Doanh nghiệp kiên trì mục tiêu phát triển bền vững
Trải qua bốn đợt bùng phát dịch Covid-19 với các đợt giãn cách xã hội kéo dài, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang dần kiệt sức cả về tài chính và nguồn nhân lực. Điều này đã và đang tác động rất lớn đến nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn những DN có sức chống chịu tốt trước “cơn bão” dịch bệnh khi đã chủ động xây dựng một chiến lược phát triển bài bản, bền vững.
Bằng việc quản trị theo các tiêu chí về phát triển bền vững (PTBV), các DN có khả năng trụ vững trước khủng hoảng tốt hơn, cơ hội hồi phục nhanh hơn. PTBV trở thành con đường bắt buộc để các DN tồn tại và vươn xa trong tương lai.
Thích ứng trước những biến động của thị trường
PTBV đối với các DN có thể hiểu đơn giản là chiến lược quản trị DN phát triển thích ứng được với mọi hoàn cảnh, dựa trên cơ sở bảo đảm hài hòa các lợi ích về kinh tế (lợi nhuận, doanh thu) với lợi ích của người lao động và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều DN dần chuyển dịch định hướng, chiến lược kinh doanh từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang kinh doanh có trách nhiệm. Thực tế cho thấy, có rất nhiều DN vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19 để duy trì ổn định hoạt động, vẫn có sự tăng trưởng trong kinh doanh, từ đó hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc thực hiện mục tiêu kép.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) Đoàn Thị Mai Hương chia sẻ: Đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành hàng không khiến lượng hành khách suy giảm mạnh, nguy cơ dịch bệnh lây lan tới DN. Do đó, SASCO nhanh chóng chuyển mục tiêu kinh doanh, xác định nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất để tạo lợi thế cạnh tranh, cho nên đã điều chỉnh giảm mức độ ưu tiên về doanh thu xuống dưới ưu tiên bảo toàn nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, SASCO đã thực hiện các biện pháp kịp thời phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe người lao động và khách hàng. SASCO vẫn duy trì được đội ngũ nhân lực để hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và chỉ khi giữ được nguồn nhân lực mới có cơ sở để phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh.
Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, đại diện Công ty TNHH AEON Việt Nam cho rằng: PTBV không chỉ là kim chỉ nam trong trạng thái ổn định mà còn đóng vai trò quan trọng dẫn dắt DN thích ứng và phục hồi khi đối mặt với khủng hoảng. Do đó, để thực hiện PTBV hiệu quả thì việc tăng tốc độ chuyển đổi số và thay đổi phương thức vận hành phù hợp xu thế chung là giải pháp để thích nghi và phục hồi của DN bán lẻ như AEON. Trong đó, AEON đã nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, thực hiện chữ ký số, hệ thống quản trị DN số, quản lý đơn đặt hàng đến nhà cung cấp, xây dựng hệ thống quản trị khách hàng trên nền tảng Cloud (điện toán đám mây) giúp tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Ngoài ra, tăng cường các giải pháp trải nghiệm mua sắm cho người dùng thông qua ứng dụng di động AEON kết hợp các phương thức mua sắm đa kênh; thanh toán điện tử; quản lý thanh toán tự động; ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng hiện nay.
Hỗ trợ doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững
Để hỗ trợ DN thực hiện chiến lược PTBV, ứng phó với các thách thức, rủi ro, khủng hoảng, trong thời gian qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xây dựng bộ chỉ số về phát triển DN bền vững (CSI), được cộng đồng DN và Chính phủ đánh giá cao. CSI với các tiêu chí được xây dựng dựa trên các trụ cột về PTBV phù hợp bối cảnh Việt Nam, giúp các DN quản trị tốt được ba nguồn vốn trong quá trình phát triển, đó là: vốn tài chính, vốn xã hội và vốn tự nhiên. Áp dụng CSI, các DN tuân thủ tốt pháp luật trong nước và các thông lệ quốc tế, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, chăm lo tốt hơn cho người lao động, có trách nhiệm với xã hội hơn, quản trị rủi ro tốt hơn trước các cuộc khủng hoảng. Số liệu khảo sát của VCCI trong ba năm qua (2019 – 2021) cho thấy, DN nào áp dụng bộ chỉ số CSI vào quản trị đều có triển vọng tăng doanh thu, ổn định và tăng thu nhập cho người lao động, tăng sức chống chịu trước khó khăn, duy trì chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất, kinh doanh và có khả năng hồi phục phát triển nhanh hơn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để thực hiện được chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các DN chắc chắn sẽ trải qua rất nhiều thách thức mới để bảo đảm nguồn lực, tạo đà phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, ngoài sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan quản lý thông qua những gói hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, rất cần thêm những chính sách mạnh mẽ, tạo ra một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ và mới mẻ, giúp xây dựng những hệ sinh thái tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Đại dịch Covid-19 theo một cách nhìn tích cực là tạo “cú huých” để các DN thay đổi tư duy, có sự chuẩn bị và đầu tư, thậm chí tập trung nhiều hơn cho nguồn lực, cho việc thiết lập khung quản lý rủi ro và kế hoạch hoạt động liên tục. Từ đó, khi khủng hoảng xảy ra, DN có thể khởi động ngay cơ chế phòng ngự và khắc phục sự cố, bảo đảm quá trình phục hồi và PTBV hơn. Quản trị khủng hoảng và quản trị rủi ro chính là liều “vắc-xin” phòng ngừa hữu hiệu cho DN. Trên thực tế, PTBV là những vấn đề mang tính nền tảng căn bản trong bất kỳ tình huống, môi trường sản xuất, kinh doanh nào, dù bình thường hay khi xảy ra khủng hoảng, nếu thực hiện tốt các yêu cầu về PTBV, đều có thể đem lại các giá trị tốt hơn cho DN.
Theo Nhandan
Ý kiến ()