh cho công nghệ chế biến sâu hiện đại với những nhà máy quy mô lớn, tiên tiến như Lavifood, Tanifood… để có thể bao tiêu tất cả các loại trái cây của nông dân.
Kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng xã hội chính là sứ mệnh mà Lavifood luôn theo đuổi và hướng tới. Trong thời gian trước mắt và lâu dài, Lavifood sẽ tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm chất lượng, an toàn, tự nhiên, tốt cho sức khoẻ được làm từ rau củ quả và dược liệu; góp phần xây dựng một cộng đồng an toàn, khoẻ mạnh.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Lee&Man Việt Nam – một trong những doanh nghiệp điển hình luôn đồng hành cùng Chính phủ trên chặng đường hồi phục và phát triển kinh tế trong năm 2021, với chiến lược kinh doanh không ngừng được điều chỉnh và đổi mới để thích nghi những thay đổi của thị trường.
Trong năm 2021, Lee & Man sẽ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới sự phát triển bền vững, theo đó, tiếp tục sử dụng các nguyên liệu tái chế, chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Theo ông Patrick Chung, Tổng Giám đốc Công ty Giấy Lee&Man, hướng đi này sẽ tạo “hiệu quả kép” cho doanh nghiệp khi vừa có thể bảo vệ môi trường vừa giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19.
Vì thế, năm 2021 này Lee & Man sẽ đặc biệt chú trọng vào việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất tại địa phương; đồng thời, quan tâm nhiều hơn đến hệ thống quản lý năng lượng.
Hiện công ty đang có nhiều kế hoạch quản lý năng lượng tối ưu để có thể tiết kiệm nhiều nhất các nguồn nhiên liệu từ thiên nhiên trong các hoạt động sản xuất, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
Cùng với Lee&Man, Công ty trách nhiệm hữu hạn La Vie, một thành viên thuộc Tập đoàn Nestlé cũng là điển hình trong những doanh nghiệp chủ trương kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, khi sản xuất dòng sản phẩm nước khoáng thiên nhiên sử dụng chai nhựa tái chế ra thị trường.
Sáng kiến sử dụng bao bì nhựa tái chế không chỉ góp phần giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu nhựa mới (nhựa nguyên sinh) mà còn đem lại cơ hội tái sinh cho mỗi vỏ chai được thu gom, góp phần tạo động lực cho các dự án thu gom và tái chế tại Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn để biến rác thải thành tài nguyên thay vì thải ra môi trường.
Theo đó, từng bước giúp người tiêu dùng có một cách nhìn mới về các giải pháp đối với vấn đề rác thải hiện nay.
Nhìn nhận thực trạng và triển vọng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới, mặc dù đã bước sang năm 2021 nhưng tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu nói chung và trong nước nói riêng vẫn chưa có tín hiệu khả quan, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhiều lần nhấn mạnh, phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm sẽ là hệ giá trị mới trong phát triển doanh nghiệp của thời đại mới.
Đây chính là giấy thông hành để mỗi doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam tiến sâu và xa hơn vào thị trường toàn cầu.
“Dù doanh nghiệp Việt và nền kinh tế trong nước còn ở khoảng cách khá xa so với thế giới về công nghệ, quản trị, vốn liếng nhưng chúng ta vẫn có thể đi đầu, đi tiên phong trong những nỗ lực đề cao trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong quá trình phát triển,” vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ.
Nhìn lại năm 2020 vừa qua với những thách thức của dịch COVID-19 và sự tàn phá của thiên tai bão lũ cùng biến đổi khí hậu, ông Lộc khẳng định: “Doanh nghiệp phải kiên định với con đường phát triển bền vững. Doanh nghiệp nào thực hiện tốt chỉ số quản trị bền vững; minh bạch thông tin cùng các chỉ số về trách nhiệm xã hội, môi trường sẽ đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn.”
Thực tiễn của năm qua đã cho thấy, không ít doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn đã tìm ra cơ hội để bứt phá, vượt lên và bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, mở mang được thị trường, đóng góp không nhỏ cho ngân sách Nhà nước và vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm không chỉ là việc của các doanh nghiệp lớn, mà còn cần phải lan tỏa thành phong trào và khuyến khích các hộ kinh doanh cùng hướng theo con đường này.
VCCI kiến nghị Chính phủ cần xây dựng khung khổ pháp lý và có chính sách thích hợp đối với các hộ kinh doanh để giúp tích hợp khu vực kinh tế này tham gia mạnh mẽ hơn vào chương trình, đề án thực hiện báo cáo phát triển bền vững; trong đó tập trung vào các vấn đề quan trọng như: bảo đảm quyền lợi cho người lao động, cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng xã hội….
Cùng đó, tham gia thực hiện báo cáo phát triển bền vững chính là hướng đi giúp giảm chi phí và tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh phát triển./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()