Doanh nghiệp khai thác quặng ảnh hưởng đến đất canh tác của dân
(LSO) – Từ 2 năm nay, đất canh tác của 18 hộ dân tại thôn Tà Lài, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng không thể sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân là Công ty Cổ phần Thương mại Vận tải Bảo Nguyên đóng trên địa bàn hoạt động khai thác quặng bôxit đã liên tục xả bùn đất ra cánh đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Đưa phóng viên đến khu vực ruộng bị đất bùn bám đặc, ông Nguyễn Đình Tuyên, trú tại thôn Tà Lài cho biết: “Trong tổng diện tích này, gia đình tôi có hơn 4 sào ruộng và 1 sào ngô đã phải bỏ trống từ năm 2017. Mỗi đợt mưa lớn, bùn từ hồ rửa quặng của Công ty Bảo Nguyên chảy xuống, bám đặc. Mới đầu là ngập toàn bộ diện tích lúa mới cấy, sau dần, chúng tôi không thể canh tác bởi lượng bùn bị tràn xuống quá nhiều. Đây là diện tích ruộng duy nhất của gia đình, không còn đất canh tác tôi phải đi làm thuê kiếm sống”.
Diện tích đất ruộng của các hộ dân thôn Tà Lài phải bỏ trống từ 2 năm nay, cỏ mọc cao quá đầu người
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, gia đình ông Hà Văn Nên cũng phải bỏ khoảng đất ruộng với diện tích hơn 6 sào. Ông Nên cho biết: “Khi mới bị ảnh hưởng, gia đình tôi đang trồng ngô. Vì không muốn vụ năm ấy mất trắng, tôi đã phải thuê người gỡ bỏ bùn để cây trồng có thể phát triển. Thế nhưng, vụ ngô vẫn mất trắng. Bất lực, gia đình tôi tiếp tục xây tường bao để ngăn bùn không chảy xuống những mong sẽ khắc phục nhưng cách này cũng không hiệu quả. Như các hộ dân khác, giờ đây, gia đình tôi phải bỏ hoang toàn bộ đất ruộng trong khu vực này”.
Qua tìm hiểu của phóng viên, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Bảo Nguyên bắt đầu ảnh hướng đến người dân từ năm 2016. Theo đó, công ty đào một hồ nước lớn để rửa quặng sau mỗi lần khai thác. Thay vì tính toán phương án xả nước trong hồ hợp lý, công ty này lại xả trực tiếp ra diện tích đất ruộng của người dân dẫn đến việc bùn theo đó chảy xuống, bám lại ruộng không thoát được.
Theo thống kê, có 18 hộ gia đình tại khu vực này không còn đất ruộng, đất nương để canh tác với diện tích hơn 5 mẫu. Trước thực trạng đó, các hộ dân đã gửi đơn kiến nghị lên xã để có phương hướng giải quyết. Năm 2018, UBND xã Tân Mỹ đã làm việc với đại diện Công ty và các hộ dân. Qua trao đổi, hai bên thống nhất công ty sẽ đền bù cho người dân với mức giá 3 triệu đồng/sào/hộ gia đình (tính theo thiệt hại hoa màu). Cùng đó, đại diện công ty Bảo Nguyên cam kết xây dựng mương thoát nước bằng bê tông kiên cố để bùn không chảy vào làm ảnh hưởng đến đất canh tác của người dân.
Thế nhưng theo phản ảnh của người dân, Công ty Bảo Nguyên chỉ đền bù thiệt hại hoa màu một lần duy nhất (của 2 vụ gieo trồng năm 2017). Bắt đầu từ năm 2018 đến nay, công ty không đền bù các vụ tiếp theo như đã hứa; đồng thời chỉ đào một đoạn mương thoát nước để lấp liếm, chưa bảo đảm.
Từ đó đến nay, bùn theo dòng chảy xuống ruộng càng nhiều, khiến hơn 5 mẫu ruộng, đất canh tác của người dân phải bỏ trống hoàn toàn. Theo quan sát của phóng viên, diện tích đất này hiện giờ cỏ hoang đã mọc cao quá đầu người, bùn đặc quánh khiến việc di chuyển khó khăn. Có những chỗ bùn xô xuống lấp lên đất canh tác khoảng 1 m, chỗ đọng ít cũng khoảng 30 cm.
Ông Hoàng Văn Địa, Chủ tịch UNBD xã Tân Mỹ xác nhận có hiện trạng như người dân phản ánh. Thẳng thắn thừa nhận việc để tình trạng này quá lâu chưa giải quyết những thắc mắc chính đáng cho người dân, ông Địa cho biết thêm: Trước phản ảnh của người dân, xã đã sắp xếp phía doanh nghiệp và người dân gặp mặt để có những thỏa thuận. Tuy nhiên, gần 2 năm nay, Công ty Bảo Nguyên không đền bù như cam kết, xã đã làm báo cáo gửi UBND huyện Văn Lãng để xin ý kiến chỉ đạo cụ thể.
Ông Vũ Biền, Chánh Văn phòng UBND huyện Văn Lãng cho biết: UBND huyện đã nhận được báo cáo của UBND xã Tân Mỹ xin ý kiến chỉ đạo để giải quyết những kiến nghị của người dân thôn Tà Lài. Thời gian tới, UBND huyện sẽ giao cho phòng chuyên môn nghiên cứu, đề xuất phương án, tham mưu cho UBND huyện giải quyết vụ việc.
Dường như những giải đáp của lãnh đạo xã Tân Mỹ, chính quyền huyện vẫn chưa khiến người dân cảm thấy thỏa đáng. “Nếu không giải quyết nhanh, có thể Công ty Bảo Nguyên khi thực hiện khai thác xong sẽ “rút quân”, bởi trước đó, công ty này từng hoạt động sản xuất kinh doanh và gây thiệt hại cho một số hộ dân sống tại thôn Nà Han, xã Tân Thanh nhưng cũng không có phương án đền bù gì cho bà con. Chúng tôi không muốn sự việc kéo dài để rồi có nguy cơ lặp lại tình huống đó. Nếu Công ty Bảo Nguyên không thực hiện đền bù thì chúng tôi cũng khó có thể cải tạo lại diện tích đất ruộng bởi kinh phí quá lớn”, ông Nên cho biết thêm.
Thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Văn Lãng cùng các cơ quan chức năng cần nhanh chóng giải quyết những thắc mắc chính đáng của người dân. Hoạt động của Công ty Bảo Nguyên không chỉ khiến nhiều hộ dân nơi đây mất dần sinh kế mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Ý kiến ()