Doanh nghiệp khó tiếp cận
LSO-Được thành lập và đi vào hoạt động được gần 6 tháng, nhưng đến nay, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khá xa vời đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Đóng gói hoa hồi xuất khẩu tại Công TNHH sản xuất và chế biến nông sản Lạng Sơn |
Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của tỉnh được thành lập từ ngày 31/10/2014 với mục đích hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các Ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn. Theo nguyên tắc hoạt động thì quỹ sẽ phát hành chứng thư bảo lãnh cho các doanh nghiệp khi hồ sơ vay của doanh nghiệp đã được ngân hàng thương mại thẩm định đủ tất cả các tiêu chí cần thiết, chỉ còn thiếu tài sản đảm bảo và doanh nghiệp cũng đã đáp ứng đủ các quy định do quỹ đưa ra. Tuy nhiên, hiện tại gần như không có doanh nghiệp nào đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí để có thể được nhận bảo lãnh.
Ông Lại Quốc Toản, Chủ tịch Hội DNNVV Lạng Sơn cho biết: Mục đích hoạt động của quỹ là rất ý nghĩa đối với doanh nghiệp Lạng Sơn trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, giữa quỹ và doanh nghiệp vẫn còn một rào cản khá khắt khe. Đơn cử như thực tế hiện nay, khi một doanh nghiệp đã cần đến sự hỗ trợ của Quỹ Bảo lãnh tín dụng thì cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã không còn tài sản để thế chấp ngân hàng. Bởi hầu như toàn bộ tài sản đã được thế chấp cho ngân hàng để vay vốn đầu tư trước đó. Nhưng một trong các điều kiện để được nhận bảo lãnh thì doanh nghiệp phải có giá trị tài sản đảm bảo tối thiểu bằng 15% tổng giá trị khoản vay. Điều này là một vấn đề khó khăn lớn đối với doanh nghiệp khi muốn tiếp cận quỹ. Chưa kể trước đó, hồ sơ vay của doanh nghiệp đã phải được ngân hàng thương mại thẩm định đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết như tính khả thi của phương án kinh doanh, năng lực tài chính, tư cách pháp nhân của chủ đầu tư… Theo báo cáo khảo sát của của Ban Chấp hành Hội DNNVV thì hiện tại đến 30% trong tổng số hội viên của hội có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, trong đó có một số doanh nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ từ Quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng không đáp đủ điều kiện như Công ty Cổ phần Sản xuất và chế biến Lâm Sản Thịnh Lộc – Shinec, Công ty Cổ phần Non Nước…
Thông tin từ Ngân hàng Phát triển Lạng Sơn, đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ đề nghị bảo lãnh của doanh nghiệp thì đến thời điểm hiện tại, ngân hàng mới tiếp nhận được một hồ sơ của Công ty TNHH Sản xuất và chế biến nông sản Lạng Sơn đáp ứng đủ điều kiện. Đã tổ chức thẩm định lại và chuyển sang Ban quản lý Quỹ phát hành chứng thư bảo lãnh. Bà Nguyễn Thúy Điệp, Phó phụ trách Phòng Tổng hợp, Ngân hàng Phát triển Lạng Sơn cho biết: Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị bảo lãnh của doanh nghiệp, ngân hàng sẽ tiếp tục tổ chức thẩm định theo đủ các bước như khi xét duyệt một khoản vay, đồng thời căn cứ theo các điều kiện đã quy định của quỹ. Khi hồ sơ của doanh nghiệp đáp ứng mọi yêu cầu thì ngân hàng mới làm thủ tục chuyển sang Ban quản lý Quỹ để phát hành chứngthư bảo lãnh. Hiện nay, mỗi hồ sơ đề nghị bảo lãnh của doanh nghiệp sẽ phải qua hai lần thẩm định của Ngân hàng thương mại và Ngân hàng phát triển. Và khi doanh nghiệp được nhận bảo lãnh thì phải chi trả phí bảo lãnh tối thiểu là 1,5% tổng giá trị vay. Bà Phạm Thu Giang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và chế biến nông sản Lạng Sơn cho biết: vừa qua công ty đã được Quỹ Bảo lãnh tín dựng cho DNNVV phát hành chứng thư bảo lãnh cho vay vốn từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương chi nhánh Lạng Sơn gần 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty nhận thấy để được nhận bảo lãnh thì các điều kiện cần thiết cũng tương đương như khi trực tiếp vay vốn từ ngân hàng thương mại mà lại phải chi thêm một khoản phí thẩm định và phí bảo lãnh. Công ty mong rằng trong thời gian tới, qũy sẽ nới lỏng hơn nữa các điều kiện bảo lãnh để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi cần sự bảo lãnh của quỹ.
Chi trả lợi tức cho cổ đông tại Công ty Cổ phần Chợ Lạng Sơn – Ảnh: BT |
Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc quản lý quỹ cho biết: các thủ tục để được nhận bảo lãnh khá chặt chẽ theo quy định của Chính phủ và pháp luật. Đến thời điểm hiện tai, quỹ hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, điều này một phần cũng do từ phía doanh nghiệp cũng chưa mặn mà, một số doanh nghiệp đăng ký đóng góp vào vốn hoạt động của quỹ đến nay vẫn chưa đóng góp. Tính từ đầu năm đến nay, quỹ cũng chưa tiếp nhận thêm được hồ sơ yêu cầu bảo lãnh nào của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Ban quản lý quỹ sẽ tổ chức họp đánh giá hoạt động và sẽ xem xét, nghiên cứu để điều chỉnh một số nội dung quy định của quỹ. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
ANH DŨNG
Ý kiến ()